Cầu thủ Việt Nam xuất ngoại: Gà cưng và sự đáng sợ của một trào lưu

Thứ bảy, ngày 27/02/2021 06:10 AM (GMT+7)
Bằng mối quan hệ, hay bằng cách nào nó, các ông chủ đưa “gà cưng” của mình xuất ngoại, nhưng rồi tất cả đều trở về trong nỗi buồn vô tận.
Bình luận 0

Một người bạn ở quê, gọi điện hỏi tôi: Đoàn Văn Hậu thành công hay thất bại khi trở về từ SC Heerenveeen? Thực ra, không chỉ có anh bạn tôi mà hàng tá câu hỏi tương tự dành cho cầu thủ người Thái Bình khi anh rời Hà Lan.

Thật khó để nói về thành công hay thất bại của Đoàn Văn Hậu bởi “chín người, mười ý”. Nhìn hệ cơ bắp cuồn cuộn của Hậu, có người nói đấy là sự thành công lớn nhất bởi nếu ở Việt Nam, anh chàng này không bao giờ có được. Còn thất bại, Hậu chẳng có lấy được một giây nào chơi tại giải VĐQG Hà Lan trong vòng 10 tháng ở đây.

Cầu thủ Việt Nam xuất ngoại: Gà cưng và sự đáng sợ của một trào lưu  - Ảnh 1.

Đoàn Văn Hậu khi còn khoác áo Heerenveen

Đoàn Văn Hậu là cái tên được kỳ vọng sẽ tạo ra những tiếng vang cho bóng đá Việt Nam khi xuất ngoại. Nguyên do, cầu thủ của Hà Nội sở hữu cái chân trái khéo léo, cùng với đó là một thể hình tuyệt đẹp dành cho vị trí hậu vệ. Điều quan trọng hơn, Hậu được đánh giá sẽ cạnh tranh được với người chơi cùng vị trí.

Rốt cuộc, Đoàn Văn Hậu đã phải sớm quy cố hương. Hành trang mà hậu vệ này có được với SC Heerenveeen là một thể hình dày cơm, biết nói tiếng Anh, biết lái xe, biết nấu nướng, những kỹ năng mềm, cùng với đó là 4 phút đá chính trong 1 trận đấu tại cúp QG Hà Lan.

Cầu thủ Việt Nam xuất ngoại: Gà cưng và sự đáng sợ của một trào lưu  - Ảnh 2.

Văn Hậu ít có cơ hội ra sân ở đội một Heerenveen

Từ chuyện Đoàn Văn Hậu, những hoài nghi về năng lực của cầu thủ Việt Nam mở ra. Nên nhớ, trước đó Công Vinh, Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng đều thất bại. Người ta cứ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi:  Làm gì để cầu thủ Việt Nam trụ lại khi ra chơi bóng ở nước ngoài?

Nhiều người đã đề cập vấn đề thể hình, thể lực, kỹ chiến thuật hay ngoại ngữ hạn chế của các cầu thủ Việt Nam. Thật ra, rất khó nói cầu thủ xứ ta kém cỏi vì họ cũng được đào tạo, được chuẩn bị những điều tốt nhất trước khi đem chuông đi đánh xứ người.

Chúng ta cần phải nhìn vào sự thật, điểm đến của các cầu thủ Việt Nam trong hình trình xuất ngoại có sự khác biệt trình độ đẳng cấp, tư duy chơi bóng. Sự thật, văn hóa có thể học, có thể dần thích ứng, nhưng tư duy và trình độ chơi bóng là điều rất khó để đổi thay trong một sớm, một chiều, thậm chí là vài năm.

Đến đây, hẳn nhiều người lại chất vấn: Tại sao, các cầu thủ Thái Lan lại thành công hơn Việt Nam khi đến J.League. Đơn cử như “Messi Thái” Chanathip. Thực ta, chúng ta không nên lấy hệ quy chiếu của bóng đá Thái để so với Việt Nam. Cũng không nên so sánh Công Phượng với Chanathip hay ai khác vì đơn giản, họ là hai cá thể, hai tư duy khác nhau hoàn toàn.

Cầu thủ Việt Nam xuất ngoại: Gà cưng và sự đáng sợ của một trào lưu  - Ảnh 4.

Sự thành công đôi khi đến từ sự may mắn, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là nội lực của cá nhân đáp ứng được yêu cầu của các CLB. Như Chanathip thực sự là một cầu thủ đặc biệt. Consadole Sapporo (đội bóng cũ của Công Vinh) muốn có sự phục vụ của tiền vệ nhỏ con này, là do chuyên môn thuần túy.

Vậy có bao nhiêu cầu thủ Việt Nam nhận được sự quan tâm của các CLB do chuyên môn? Có lẽ không cần phải trả lời nữa, bởi đại đa số đều có bàn tay sắp xếp từ phía các ông chủ hay đơn vị đứng đằng sau với những lý do X,Y,Z…

Có đôi khi người ta có cảm tưởng, xuất ngoại với bóng đá Việt Nam như một trào lưu kiểu như giới thượng lưu trước đây có “mốt” phải đưa con đi du học ở nước ngoài. Đáng sợ nhất, trào lưu ấy có thể được biến thành một công cụ vì mục đích thương mại, quảng bá hình ảnh, sản phẩm… thay vì anh ta đến để chơi chơi bóng đá.

Cầu thủ Việt Nam xuất ngoại: Gà cưng và sự đáng sợ của một trào lưu  - Ảnh 5.

Đôi khi, người ta còn có cảm tưởng, cho “gà nhà” xuất ngoại, như một sở thích của những ông chủ. Cái sở thích để thoả mãn cái tôi và để chứng minh, bản thân là mở lối đi tiên phong, giúp bóng đá Việt Nam nâng tầm quốc tế…

Sẽ rất đáng sợ nếu xuất ngoại chơi bóng trở thành một trào lưu, khi mà những thất bại vẫn còn nguyên tính thời sự. Những ông chủ có thể sẽ đạt mục đích, nhưng có lẽ họ cũng cay xè đôi mắt, khi phải chứng kiến “gà cưng” bị đày trên băng ghế dự bị vào mỗi cuối tuần.

Cuối cùng, người phải chịu nhiều điều tiếng và nỗi buồn nhất chính là cầu thủ, dù họ biết ra đi là “bán thanh xuân” để cải thiện một khoản thu nhập kha khá cho bản thân, cho gia đình.

Hữu Ký (Theo Cầu Thủ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem