Câu chuyện Trung Quốc và Apple: Từ "yêu chiều" đến căng thẳng leo thang

Huỳnh Dũng Thứ năm, ngày 16/09/2021 08:28 AM (GMT+7)
Câu chuyện về việc Apple và Trung Quốc lúc thì chiều lòng nhau, lúc thì làm khó nhau đã khiến nhiều người nhức nhối khó hiểu. Và những bằng chứng dưới đây sẽ làm rõ thêm về câu chuyện này.
Bình luận 0

Dù gì thì Trung Quốc cũng là món mồi béo bở của Apple

Là một nước tiêu thụ lớn trên thị trường toàn cầu, nên Trung Quốc là một thị trường khổng lồ mà mọi thương hiệu đều muốn cạnh tranh, về mặt này Apple cũng không phải là ngoại lệ.

Gần đây nhất, Apple đã công bố báo cáo tài chính quý 2 năm 2021. Báo cáo tài chính này cho thấy, Apple có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thị trường toàn cầu. Phần lớn nhờ vào doanh thu gần 100 tỷ nhân dân tệ (15,4 tỷ USD) mà thương hiệu này có được từ thị trường Trung Quốc. Do những thành tựu của Apple tại thị trường Trung Quốc, CEO Tim Cook của Apple cho biết: "Đây là thị trường mạnh nhất của chúng tôi" và "Chúng tôi tự hào về điều này".

Trung Quốc cũng đưa ra không ít yêu cầu khiến Táo Khuyết phải "khóc dở mếu dở". Ảnh: @AFP.

Trung Quốc cũng đưa ra không ít yêu cầu khiến Táo Khuyết phải "khóc dở mếu dở". Ảnh: @AFP.

Trong quý 2 vừa qua, nhiều dòng sản phẩm của Apple đã đạt mức tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm ngoái. Cook cho biết tại thị trường Trung Quốc, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc đã có phản ứng mạnh mẽ tích cực với iPhone 12 series. Do lệnh cấm của Huawei và không còn khả năng sản xuất nhiều điện thoại thông minh, thế nên Apple đã có một số lợi thế ở Trung Quốc.

Theo báo cáo tài chính của Apple, trong quý tài chính thứ ba (từ tháng 4 đến tháng 6) của năm tài chính 2021, doanh thu của Apple tại Trung Quốc đạt 14,76 tỷ USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Cook nói rằng nhiều người dùng Trung Quốc mới đã bắt đầu mua các sản phẩm của Apple. Ví dụ, trong quý đầu tiên, 2/3 người dùng Mac và iPad Trung Quốc là người dùng mới, và 85% người dùng Apple Watch Trung Quốc là người dùng mới. Những kết quả khả quan này khiến Tim Cook coi thị trường Trung Quốc là thị trường mạnh nhất của Apple.

Nhưng Trung Quốc cũng đưa ra không ít yêu cầu khiến Táo Khuyết phải "khóc dở mếu dở"

Samm Sacks, một chuyên gia về Trung Quốc chuyên tư vấn cho các công ty Mỹ cho biết: "Các công ty phương Tây khi kinh doanh ở Trung Quốc luôn bị làm khó. Những thách thức đó thay đổi theo thời gian".

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chặn quyền đăng ký LinkedIn sau khi trang web này không kiểm duyệt đủ nội dung chính trị. Apple đã thỏa hiệp với chính quyền nước này để "lấy lòng" nhà chức trách và duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Thậm chí, tờ New York Times cho biết để tuân thủ quy định mới về an ninh mạng của Trung Quốc, Apple chấp nhận xây dựng trung tâm dữ liệu tại Quý Dương để lưu trữ thông tin người dùng iCloud của đất nước tỷ dân.

Trung Quốc là thị trường quan trọng của Apple. Khoảng 20% doanh thu của Táo khuyết đến từ nước này. Ảnh: @Getty.

Trung Quốc là thị trường quan trọng của Apple. Khoảng 20% doanh thu của Táo khuyết đến từ nước này. Ảnh: @Getty.

Apple nói rằng dữ liệu người dùng iCloud khi chuyển sang máy chủ địa phương sẽ được bảo đảm an toàn. Dù vậy, New York Times cho rằng việc đó không khác gì nhường phần lớn quyền kiểm soát cho chính phủ Trung Quốc. Về phần mình, Apple bác bỏ nhận định trên.

Đến chuyện Trung Quốc dời núi phục vụ Apple qua lời kể của chuyên gia

Doug Guthrie là một trong những chuyên gia hàng đầu của Mỹ về thiết lập quan hệ làm ăn với Trung Quốc. Năm 2014, ông đầu quân cho Apple với nhiệm vụ tư vấn và định hướng hoạt động của công ty tại đất nước tỷ dân. 

Trước đó, khi là sinh viên năm 2 chuyên ngành Kinh tế học tiếng Quan Thoại tại Đại học Chicago, Guthrie đã tạm dừng việc học, vay tiền rồi chuyển đến Đài Loan. Ở đây, ông đạp xe cùng câu lạc bộ mỗi sáng, học tiếng Quan Thoại và dạy tiếng Anh vào buổi chiều.

Sau khi lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học California, ông giảng dạy ở Đại học New York năm 1997. Nhờ có nhiều nghiên cứu về tiềm năng kinh tế của Trung Quốc, ông được nhiều công ty tìm đến để tư vấn.

Doug Guthrie là một trong những chuyên gia hàng đầu của Mỹ về thiết lập quan hệ làm ăn với Trung Quốc. Ảnh: @AFP.

Doug Guthrie là một trong những chuyên gia hàng đầu của Mỹ về thiết lập quan hệ làm ăn với Trung Quốc. Ảnh: @AFP.

Theo lời kể lại của ông, vào năm 2001, Apple mở dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc. Dù chỉ hoạt động với quy mô nhỏ, các lãnh đạo Apple nhanh chóng nhận ra tiềm năng của quốc gia này. Ba năm sau, Apple mở rộng dây chuyền tại đây bằng một nhà máy sản xuất iPod – sản phẩm ăn khách của hãng thời đó.

Trong một chuyến khảo sát địa điểm, người đứng đầu bộ phận hợp tác sản xuất của Apple đã chỉ vào một ngọn núi nhỏ và nói với hai giám đốc cấp cao khác rằng, nhà máy sẽ được xây dựng ở đó. Hai người này tỏ ra bối rối vì nhà máy cần xây dựng và hoạt động sau 6 tháng. Thế nhưng chưa đầy 1 năm sau, khi các giám đốc trở lại Trung Quốc, ngọn núi đã biến mất, thay vào đó là nhà máy đang vận hành. Ở đây, Chính phủ Trung Quốc đã dời ngọn núi cho Apple xây dựng.

Nhiều năm sau đó, Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD để thiết lập chuỗi cung ứng cho Apple, mở đường, tuyển dụng và xây nhà máy cũng như nơi ở cho nhân viên. Hiện nay, đa số iPhone, iPad và máy tính Mac của Apple đều được lắp ráp ở Trung Quốc.

Nhưng tất cả sự phụ thuộc ấy khiến Apple có rất ít đòn chống đỡ

Chuyên gia Guthrie đã giải thích cặn kẽ rủi ro của Apple khi tập trung quá nhiều dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc. Sự phụ thuộc ấy khiến công ty có rất ít đòn chống đỡ. Trên thực tế, Apple đã "vật lộn" với nhiều yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc. Có thời điểm họ muốn Apple cung cấp mã nguồn bảo mật của iPhone, nghĩa là phải tạo ra "cửa hậu" cho phép nhà chức trách vượt qua lớp bảo mật. Một lãnh đạo tiết lộ Apple đã bác bỏ yêu cầu này.

Không chỉ vậy, Apple còn phải chú ý đến thứ hạng trong danh sách công ty có trách nhiệm xã hội được Trung Quốc công bố thường niên. Năm 2017, hãng đã chia sẻ báo cáo về những đóng góp tại Trung Quốc. Các lãnh đạo Apple đã vui mừng khi báo cáo được chính phủ Trung Quốc khen ngợi.

Sự phụ thuộc quá nhiều vào đất nước tỷ dân đã gây ra tình thế khó xử cho Táo khuyết. Ảnh: @AFP.

Sự phụ thuộc quá nhiều vào đất nước tỷ dân đã gây ra tình thế khó xử cho Táo khuyết. Ảnh: @AFP.

Điểm số trách nhiệm xã hội của Apple tại Trung Quốc tăng đều đặn. Từ năm 2016 đến 2020, thứ hạng của Apple nhảy từ 141 lên 30 trên tổng số các doanh nghiệp hoạt động tại đất nước tỷ dân.

Tuy nhiên, không phải lúc nào Apple cũng thành công trong việc từ chối các yêu cầu của chính phủ Trung Quốc. Ví dụ, Tim Cook đã đồng ý lưu trữ dữ liệu người dùng trên máy chủ được vận hành bởi chính quyền Trung Quốc. Ngoài ra, thiết bị phần cứng gọi là "chìa khóa" giải mã dữ liệu iCloud cũng được đặt ở Trung Quốc, không phải Mỹ.

Nhìn lại các chuỗi sự kiện mà Apple nhượng bộ trước quốc gia này, có thể thấy cảnh báo của Guthrie đã đúng. Trung Quốc mang đến thị trường kinh doanh lớn cho Apple, nhưng sự phụ thuộc quá nhiều vào đất nước tỷ dân đã gây ra tình thế khó xử cho Táo khuyết.

Chung quy lại, hơn hai thập kỷ qua, Apple đã xây dựng công ty giá trị nhất thế giới ở Trung Quốc. Hiện công ty lắp ráp gần như tất cả sản phẩm và tạo ra 1/5 doanh số bán hàng tại đây. Về phía Apple, Trung Quốc có thể là một nơi để lập công xưởng ráp tiềm năng, là nơi tiêu phụ iPhone khủng nên Apple lúc nào cũng biết cách chiều lòng quốc gia này, thậm chí Trung Quốc cũng đưa ra không ít yêu cầu khiến Táo Khuyết phải "khóc dở mếu dở".

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc làm quá căng, việc Apple chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến vị thế "công xưởng thế giới", tình hình xuất nhập khẩu cùa của nước này, mà còn tác động đến cả đời sống người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem