Chánh Thanh tra Hà Nội vừa bị kỷ luật lại được giao làm Tổ trưởng đánh giá công tác phòng chống tham nhũng

Thành An Thứ sáu, ngày 20/08/2021 20:05 PM (GMT+7)
Chánh Thanh tra TP.Hà Nội Nguyễn An Huy vừa bị kỷ luật cảnh cáo lại được UBND TP quyết định làm Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của UBND TP.Hà Nội.
Bình luận 0

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định 3972 về việc thành lập Tổ công tác đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của UBND TP.Hà Nội (tổ công tác).

Cụ thể, theo Quyết định này, tổ công tác có 11 thành viên, là cán bộ thuộc nhiều sở, ngành của UBND TP.Hà Nội, có nhiệm vụ đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc UBND TP.Hà Nội nghiêm túc đánh giá công tác phòng chống tham nhũng năm 2020;

Tổ công tác cũng có nhiệm vụ tổ chức thẩm định báo cáo, tài liệu đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện, thị xã thuộc TP.Hà Nội.

Chánh Thanh tra Hà Nội vừa bị kỷ luật lại được giao làm Tổ trưởng đánh giá công tác phòng chống tham nhũng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn An Huy - Chánh thanh tra thành phố Hà Nội trong một lần trao đổi với báo chí, tháng 12/2019. (Ảnh: Thành An).

Đồng thời, xây dựng báo cáo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của UBND TP.Hà Nội; tham mưu giúp UBND thành phố giải trình các nội dung báo cáo đánh giá công tác phòng chống tham nhũng năm 2020 của thành phố, theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ (nếu có).

Đáng chú ý, UBND TP.Hà Nội quyết định, Tổ công tác đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của UBND TP.Hà Nội do ông Nguyễn An Huy - Chánh thanh tra TP.Hà Nội, làm Tổ trưởng.

Ông Nguyễn An Huy có trách nhiệm, quyền hạn phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong tổ công tác.

Quyết định thành lập Tổ công tác đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của UBND TP.Hà Nội được đưa ra vài ngày sau khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư công bố kỷ luật hàng loạt cán bộ thuộc UBND TP.Hà Nội có liên quan đến vụ án ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.

Theo đó, Ủy ban kiểm tra T.Ư quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn An Huy, Chánh thanh tra Hà Nội, và ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội.

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư nêu rõ, ông Nguyễn An Huy, Thành ủy viên nhiệm kỳ 2015 - 2020, Chánh Thanh tra TP.Hà Nội, chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu đối với những vi phạm, khuyết điểm trong quá trình thanh tra việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C.

Vi phạm của các tập thể, cá nhân nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, chính quyền TP.Hà Nội.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, ngày 12/2/2020, Chánh Thanh tra Hà Nội Nguyễn An Huy ký ban hành kết luận số 555 về việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước các hồ trên địa bàn Hà Nội.

Theo văn bản này, Thanh tra Hà Nội đánh giá, qua thanh tra còn thấy có một số tồn tại.

Cụ thể, sau khi có kết quả thử nghiệm bước đầu và trong khi tổ công tác chưa có báo cáo đánh giá kết quả thử nghiệm đối với 3 hồ (Hố Mẻ, Ba Mẫu, Giáp Bát), UBND TP chưa có văn bản cho phép nhân rộng, thì ngày 26/9/2016, Công ty Thoát nước Hà Nội đã có văn bản gửi Sở Tài chính, Xây dựng và UBND TP.Hà Nội đề nghị mua 141 tấn chế phẩm RedOxy-3C (20 tấn bằng đường hàng không và 121 tấn bằng đường biển) để xử lý ô nhiễm 81 hồ nội thành. Theo thành tra, việc làm này là nóng vội.

Mặc dù đến ngày 31/10/2016 (sau khi tổ công tác có báo cáo đánh giá, UBND TP.Hà Nội có văn bản chấp thuận cho nhân rộng), Công ty Thoát nước mới thực hiện ký hợp đồng mua chế phẩm RedOxy-3C nhưng thiếu sót này thuộc trách nhiệm của ông Võ Tiến Hùng – Giám đốc Công ty Thoát nước (người ký văn bản).

Bên cạnh đó, Sở Tài chính và Liên ngành đã có nhiều văn bản đề nghị Công ty Thoát nước đàm phán, thỏa thuận ký hợp đồng mua 141 tấn chế phẩm Redoxy 3C là chưa thận trọng. Thiếu sót này thuộc Ban Giá (Sở Tài chính), người ký văn bản là ông Phạm Công Bình – Phó Giám đốc Sở Tài chính (nay đã nghỉ hưu).

Thanh tra Hà Nội cũng kết luận, quá trình Công ty Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy-3C, giá mua chế phẩm có biến động tăng do tỷ giá ngoại tệ tăng, Công ty đã báo cáo thành phố và các sở. UBND TP.Hà Nội sau đó giao cho Sở Tài chính chủ trì cùng Sở Xây dựng có ý kiến. Liên tờ trình của 2 sở này ngày 31/10/2017, báo cáo TP, trong đó viện dẫn Điều 1, Điều 22 của Luật Đấu thầu năm 2013 là không phù hợp với nội dung Công ty Thoát nước xin ý kiến về giá mua chế phẩm.

Cũng theo Kết luận số 555, UBND TP.Hà Nội đã giao Sở Xây dựng xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát chất lượng nước sau xử lý bằng chế phẩm Redoxy-3C, nhưng đến thời điểm kết luận, Sở Xây dựng chưa thực hiện. Thiếu sót này thuộc phòng Hạ tầng kỹ thuật, Ban Duy tu và của người đứng đầu đơn vị là ông Lê Văn Dục.

Từ những vấn đề trên, tại kết luận số 555, Thanh tra giao Sở Tài chính thông báo đến ông Phạm Công Bình – nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính rút kinh nghiệm đối với thiếu sót đã nêu tại kết luận. Giao Giám đốc Sở Tài chính, Sở Xây dựng tổ chức rút kinh nghiệm đối với các phòng, ban trực thuộc về tồn tại đã nêu.

Tuy nhiên chỉ 14 ngày sau khi Kết luận thanh tra số 555 được ban hành, Chánh thanh tra Hà Nội Nguyễn An Huy lại ký ban hành Kết luận thanh tra số 794, ngày 26/2/2020, thay thế Kết luận số 555.

Ở Kết luận 794 của Thanh tra Hà Nội, những vấn đề tồn tại đã được chỉ rõ ở kết luận số 555 không còn.

Cụ thể, ở kết luận 794 thay thế cho kết luận số 555 do Chánh Thanh tra Hà Nội Nguyễn An Huy ký, ở phần kiến nghị chỉ vỏn vẹn có 2 dòng:

Thanh tra Hà Nội đề nghị UBND TP giao Thanh tra TP tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra.

Các thiếu sót của đơn vị này, cá nhân kia ở kết luận 555 đã hoàn toàn "vắng mặt" ở kết luận số 794. Và các kiến nghị yêu cầu ông này, ông kia rút kinh nghiệm cũng không còn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem