Nghề cha truyền con nối giúp một nông dân Quảng Nam “sống khỏe”, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người

Tuyết Nhung - Trần Hậu Thứ hai, ngày 01/04/2024 07:46 AM (GMT+7)
Rời quân ngũ, ông Nguyễn Nhất Tuấn (64 tuổi, trú thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) trở về quê hương mưu sinh với nghề làm chổi đót truyền thống của gia đình.
Bình luận 0

Phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, ông luôn nỗ lực làm kinh tế giỏi với những cách làm mới, giúp gia đình và nhiều người dân địa phương thay đổi cuộc sống.

Nối nghiệp cha ông

Rời quân ngũ năm 1990, ông Tuấn trở về quê hương với những lo toan của cuộc sống thường nhật. Để có thu nhập phụ giúp gia đình và bản thân, ông khởi nghiệp từ chính nghề làm chổi đót truyền thống do ông bà, cha mẹ truyền lại.

Nghề cha truyền con nối giúp một nông dân Quảng Nam “sống khỏe”, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Nhất Tuấn gắn bó với nghề làm chổi đót truyền thống đã hơn 30 năm. Ảnh: T.N.

Ông Tuấn bộc bạch: "Làng Chiêm Sơn quê tôi ngày xưa nổi tiếng với nghề làm chổi đót truyền thống hàng trăm năm tuổi. Vì thế khi trở về quê hương, tôi được cha ông truyền dạy và gắn bó với nghề đến bây giờ. 

Dù trải qua không ít thăng trầm, nhưng tôi luôn yêu quý tài sản mà cha ông đã để lại và nỗ lực phát triển để nghề truyền thống không bị mai một".

Theo ông Tuấn, mỗi năm chỉ có một vụ đót, bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 2 âm lịch năm sau. Để có nguồn nguyên liệu làm chổi quanh năm, ông phải mua hàng chục tấn đót tươi về phơi khô và cất trữ.

Nghề cha truyền con nối giúp một nông dân Quảng Nam “sống khỏe”, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người- Ảnh 2.

Hiện nay, ông Tuấn tạo việc làm cho hơn 20 lao động chủ yếu là vợ, con của các cựu chiến binh, những người lớn tuổi, người khuyết tật.... Ảnh: T.N.

Trước đây, bông đót được ông thu mua ở các huyện miền núi Quảng Nam, nhưng hiện nay nguồn cung khan hiếm nên phải nhập thêm hàng từ nước Lào. 

Bông đót tươi được phơi khô, tách thành từng bó, quấn cổ, sau đó buộc chặt vào cán chổi rồi đan những đường chân rết thành thân chổi. 

Tuy công việc đơn giản, nhưng để có một cây chổi đót bền, chắc và đẹp, thì phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm có đôi tay khéo léo và cần mẫn.

Nghề cha truyền con nối giúp một nông dân Quảng Nam “sống khỏe”, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người- Ảnh 3.

Bông đót tươi được phơi khô, tách thành từng bó, quấn cổ và bện thành chổi. Ảnh: T.N.

Ông Tuấn cho biết: "Bó cổ chổi là công đoạn khó nhất, quyết định chất lượng của sản phẩm. Nếu người bó không khéo léo, tay không đủ lực để căng dây thì bó đót không đều, chổi xấu và dễ gãy, mau hư. Chính vì vậy, công đoạn này chỉ dành cho các thanh niên, phụ nữ dày kinh nghiệm".

Từ những lần đạp xe bán chổi dạo khắp các tỉnh thành, ông Tuấn nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và từ đó mạnh dạn đổi mới sản xuất, đầu tư trang thiết bị để phát triển bền vững theo xu hướng thị trường.

Nghề cha truyền con nối giúp một nông dân Quảng Nam “sống khỏe”, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người- Ảnh 4.

Công đoạn bện chổi đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ để chổi xòe đều và đẹp. Ảnh: T.N.

Bên cạnh sản phẩm chủ lực truyền thống là chổi đót bện mây, ông còn sản xuất nhiều loại chổi mới như: chổi đót cán tre, chổi đót quấn dây cước, dây thép, chổi hộp nhựa.... Giá thành dao động từ 20.000-30.000 đồng/cây.

Sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh

Để giữ vững và phát triển thương hiệu, năm 2019, ông Tuấn thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại chổi đót Nhất Tuấn, gồm có 20 thành viên liên kết với bà con, các cơ sở sản xuất trong làng.

Nghề cha truyền con nối giúp một nông dân Quảng Nam “sống khỏe”, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người- Ảnh 5.

Bình quân mỗi ngày, cơ sở ông Tuấn sản xuất khoảng 2.000 cây chổi đót các loại. Ảnh: T.N.

Ông miệt mài mang chổi đót truyền thống của làng Chiêm Sơn tham gia các hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm sản xuất và tiếp cận thị trường tiêu thụ.

Năm 2020, sản phẩm chổi đót Nhất Tuấn được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Bình quân mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng 2.000 cây chổi đót các loại, xuất bán đi nhiều tỉnh thành trong nước với nhiều đại lý phân phối.

Nhờ đó, ông Tuấn tạo được việc làm cho hơn 20 lao động chủ yếu là vợ, con của các cựu chiến binh, những người lớn tuổi, người yếu thế có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật trong làng với thu nhập bình quân từ 3-6 triệu đồng/người/tháng.

Nghề cha truyền con nối giúp một nông dân Quảng Nam “sống khỏe”, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người- Ảnh 6.

Ông Tuấn sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy nghề truyền thống phát triển, đưa thương hiệu chổi đót Chiêm Sơn vươn xa hơn. Ảnh: T.N.

Dù thu nhập từ nghề làm chổi đót không nhiều, nhưng so với công việc làm ruộng thì ổn định hơn, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.

Bà Phan Thị Linh (65 tuổi) – nhân công tại xưởng của ông Tuấn chia sẻ: "Được ông Tuấn tạo điều kiện làm những công việc nhẹ nhàng như tướt bông đót, bó đót, mà nhiều năm nay cuộc sống gia đình tôi bớt khó khăn. Nếu không vào mùa thu hoạch lúa, thì hàng ngày tôi làm chổi từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, làm ăn theo sản lượng nên không gò bó, lại gần nhà, trời mưa hay nắng đều có việc làm mang lại thu nhập".

Từ một hộ sản xuất thủ công nhỏ lẻ, đến nay, gia đình ông Tuấn đã trở thành một cơ sở sản xuất chổi thủ công với quy mô lớn nhất vùng. Ông Tuấn tâm sự: "Trước kia, hợp tác xã từng liên kết với các doanh nghiệp để xuất khẩu chổi đót. Nhưng từ sau dịch Covid-19 đến nay, thị trường tiêu thụ chỉ co cụm trong nước, sản lượng giảm đáng kể.

Tuy nhiên, tôi vẫn đang tiếp tục đầu tư cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu mới của thị trường, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương và nỗ lực đưa thương hiệu chổi đót Chiêm Sơn vươn xa hơn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem