Chi 40 tỷ, TPBank sở hữu hơn 9% vốn tại CTCK Tiên Phong
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – Mã: TPB) đã chính thức thông qua việc mua 4 triệu cổ phiếu của CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS - Mã: ORS), tương đương 10% vốn điều lệ trước phát hành trong đợt chào bán riêng lẻ cổ phiếu để tăng vốn lên 500 tỷ đồng của công ty này.
"Chịu lỗ" khi mua cổ phần của chứng khoán Tiên Phong?
Với giá mua là 10.000 đồng/cp, tổng giá trị cổ phiếu mà TPBank dự kiến mua vào là 40 tỷ đồng. Điều đáng nói, trên sàn UPCoM, cổ phiếu ORS của chứng khoán Tiên Phong chỉ giao dịch quanh mốc 6.000 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với giá mua vào của TPBank.
Giao dịch dự kiến được thực hiện vào quí IV/2019. TPBank sẽ sử dụng vốn chủ sở hữu để sở hữu số cổ phiếu này, tương đương 9,09% vốn của Chứng khoán Tiên Phong.
Công ty Chứng khoán Tiên Phong có tiền thân là CTCP Chứng khoán Phương Đông, được thành lập năm 2006 với số vốn điều lệ ban đầu là 60 tỷ đồng. Công ty được chính thức đổi tên từ ngày 18/4/2019 với vốn điều lệ là 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện TPBank không nắm giữ bất kì cổ phần nào tại đây.
Đáng chú ý, chỉ một tuần sau khi đổi tên, TPS đã đổi logo, đồng thời bầu ông Đỗ Anh Tú (thành viên HĐQT) giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT TPS nhiệm kì 2016-2021.
Ông Đỗ Anh Tú hiện nay đang giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT TPBank, Tổng giám đốc CTCP Diana Unicharm, ông là em trai ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank.
TPS bị thiệt hại nặng trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như
CTCP Chứng khoán Phương Đông, tiền thân của Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư và lưu kí chứng khoán.
Đây cũng là một trong những đơn vị bị thiệt hại 380 tỷ đồng trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, cựu nhân viên Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), chiếm đoạt hơn 4.000 tỷ đồng.
Theo phán quyết của toà án, bà Huỳnh Thị Huyền Như có nghĩa vụ phải bồi thường cho ORS, hiện khoản mục này vẫn nằm trong các khoản phải thu của công ty. Để bù đặt cho khoản thiệt hại này, công ty đã phải bỏ ra hơn 1 tỷ đồng từ Quĩ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ và trích lập dự phòng 378,9 tỷ đồng.
Những thông tin tiêu cực của vụ án Huỳnh Thị Huyền Như đã khiến thương hiệu và hoạt động của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thua lỗ trong ba năm từ năm 2016 – 2018.
Lợi nhuận thua lỗ 3 năm liên tiếp đã khiến cho công ty này bị hủy niêm yết vào ngày 10/4/2019 sau 9 năm niêm yết trên HNX. Kể từ đó, công ty đã chuyển sang giao dịch trên UPCoM với tổng giá trị đăng kí giao dịch 240 tỷ đồng với mã chứng khoán ORS.
Tuy nhiên, sau khi đổi tên thành Chứng khoán Tiên Phong, công ty đã được Ủy ban Chứng khoán đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt, đồng thời được khôi phục hoạt động giao dịch môi giới chứng khoán trên hai sàn HSX và HNX.
Về hoạt động kinh doanh, sau 3 năm lỗ liên tiếp, hoạt động của TPS đã có bước khởi sắc trong nửa đầu năm 2019. Theo báo cáo tài chính bán niên đã kiểm toán, lũy kế 6 tháng đầu năm lợi nhuận sau thuế TPS đạt gần 4,9 tỷ đồng (trong khi cùng kì 2018 lỗ hơn 10 tỷ đồng). Tổng tài sản tính đến ngày 30/6 đạt gần 233 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cuối năm 2018.
Dù vậy, với tốc độ như hiện tại, mục tiêu 51 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế khó có thể "về đích" đúng kế hoạch.
Về cơ cấu sở hữu, hiện tại, công ty có 4 cổ đông lớn đều là cá nhân với tổng sở hữu hơn 21,7 triệu cổ phiếu, chiếm 54,37% vốn điều lệ của công ty.
Được biết, ngay trước khi rời sàn, ORS đã kịp phát hành riêng lẻ thành công 16 triệu cổ phiếu cho 2 nhà đầu tư cá nhân là bà Vũ Lê Thùy Linh và bà Nguyễn Thị Minh Loan, mỗi người mua 8 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động được 160 tỷ đồng. Đồng thời tăng vốn điều lệ công ty từ 240 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng.