"Cạo trọc" đồi lấy đất san lấp dự án phục vụ cao tốc tại Bình Định: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Dũ Tuấn Thứ ba, ngày 04/07/2023 12:04 PM (GMT+7)
Lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Bình Định cho biết, để xảy ra tình trạng khai thác đất khi tỉnh chưa cấp phép, dùng để san lấp dự án khu tái định cư phục vụ cao tốc tại TX.Hoài Nhơn, trách nhiệm trước tiên, thuộc về quản lý của chính quyền địa phương.
Bình luận 0

Hiện trường "không một bóng người"

Ngày 3/7, chúng tôi quay lại khu vực đồi núi tại TX.Hoài Nhơn (Bình Định) - nơi từng ồ ạt khai thác đất khi chưa được UBND tỉnh Bình Định cấp phép, thì hiện trường bất ngờ "không một bóng người". 

'Cọc trọc' đồi, lấy đất san lấp dự án khu tái định cư phục vụ cao tốc tại Bình Định.

Khung cảnh ồ ạt múc đất, chở đi san lấp khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua địa bàn phường Hoài Hảo, TX.Hoài Nhơn (điểm số 7), mà báo Dân Việt phản ánh trước đó, đã không còn. 

Tại hiện trường, máy múc, phương tiện đã rời đi, chỉ để lại quả đồi bị "cạo trọc", nham nhở gạch đá… nhiều diện tích rừng trồng bị xóa sổ, bật gốc.

Lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Bình Định khẳng định, để xảy ra tình trạng khai thác đất khi chưa được UBND tỉnh Bình Định cấp phép, trách nhiệm trước tiên thuộc về quản lý của các cấp chính quyền TX.Hoài Nhơn.

'Cọc trọc' đồi, lấy đất san lấp dự án phục vụ cao tốc tại Bình Định: Người đứng đầu chịu trách nhiệm - Ảnh 1.

Quả đồi tại TX.Hoài Nhơn, Bình Định bị băm nát để khai thác đất nhưng giờ không còn một bóng người. Ảnh: Dũ Tuấn.

Theo Sở TNMT tỉnh Bình Định, hiện nay, tại TX.Hoài Nhơn nhu cầu sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, đất, đá,...) phục vụ cho dự án cao tốc Bắc - Nam và các khu tái định cư cho cao tốc Bắc - Nam rất lớn.

Các đơn vị trúng thầu thi công các khu tái định cư về cơ bản đang triển khai lập thủ tục xin cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp, chưa thực hiện theo quy định.

Nguyên nhân là thủ tục cấp phép các mỏ vật liệu cho khu tái định cư không được áp dụng cơ chế đặc thù như thủ tục cấp phép cho các mỏ vật liệu phục vụ tuyến chính cao tốc. 

Vì vậy, các doanh nghiệp mất nhiều thời gian để hoàn thành các hồ sơ cấp phép, bồi thường GPMB, chuyển mục đích rừng, thuê đất.

Thế nhưng, việc theo dõi, đôn đốc doanh nghiệp lập hồ sơ xin phép sau khi được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương, chưa được Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất thị xã Hoài Nhơn chú trọng, kịp thời.

'Cọc trọc' đồi, lấy đất san lấp dự án phục vụ cao tốc tại Bình Định: Người đứng đầu chịu trách nhiệm - Ảnh 2.

Khu tái định cư phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua địa bàn phường Hoài Hảo, TX.Hoài Nhơn (điểm số 7). Ảnh: Dũ Tuấn.

Ông Lê Đăng Tuấn – Chủ tịch UBND TX.Hoài Nhơn cho hay, sau khi báo chí phản ánh, chính quyền đã xác định được doanh nghiệp vi phạm và sẽ ra quyết định xử phạt hành chính.

Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng và Phát triển quỹ đất TX Hoài Nhơn (đại diện chủ đầu tư điểm tái định cư số 7) khẳng định, vị trí khai thác đất trên đang lập thủ tục, chưa được cấp phép.

"Việc này không ai cho phép, nhưng các đơn vị thi công đang chịu áp lực tiến độ, nên quá nôn nóng", vị này thừa nhận.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Sương – Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng cho rằng, căn cứ Khoản 1 Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP được bổ sung bởi Nghị định 04/2022/NĐ-CP. 

Tùy vào khối lượng, cách thức khai thác mà hành vi khai thác khoáng sản không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. 

Ngoài ra, cá nhân/tổ chức vi phạm còn bị tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản trong trường hợp chưa bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy; tịch thu phương tiện sử dụng vi phạm hành chính.

Đồng thời, buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn; buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh trong trường hợp có hành vi vi phạm; nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật là khoáng sản có được do thực hiện vi phạm hành chính.

'Cọc trọc' đồi, lấy đất san lấp dự án phục vụ cao tốc tại Bình Định: Người đứng đầu chịu trách nhiệm - Ảnh 3.

Quả đồi nhìn từ trên cao thời điểm phương tiện ồ ạt khai thác đất vận chuyển đi nơi khác. Ảnh: Dũ Tuấn.

Trường hợp nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cá nhân, pháp nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên", theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015.

Luật sư Nguyễn Sương cho rằng, nếu khai thác chưa được cấp phép thì dù khai thác đất để thi công công trình nhà nước hay sử dụng vào bất kỳ mục đích nào, thì cơ quan quản lý nhà nước, người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước và cá nhân được giao nhiệm vụ, đều phải chịu trách nhiệm. 

"Trong sự việc này, cơ quan chức năng cần phải thanh tra, kiểm tra, xác minh nhiệm vụ, trách nhiệm của các cá nhân có thẩm quyền trong việc quản lý thi công công trình, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản ở địa phương", luật sư Nguyễn Sương nhận định. 

'Cọc trọc' đồi, lấy đất san lấp dự án phục vụ cao tốc tại Bình Định: Người đứng đầu chịu trách nhiệm - Ảnh 4.

Nhiều gốc cây bật gốc tại hiện trường nơi khai thác đất không phép. Ảnh: Dũ Tuấn.

Vẫn theo luật sư Nguyễn Sương, nếu có vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm mà cá nhân có thẩm quyền có thể bị xử lý kỷ luật hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự, nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem