Phát triển nông nghiệp xanh mở ra cơ hội cho nông dân Đà Nẵng nâng cao thu nhập

Phan Thị Cẩm Thủy
03/07/2025 18:35 GMT +7
Những năm qua, nhiều nông dân sống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp hữu cơ. Nhờ đó, đã giúp nhiều nông dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Tại phường Hòa Xuân, chị Đỗ Thị Thanh Thúy dù mới xây dựng mô hình trồng ổi hữu cơ trên diện tích 5.000m² hơn 3 năm qua. Vườn của chị trồng khoảng 600 gốc ổi, gồm các loại như ổi lê Đài Loan, ổi găng đông dư, ổi ruby ruột đỏ…

Tận dụng điều kiện thổ nhưỡng màu mỡ, chị Thúy phát triển cây ổi theo hướng hoàn toàn tự nhiên. Đặc biệt, quá trình chăm sóc được thực hiện với quy trình nghiêm ngặt, chỉ sử dụng phân chuồng và các loại phân hữu cơ tự chế để cung cấp dưỡng chất cho cây.

Việc phòng ngừa sâu bệnh được chị thực hiện bằng các phương pháp tự nhiên như xịt nước tỏi và sả, giúp an toàn cho cây trồng và thân thiện với môi trường. Qua đó, trái ổi luôn đạt chất lượng, sạch, thơm ngon và an toàn cho sức khỏe người dùng.

Chị cho biết luôn chú trọng chất lượng và tính an toàn của sản phẩm, bởi đây chính là chìa khóa để xây dựng niềm tin nơi khách hàng. Chị Thúy trồng theo cách gối đầu, từng lứa ổi cách nhau khoảng 2-3 tháng, khi đó cả khu vườn cho quả liên tục. Hiện nay, giá bán các loại ổi dao động từ 30.000-40.000 đồng/kg, trung bình mỗi tháng thu hoạch khoảng 500kg ổi.

Không chỉ dừng lại ở việc bán quả ổi tươi, chị Đỗ Thị Thanh Thúy còn phát triển đa dạng các sản phẩm từ cây ổi. Cây ổi là loại cây ra lá nhiều, do đó chị tận dụng để làm nguyên liệu sản xuất trà lá ổi. Với cây ổi, chị Thúy thu được giá trị kinh tế kép từ lá và quả.

Mô hình trồng ổi theo hướng hữu cơ đã giúp ông Nguyễn Văn Minh ở phường Hải Vân, thành phố Đà Nẵng thoát nghèo bền vững. Ảnh: T.H.

Tương tư như chị Thúy, cũng là mô hình nông nghiệp xanh, nằm bên dòng sông Cu Đê, phường Hải Vân, thành phố Đà Nẵng, vườn ổi của ông Nguyễn Văn Minh (thôn An Định - xã Hòa Bắc cũ) với diện tích hơn 1ha là điểm sáng về phát triển kinh tế tại địa phương.

Trò chuyện cùng với PV, ông Minh cho biết: Trước đây, mía là cây trồng chính ở An Định. Tuy nhiên, giá mía thường bấp bênh, điệp khúc "được mùa, mất giá - được giá, mất mùa" cứ lặp đi lặp lại khiến bà con không còn mặn mà trồng mía. Năm 2021, ông Minh quyết định cải tạo khu vườn mía để trồng ổi.

Ông Minh luôn tuân thủ các phương pháp chăm sóc ổi hữu cơ an toàn, không sử dụng thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học. Nhờ sử dụng toàn bộ phân chuồng để bón gốc, quả ổi giữ được hương vị thơm giòn đặc trưng, mẫu mã đẹp.

Với kiến thức tự mày mò, học hỏi, vườn ổi của ông Minh luôn cho thu hoạch đều quanh năm, mang lại năng suất cao, thu nhập ổn định. Bình quân mỗi năm, vườn ổi hữu cơ mang lại doanh thu hơn 200 triệu đồng, trừ đi chi phí thu lãi khoảng từ 80-100 triệu đồng.

Mô hình trồng ổi của ông Minh đã giải quyết cho 3 lao động thường xuyên tại địa phương. Ảnh: T.H.

Với khách du lịch đến phường Hải Vân, vườn ổi của gia đình ông Minh trở thành điểm dừng chân thú vị, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của địa phương. Trong thời gian đến, thôn An Định nói riêng và phường Hải Vân nói chung tiếp tục vận động, đề xuất hỗ trợ và nhân rộng thêm để người dân triển khai trồng ổi, với mục tiêu lâu dài là tạo nên chuỗi liên kết phát triển bền vững.

Được biết, thời gian qua tại thành phố Đà Nẵng quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh nhưng thành phố Đà Nẵng luôn dành quỹ đất để phát triển nông nghiệp, tạo mọi điều kiện cho người dân như cho thuê đất giá rẻ, tạo cơ chế chính sách hỗ trợ cho các hộ dân phát triển kinh tế, nhất là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch.