Chân dung thủ lĩnh mới của Viettel - Tân Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tào Đức Thắng

Nguyễn Thịnh (Tổng hợp) Chủ nhật, ngày 26/12/2021 10:40 AM (GMT+7)
Đại tá Tào Đức Thắng sẽ giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel từ ngày 1/1/2022, thay ông Lê Đăng Dũng nghỉ hưu.
Bình luận 0

Ngày 25/12/2021, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký Quyết định số 2200 của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel từ ngày 1/1/2022 thay ông Lê Đăng Dũng nghỉ hưu theo chế độ.

Từ "bác sĩ" mạng điện thoại di động

Đại tá Tào Đức Thắng sinh ngày 15/7/1973 ở một miền quê nghèo ở Hoằng Hoá (tỉnh Thanh Hóa). Năm 1995, sau khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa, ông làm việc cho Cty điện thoại thuộc Bưu điện Hà Nội. Mười năm sau, khi Viettel bắt đầu bước vào lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động, ông được bổ nhiệm làm Trưởng phòng kỹ thuật Viettel.

Chân dung thủ lĩnh mới của Viettel - Tân Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tào Đức Thắng - Ảnh 1.

Ông Tào Đức Thắng (đứng đầu) hướng dẫn thao tác đấu nối luồng E1 tại Tổng trạm Pháo đài Láng (Hà Nội). Ảnh Tiền Phong.

Vào thời điểm đó, ông nhận nhiệm vụ cùng đội chuyên gia nước ngoài thực hiện tối ưu mạng lưới. Mọi thứ gặp rất nhiều khó khăn khi kết quả không như ý muốn. Không bỏ cuộc, ông cùng tổ kỹ thuật lao vào nghiên cứu và lặn lội từ thành phố tới nông thôn, miền núi để tìm hiểu, thử nghiệm.

Hàng trăm phương án, biện pháp được đưa ra như khi thì nâng ăngten lên, khi chúc xuống, cài thêm card, san tải, điều chỉnh công suất, tần số... Nhiều khi, ông cùng đồng đội thức trắng đêm dịch tài liệu nước ngoài, tìm hiểu từng tính năng thiết bị, rồi tổ chức hội thảo...

Cuối cùng Thắng và đồng nghiệp tìm ra bộ tham số điều khiển công suất cho đường vô tuyến. Đây chính là phương thuốc điều trị thành công căn bệnh rớt mạng. Phương pháp này sau đó được phổ biến trong các đơn vị Viettel trên toàn quốc và cả nước ngoài. Việc tối ưu, nâng cao chất lượng mạng di động Viettel từ đó cũng trở nên dễ dàng đối với cán bộ kỹ thuật Viettel. Và quan trọng hơn, việc tối ưu mạng hoàn toàn do người Việt ở Viettel làm chủ, không phải thuê chuyên gia nước ngoài.

Sau thành công ban đầu, Trưởng phòng kỹ thuật Viettel Tào Đức Thắng cùng đồng đội từng bước hoàn chỉnh bộ quy chuẩn thông số kỹ thuật (KPI), giúp nâng cao chất lượng mạng Viettel từ mức không đạt tiêu chuẩn thành mạng có nhiều chỉ tiêu vượt chuẩn quốc tế. Cũng nhờ chất lượng mạng được cải thiện, số thuê bao nhập mạng phát triển nhanh, Viettel trở thành mạng di động có số thuê bao lớn nhất Việt Nam.

đến Tân Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel

Nhiều sáng kiến, ý tưởng của ông Thắng đã được áp dụng trên hệ thống với hiệu quả cao, làm lợi cho tập đoàn hàng trăm tỷ đồng như công cụ giám sát chất lượng roaming quốc tế, tối ưu hóa tham số đổ chuông, chuyển đổi kết nối, xây dựng phần mềm quản lý văn phòng (V-Office)…

Nhờ thành công ấy, ông Thắng được làm Phó giám đốc phụ trách trung tâm điều hành kỹ thuật của Công ty Viettel Telecom thuộc Tổng công ty Viễn thông Viettel đến tháng 9/2007, rồi đảm nhiệm chức Giám đốc trung tâm đến tháng 8/2008.

Sau đó, ông Tào Đức Thắng trở thành Phó giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel (từ tháng 8/2008 đến tháng 3/2010), Giám đốc Tổng công ty mạng lưới Viettel (từ tháng 4/2010 đến tháng 7/2013), Tổng giám đốc Viettel Global (từ tháng 5/2014 đến tháng 6/2015).

Trên cương vị Tổng giám đốc Tổng công ty Viettel Global, ông Thắng đã góp phần tích cực trong việc mở rộng thị trường viễn thông của Viettel tại 9 quốc gia thuộc 3 châu lục với vùng phủ tới 175 triệu dân.

"Đem chuông đi đánh xứ người" từ 2008, tuy không được đánh giá cao so với các đối thủ ngoại, song với chiến lược kinh doanh khác biệt, Viettel Global (VTG) dưới sự lãnh đạo của ông Thắng đã từng bước gây dựng được tên tuổi trên thị trường quốc tế.

"Chính người bản địa sẽ chọn lựa thương hiệu riêng, như một niềm tự hào đại diện cho quốc gia của họ", ông Thắng từng nói sau khi VTG đạt mức kinh trưởng kinh ngạc năm 2014.

Năm 2018, trong sự kiện Mobile World Congress, ông Thắng cũng gây ấn tượng mạnh khi trò chuyện với bà Laurence Delpy (Giám đốc Mạng lưới di động châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản - Nokia). Ông nhắc đến tầm nhìn chiến lược và triết lý trong kinh doanh: Vì con người.

Chân dung thủ lĩnh mới của Viettel - Tân Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tào Đức Thắng - Ảnh 2.

Đại tá Tào Đức Thắng đại diện Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel tổ chức Lễ trao tặng và bàn giao máy tính bảng cho ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng. Ảnh báo Hải Phòng.

Trở thành Tân Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel kể từ ngày 1/1/2022, ông Tào Đức Thắng sẽ tiếp nối những người tiền nhiệm như ông Nguyễn Mạnh Hùng (hiện là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Lê Đăng Dũng (nghỉ hưu theo chế độ).

Viettel hiện là doanh nghiệp giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng Top 50 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam (Vietnam 50) năm 2021 với định giá 6,061 tỷ USD. Đây cũng là năm thứ 6 liên tiếp Viettel giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng này của Brand Finance với giá trị thương hiệu tăng thêm 260 triệu USD so với năm trước đó.

Tại bảng xếp hạng 2021 (brandirectory.com/rankings/vietnam), thương hiệu của Viettel có giá trị gấp 2,2 lần thương hiệu đứng thứ 2 và tương đương tổng giá trị của 3 thương hiệu ở vị trí được xếp liền sau.

Viettel cũng là nhà khai thác viễn thông duy nhất và là tập đoàn, tổng công ty nhà nước duy nhất góp mặt trong tốp 10 danh sách V 1000. Giai đoạn 2016-2021, Viettel đã đóng góp hơn 230.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Để duy trì mức độ tăng trưởng, Viettel đã chuyển dịch chiến lược từ năm 2018, tập trung đẩy nhanh các hoạt động chuyển đổi số và chuyển dịch thành công thành một nhà cung cấp dịch vụ số. Viettel hình thành 6 lĩnh vực nền tảng của xã hội số, gồm: Hạ tầng số, giải pháp số, tài chính số, nội dung số, an ninh mạng và sản xuất công nghệ cao.

Viettel cũng là doanh nghiệp tiên phong cung cấp các sản phẩm số nền tảng, đặc biệt là triển khai  chính phủ số, trung tâm điều hành đô thị thông minh, y tế số, giáo dục số, giao thông số...

Trong lĩnh vực nghiên cứu, Viettel sản xuất và thử nghiệm thành công thiết bị 5G trên mạng lưới, đưa Việt Nam vào danh sách 6 quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ 5G. Về đổi mới sáng tạo, đến nay, Viettel đã có 44 bằng độc quyền sáng chế được cấp tại Việt Nam và 7 bằng sáng chế được cấp tại Hoa Kỳ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem