Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Địa phương và trung ương có “đùn đẩy" trách nhiệm?

Thanh Phong Thứ năm, ngày 11/11/2021 19:00 PM (GMT+7)
Tại phiên chất vấn chiều 11/11, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, các dự án đầu tư công đã phân cấp, phân quyền cho từng địa phương. Tuy nhiên, nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến, các địa phương cho rằng việc chậm giải ngân đầu tư công do phía trung ương.
Bình luận 0

Chậm giải ngân vốn đầu tư công, trách nhiệm thuộc về ai?

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho biết, tính đến ngày 31/10, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA đạt rất thấp so với kế hoạch.

Do đó, đại biểu Mai đề nghị Bộ trưởng KH&ĐT cho biết nguyên nhân vì sao tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp và giải pháp của Bộ KH&ĐT về vấn đề này.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, lý do chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt tiến độ là phương pháp chuẩn bị phương án kém, chất lượng không cao.

ĐBQH chất vấn: Chậm giải ngân đầu tư công, địa phương và trung ương có “đùn đẩy” trách nhiệm? - Ảnh 1.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội). (Ảnh: Văn phòng Quốc hội)

"Chủ yếu việc chuẩn bị phương án đầu tư chỉ mang tính hình thức, qua loa. Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư thì các chủ đầu tư mới thực hiện một cách thực tế, lúc này lại mất rất nhiều thời gian để điều chỉnh lại dự án", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, các vướng mắc liên quan công tác giải phóng mặt bằng vẫn gây khó khăn và chưa thể giải quyết ngay. Cụ thể, các khúc mắc, tồn tại trong Luật đất đai không được giải quyết triệt để thì công tác giải phóng mặt bằng sẽ không thể giải quyết nhanh.

Riêng năm 2021, Bộ trưởng KH&ĐT đánh giá, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công còn gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và do trùng với công tác chuẩn bị một số sự kiện chính trị lớn.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, hiện nay, Bộ KH&ĐT đã phân cấp phần lớn quyền quyết định về lựa chọn dự án giải ngân, tỷ lệ giải ngân, thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn… về các bộ, ngành và địa phương. Do đó, lý do vì các dự án đầu tư công chậm giải ngân thuộc trách nhiệm của các địa phương có dự án.

Tranh luận về ý kiến này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho biết, khi đi giám sát tại địa phương, đoàn Đại biểu Quốc hội được phản ánh trách nhiệm này thuộc về trung ương.

Tuy nhiên, khi làm việc với Bộ chủ quản, trách nhiệm lại được phản ánh thuộc về địa phương. Do đó, Đại biểu Mai đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cần làm rõ khúc mắc này.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, dự án giao cho cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Trường hợp dự án của địa phương thì địa phương phải là bên chịu trách nhiệm, với dự án của trung ương cũng tương tự như vậy.

ĐBQH chất vấn: Chậm giải ngân đầu tư công, địa phương và trung ương có “đùn đẩy” trách nhiệm? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Văn phòng Quốc hội)

Bên cạnh đó, với các dự án của trung ương triển khai tại địa phương, nếu cấu phần nào đã bàn giao cho địa phương thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lấy ví dụ về công tác giải phóng mặt bằng, hiện nay các dự án của trung ương tại địa phương đều gặp khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng.

"Vì vậy, trong đề án tách khoản bồi thường và hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án đầu công sắp tới trình Quốc hội, Bộ KH&ĐT đang trình riêng phần giải phóng mặt bằng với quy định giao lại cho địa phương xử lý hoàn toàn. Bên cạnh đó, để thuận lợi cho địa phương, Bộ KH&ĐT cũng có đề xuất cho phép địa phương dùng cả ngân sách trung ương cấp qua Bộ, ngành và ngân sách địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Nếu tách được và giao hẳn cho địa phương thì sẽ tách bạch được trách nhiệm 2 bên trong cùng một dự án. Khi đó, tiến độ dự án cũng sẽ được cải thiện", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

"Đổ cho địa phương thì tội nghiệp địa phương quá"

Tiếp tục chuỗi tranh luận về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng những dự án nhóm A và trọng điểm quốc gia do Bộ, ngành trung ương thẩm định.

Do đó, nếu Bộ trưởng nói chậm giải ngân do địa phương thì "tội nghiệp địa phương quá". Ông đề nghị làm rõ địa phương nào chậm thì xử lý trách nhiệm, nhưng Bộ ngành trung ương thẩm định chậm cũng phải làm rõ trách nhiệm.

Giải đáp tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định quyền thẩm định các dự án nhóm A là của địa phương, còn với các dự án quan trọng quốc gia thì Bộ KH&ĐT thẩm định trước khi trình Thủ tướng.

"Cái nào chậm trên Bộ KH&ĐT hay trung ương hãy cho chúng tôi biết, tôi đảm bảo Bộ luôn nỗ lực không để chậm một ngày, một giờ nào hết. Còn quy trình, thủ tục nhiều bước, lấy ý kiến nhiều cơ quan nên có thể khi tổng hợp lại bị chậm, chúng tôi xin rút kinh nghiệm và sẽ cố gắng", ông Dũng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem