Chăn nuôi bò tập trung công nghệ cao: Ưu tiên tìm nguồn giống tốt

Thanh Xuân Thứ tư, ngày 11/11/2015 13:00 PM (GMT+7)
“Chăn nuôi bò công nghiệp cần 8-10 năm để chuẩn bị”. Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại tọa đàm về phát triển ngành chăn nuôi bò tập trung công nghệ cao ở Việt Nam do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Hiệp hội Thịt và Gia súc Australia (MLA) tổ chức ngày 9.11 tại Hà Nội.
Bình luận 0

Năm nay có thể nhập trên 500.000 con bò Úc

Ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, ngành công nghiệp bò hiện nay của Việt Nam chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng thịt và sữa cho hơn 90 triệu người dân. Đối với bò thịt chủ yếu nuôi nông hộ, nhiều thì 10-15 con/hộ, còn lại rất nhỏ lẻ, nên khả năng sử dụng công nghệ trong chăn nuôi gần như chưa có. Mặt khác, đối với bò nội địa có thể trạng nhỏ, tỷ trọng tăng cân thấp, và chúng ta cũng không có nguồn đất đai dành riêng cho gia súc lớn...

img

Trang trại bò của HAGL tại Gia Lai. Ảnh: HUỲNH KIÊN

“Cùng lắm dân chỉ biết cho bò ăn cỏ voi, cộng thêm ít cám là lớn nhanh. Nhưng cách làm đó là chưa đủ đảm bảo các yếu tố cần thiết để nâng cao chất lượng thịt. Để nuôi bò thịt, ngoài giống tốt còn phải có quy trình nuôi hết sức chặt chẽ, đảm bảo khẩu phần ăn gồm cả chất xanh, muối khoáng, chất tinh...” - ông Vân nói.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, năm 2014 Việt Nam có hơn 4,9 triệu con bò thịt (giảm 5,2% so với năm 2012) và 214.400 con bò sữa với sản lượng 527.500 tấn sữa. Dù sản lượng của bò thịt và đặc biệt là bò sữa tăng đột biến trong những năm qua, nhưng theo ông Nguyễn Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, nông thôn (Ban Kinh tế T.Ư), trong những năm qua, nước ta sản xuất sữa, thịt bò chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Nhập khẩu bò thịt chính ngạch chủ yếu từ thị trường Ấn Độ, Mỹ, Australia vẫn tiếp tục gia tăng; nhập khẩu theo đường tiểu ngạch từ Lào, Campuchia cũng chưa kiểm soát tốt và chưa có con số thống kê cụ thể.

Cũng theo con số thống kê của Cục Chăn nuôi, Việt Nam thuộc nhóm 20 nước nhập khẩu sữa trên thế giới lớn nhất, mỗi năm phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại. Riêng nhập khẩu bò từ Australia dự kiến năm nay có thể lên tới hơn 500.000 con.

 Mặc dù vậy, tiêu thụ thịt bò vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu tiêu thụ thịt của người dân Việt Nam. Hiện tiêu dùng thịt bò khoảng 3,27kg/người/năm - thấp hơn rất nhiều so với thế giới. Sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước mặc dù tăng nhanh nhưng mới đáp ứng được khoảng 30 -35% nhu cầu trong nước. Do đó, tỷ lệ dùng sữa trên đầu người tại nước ta hiện rất thấp, bình quân 14 lít/năm (trong khi tại Thái Lan là 23 lít và Trung Quốc là 25 lít/người/năm). Do đó, hầu hết các đại biểu đều nhận định, ngành công nghiệp bò thịt và bò sữa vẫn còn nhiều tiềm năng.

Đủ thời gian để chuẩn bị khi vào TPP?

Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng: “Chăn nuôi bò thịt và sữa có nguy cơ tụt hậu và là thách thức đối với ngành chăn nuôi của Việt Nam. Tuy nhiên, lộ trình tham gia TPP với cam kết đưa mức thuế về 0% có thời gian là 8-10 năm, nghĩa là chúng ta có thời gian như vậy để chuẩn bị cho phát triển ngành công nghiệp chăn nuôi bò thịt và sữa. BIDV cam kết sẽ dành gói tín dụng ngắn hạn và dài hạn ưu đãi trong giai đoạn 2016- 2020 cho các doanh nghiệp tham gia ngành công nghiệp chăn nuôi bò và sữa” - ông Hà nói.

Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết,  HAGL gia nhập lĩnh vực chăn nuôi từ tháng 6.2014 và triển khai nuôi bò ở 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Năm 2015 HAGL nhập trên 120.000 con bò từ Australia trong đó chủ yếu là bò thịt. Tuy nhiên, hiện có nhiều doanh nghiệp đang nhập khẩu bò về để giết thịt bán, tính bền vững không cao. “Muốn bền vững cần các doanh nghiệp và Chính phủ Australia hợp tác thật sự, hỗ trợ từ công nghệ đến khoa học kỹ thuật... để phát triển bền vững cho đàn bò sinh sản. Hiện  HAGL đang hướng đến chăn nuôi dài hạn bằng việc tự sản xuất giống, còn nhập bò thịt cực kỳ ngắn hạn và không bền vững”- ông Đức đề xuất.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: “Riêng mặt hàng bò thịt và bò sữa, năm 2014, Việt Nam phải nhập 240.000 con bò thịt (chủ yếu từ Australia), 1,5 triệu tấn sữa nguyên liệu để đáp ứng cho phần thiếu hụt 70% sản lượng tiêu thụ trong nước”.

Phó Thủ tướng đề nghị các chuyên gia, giới doanh nghiệp 2 nước (Việt - Australia) liên kết chặt chẽ, có những ý kiến hay đề xuất hướng đi theo đúng định hướng của Chính phủ Việt Nam đối với ngành nông nghiệp là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hình thành nền sản xuất quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật và từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, có giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng chăn nuôi manh mún nhỏ lẻ, thiếu liên kết hiện nay, cải thiện vấn đề con giống, chất lượng dinh dưỡng... để chuẩn bị cho tiến trình hội nhập mà chăn nuôi là một trong những ngành chịu tác động lớn nhất.

4 vấn đề cần giải quyết

Ông Hoàng Thanh Vân cho rằng, cần giải quyết được 4 vấn đề để giải quyết bài toán chăn nuôi bò công nghiệp trong nước: Khuyến khích mọi thành phần kinh tế nhập khẩu các giống tốt nhất về để chuyển giao; Tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến của các nước ứng dụng vào sản xuất, chế biến; Thực hiện sản xuất theo chuỗi, đảm bảo an toàn thực phẩm cho tiêu thụ nội địa và tiến tới xuất khẩu khi tham gia vào TPP; Tăng cường mạnh mẽ xây dựng thương hiệu cho chăn nuôi bò thịt và bò sữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem