Chân dung 'ông ngoại Wan' dạy khỉ hái dừa tại Malaysia

Thứ năm, ngày 05/04/2018 16:00 PM (GMT+7)
Ông Wan Ibrahim Wan làm nghề dạy khỉ hái dừa trong bốn thập kỷ qua. Công việc của ông từng bị nhiều tổ chức bảo vệ động vật nghi ngại vì vấn đề nhân đạo.
Bình luận 0

img

Trong ngôi làng nhỏ phía bắc Malaysia, người đàn ông được biết đến với tên gọi "ông ngoại Wan" đã làm nghề huấn luyện khỉ Macao hái trái cây suốt 40 năm qua. Ông tên thật là Wan Ibrahim Wan, 63 tuổi, sống ở làng Padang Halban, bang Kelantan, Malaysia. Ông Wan chủ yếu huấn luyện khỉ hái dừa, mặt hàng buôn bán sinh lời lớn ở vùng rừng nhiệt đới Malaysia.

img

Ông Wan bắt đầu nghề huấn luyện khỉ từ những năm 20 tuổi. Theo lời ông kể, ban đầu đây chỉ là thú vui của ông khi nhìn thấy những chú khỉ Macao trèo cây hái dừa. Dần dần, người dân bắt đầu nghe tới tăm tiếng của "ông ngoại Wan" và gửi khỉ đến để ông huấn luyện. Dưới mái trường của "thầy Wan", một chú khỉ có thể "tốt nghiệp" trong vòng vài ngày đến 1 tháng.

img

Những nông dân tìm đến ông sẽ trả khoảng 150 ringgit (tương đương 900.000 đồng) để gửi gắm những chú khỉ của mình. Nhiều khách hàng của "ông ngoại Wan" cho biết họ ưa chuộng ông vì cách dạy dỗ nhẹ nhàng hơn so với một số trung tâm khác. "Tôi biết một số người huấn luyện nhúng khỉ vào nước khi chúng không chịu hái trái cây", ông Mat Ali Zakaria cho biết.

img

Trong quá khứ, việc huấn luyện khỉ hái trái cây gặp phải nhiều sự phản đối của các tổ chức bảo vệ động vật. Tuy nhiên ông Wan khẳng định mình luôn đối xử tốt với các "học viên" của mình. "Tôi xem chúng như con", ông Wan cho biết.

img

Trường học đặc biệt của "ông ngoại Wan" sẽ không còn tồn tại lâu trong thời gian tới. Hiện ông đã già và không người con nào của ông muốn nối nghiệp cha. Tuy nhiên, nhiều cơ sở huấn luyện khỉ đã được thành lập trên khắp Malaysia. Ảnh: Anup Shah.

img

Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Động vật Malaysia Shenaaz Khan cho biết bà không phản đối việc huấn luyện khỉ nếu người nuôi dạy và chăm sóc khỉ không đối xử tàn bạo với chúng.

img

Tuy nhiên bà Khan cũng bày tỏ sự quan ngại khi các tổ chức bảo vệ động vật không thể giám sát những chú khỉ sau khi chúng quay về làm việc cho chủ nhân. "Người nông dân sử dụng khỉ như một lực lượng lao động, tuy nhiên chúng lại không được bảo vệ", AFP dẫn lời bà Khan. Ảnh: IAmSafari.

Chi Mai (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem