CEO startup Việt nói về năm 2021: Năm Sửu sẽ cố gắng làm việc ‘trâu’ hơn
Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Người Đồng Hành đã có cuộc trò chuyện với 3 vị CEO - đại diện cho startup Việt thuộc các giai đoạn phát triển khác nhau – để nghe họ chia sẻ về những gì đã làm được trong năm cũ và kỳ vọng trong năm mới.
Nền tảng bán vé xe trực tuyến VeXeRe ra đời vào năm 2013 và đã thực hiện 4 vòng gọi vốn thành công, trong khi Loship bắt đầu dịch vụ giao hàng từ năm 2017 còn Gpay lại là “tân binh” của thị trường ví điện tử Việt Nam.
Trần Nguyễn Lê Văn – Đồng sáng lập và CEO VeXeRe: Năm Sửu sẽ làm việc “trâu” hơn
VeXeRe hiện có 3 mảng kinh doanh chính là cung cấp giải pháp đặt vé xe trực tuyến cho hành khách, phần mềm quản lý hiệu quả cho nhà xe và phần mềm hỗ trợ bán vé cho đại lý. Theo CEO Trần Nguyễn Lê Văn, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh thu của công ty năm 2020 “không giảm so với 2019 nhưng thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi”.
Nói về năm 2021, CEO startup này cho biết anh và đội ngũ của mình sẽ làm việc “trâu” hơn trong năm Sửu bởi đây là một năm rất quan trọng.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục với việc cách mạng hóa ngành giao thông vận tải, từng bước giải bài toán giúp nhà xe thay đổi hành vi từ quản lý thủ công sang công nghệ, giúp hành khách thay vì xếp hàng ở bến xe mua vé thì có thể đặt online. Trong năm tới, VeXeRe sẽ giúp mọi người không phải gửi hàng vất vả như hiện tại mà có thể gửi hàng online”, CEO Lê Văn chia sẻ.
VeXeRe đặt mục tiêu doanh thu năm 2021 gấp đôi 2020 vì tin rằng đội ngũ của mình còn nhiều thế mạnh để có thể cung cấp các dịch vụ tốt hơn trong năm mới.
“Làm startup phải đặt ra mục tiêu đủ thử thách, vượt qua khỏi vùng an toàn để có những suy nghĩ sáng tạo, đột phá hơn. Thật ra mục tiêu gấp đôi doanh thu vẫn còn khá an toàn, chúng tôi đang nghĩ làm thế nào để gấp ba. Vì vậy, cả team sẽ phải ‘cày trâu’ hơn rất nhiều”, Lê Văn nói.
Nguyễn Hoàng Trung – Nhà sáng lập và CEO Loship: Mở rộng hoạt động, hoàn thiện hệ sinh thái
Theo CEO Nguyễn Hoàng Trung, “năm 2020 là một năm đầy thách thức với nhiều biến động thị trường nhưng nhìn dưới lăng kính tích cực, đó vẫn là một năm cho Loship nhiều cơ hội”. Về tình hình kinh doanh, giãn cách xã hội do Covid-19 đã thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử và giao đồ ăn.
“Nếu như trước đây, việc nói với chủ cửa hàng hoặc khách hàng lớn tuổi sử dụng Loship mất 1 - 3 tuần thì nay, việc thuyết phục chỉ mất khoảng vài tiếng. Từ một góc nhìn lớn hơn, khi hành vi ra ngoài bị thay đổi nhưng nhu cầu ăn uống, đi chợ vẫn không thay đổi thì khách hàng sẽ phải sử dụng công cụ khác để đáp ứng điều này”, Hoàng Trung nói và cho biết “chỉ trong 3 tháng của năm 2020, chúng tôi kinh doanh bằng 3 năm cộng lại”.
Cũng trong năm 2020, Loship công bố gọi vốn thành công vòng Bridge dẫn dắt bởi quỹ đầu tư Singapore Vulpes Investment Management, cùng nhiều nhà đầu tư khác đến từ Saudi Arabia và Nigeria.
“Năm vừa qua là một năm đầy thách thức trong việc gọi vốn, khi dịch Covid-19 buộc các nước phải bế quan tỏa cảng, hệ quả là các nhà đầu tư nước ngoài không thể đến Việt Nam. Chúng tôi buộc phải thay đổi chiến thuật, thay vì gọi những vòng vốn lớn, chúng tôi chia ra gọi từng khoản nhỏ với nhiều nhà đầu tư khác nhau và mọi cuộc trao đổi chỉ diễn ra online”, Hoàng Trung chia sẻ.
CEO Loship cho biết kỳ vọng của anh trong năm Tân Sửu là duy trì và mở rộng các hoạt động tại những thị trường cấp 2, cấp 3 ở Việt Nam. Ngoài ra, Loship có kế hoạch phát triển mạnh hơn các hoạt động thanh toán và ví điện tử trong ứng dụng của mình để hoàn thiện hệ sinh thái và thúc đẩy giao dịch không tiền mặt.
“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn mở rộng dịch vụ theo chiều ngang, không chỉ cung cấp 10 dịch vụ như hiện tại mà có thể lên đến 15-20 dịch vụ, phục vụ các nhu cầu giao vận đa dạng của khách hàng. Chỉ cần có thể vận chuyển được bằng tài xế xe hai bánh, chúng tôi đều phục vụ”, CEO Hoàng Trung nói.
Nguyễn Thuần Chất – Đồng sáng lập và CEO Gpay: Tạo đột phá trong năm 2021
Ví điện tử Gpay (thuộc Tập đoàn Công nghệ G-Group) ra mắt thị trường Việt Nam hồi tháng 1 sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán.
Cũng tại sự kiện ra mắt, Gpay công bố gọi vốn thành công vòng đầu tư thứ nhất (Series A) từ Tập đoàn tài chính KB Hàn Quốc với định giá 425 tỷ đồng. Theo đại diện startup này, khoản đầu tư sẽ được công ty sử dụng vào việc tăng trưởng người dùng dựa trên hệ sinh thái sẵn có, phát triển các giải pháp công nghệ mang tính chiến lược và đầu tư phát triển con người.
Chia sẻ với Người Đồng Hành, CEO Nguyễn Thuần Chất cho rằng dù ra đời sau nhiều ví điện tử khác, lợi thế của Gpay là hệ sinh thái của G-Group với gần 30 triệu người dùng – hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ tài chính, mạng xã hội, game online... Mục tiêu của Gpay là có 5 triệu người dùng thường xuyên đến năm 2023.
“Kỳ vọng của chúng tôi là có thể tạo đột phá lớn trong năm Tân Sửu này, từ đó tạo tiền đề để đạt được mục tiêu có 5 triệu người dùng trong năm 2023”, CEO Nguyễn Thuần Chất chia sẻ.