Chỉ bằng cách này, chi phí sản xuất lúa giảm 20% nhưng lợi nhuận tăng 40%

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 09/10/2021 16:00 PM (GMT+7)
Một trong những mục tiêu mà ngành nông nghiệp đặt ra trong vụ đông xuân 2021 - 2022 là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất lúa, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Bình luận 0

Nhiều biện pháp giảm chi phí sản xuất lúa

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong thời gian qua, trung tâm đã triển khai nhiều chương trình, dự án để nâng cao nhận thức của nông dân trong việc giảm lượng hạt giống gieo sạ, cơ giới hóa trong sản xuất. 

Cụ thể, kết quả từ mô hình áp dụng lượng giống gieo sạ từ 80 - 100kg/ha cho thấy hiệu quả khá rõ rệt và thuyết phục, chi phí giảm bình quân 3,5 triệu đồng/ha (18%), trong đó giảm chi phí về giống bình quân 1,15 triệu đồng/ha (85kg lúa giống), hiệu quả kinh tế cao hơn 5,6 triệu đồng/ha (40%).

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia còn triển khai dự án cơ giới hóa khâu gieo cấy trong sản xuất lúa. 

Các mô hình ứng dụng máy cấy của các dự án do trung tâm triển khai đạt quy mô 532ha, góp phần giảm lượng giống so với gieo sạ 127kg/ha, giảm 20 - 30% lượng phân bón vô cơ, giảm 30% số lần phun thuốc bảo vệ thực vật; tăng năng suất lúa 0,45 tấn/ha (tương đương tăng 9% năng suất), tăng năng suất lao động 10 - 20 lần) tại 8 tỉnh Bình Thuận, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang và TP.Cần Thơ, đã tạo hiệu ứng nhanh trong sản xuất.

Ứng dụng kỹ thuật mới giảm chi phí sản xuất lúa - Ảnh 1.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu xây dựng mô hình ứng dụng máy sạ khóm trong sản xuất lúa để giảm chi phí sản xuất lúa. Ảnh: TTKNQG.

Vụ đông xuân 2021 - 2022, toàn vùng Nam Bộ gieo sạ 1,6 triệu ha, tăng 2.000ha so với vụ trước; năng suất dự kiến đạt 71,89 tạ/ha, tăng 0,23 tạ/ha, sản lượng 11,5 triệu tấn, tăng 50.420 tấn so với vụ đông xuân 2020 - 2021.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất lúa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia còn kết nối với doanh nghiệp và các tổ chức ngoài Nhà nước phối hợp với hệ thống khuyến nông triển khai công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến bà con nông dân như phối hợp với Công ty CP Phân bón Bình Điền triển khai chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long".

Theo đó, trong vụ đông xuân 2020-2021, dự án được triển khai ở 12 tỉnh, tổng diện tích đã thực hiện 24ha, lượng giống trung bình sử dụng trong mô hình giảm còn 82kg/ha; năng suất trung bình đạt 8,94 tấn/ha (lúa tươi), tăng bình quân 550kg/ha; lượng phân bón giảm từ 10 - 30%; lợi nhuận ở tất cả các mô hình đều tăng từ 1,5 - 6,6 triệu đồng/ha.

Vụ hè thu 2021, Trung tâm phối hợp với Bình Điển triển khai dự án ở 13 tỉnh; tổng diện tích đã thực hiện 26ha, tất cả các điểm thực hiện lượng giống sử dụng đều giảm, trung bình chỉ sử dụng 74,2kg/ha; lượng phân bón giảm từ 5 - 25%.

Bố trí linh hoạt mùa vụ né hạn mặn

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), vụ đông xuân 2021-2022, toàn vùng Nam Bộ gieo sạ 1,6 triệu ha, tăng 2.000ha so với vụ trước; năng suất dự kiến đạt 71,89 tạ/ha, tăng 0,23 tạ/ha, sản lượng 11,5 triệu tấn, tăng 50.420 tấn so với vụ đông xuân 2020 - 2021.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, trên cơ sở dự báo nguồn nước và xâm nhập mặn, lịch thời vụ xuống giống như sau: Xuống giống sớm: Từ ngày 10 - 30/10/2021 những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ (vùng ven biển Nam Bộ các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang); khoảng 400.000ha. 

Xuống giống đợt 1 từ ngày 1 - 30/11/2021 thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển khoảng 700.000ha. 

Xuống giống đợt 2 từ ngày 1- 31/12/2021 thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển khoảng 400.000ha. 

Một số vùng xuống giống đông xuân muộn kết thúc xuống giống trước ngày 10/1/2022.

Ứng dụng kỹ thuật mới giảm chi phí sản xuất lúa - Ảnh 3.

Nông dân tỉnh Long An làm đất chuẩn bị gieo sạ lúa đông xuân. Ảnh: B.L.A

"Việc bố trí thời vụ như trên và chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm tại các tỉnh ven biển sẽ đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa và sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Ngoài ra cũng đề phòng khô hạn cục bộ tại một số địa bàn thuộc vùng phù sa ngọt" - ông Tùng nhấn mạnh.

Ông Tùng cũng khuyến cáo bà con tuân thủ đúng lịch thời vụ và chú ý đến bố trí thời vụ, tiếp tục thực hiện việc xuống giống đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng. 

Từng địa phương có kế hoạch xuống giống trong khung thời vụ chung của Cục Trồng trọt, trong đó lưu ý thông báo rầy di trú tại chỗ của cơ quan bảo vệ thực vật. 

Khuyến cáo việc sử dụng các giống lúa chống chịu được mặn, hạn, phèn ở những vùng có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn vào cuối vụ và đầu tư hợp lý phân bón cho lúa, hạn chế tình trạng nông dân không đầu tư khi phân tăng giá hoặc bón phân quá nhiều khi phân giảm giá có thể ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, giá thành và sản lượng cây trồng.

Đặc biệt, ông Tùng nhấn mạnh, việc kiểm soát và quản lý chặt chẽ sản xuất kinh doanh giống lúa trong địa bàn là cơ sở cho công tác chỉ đạo sản xuất lúa được ổn định, chủ động trong công tác phòng trừ dịch hại và điều hành sản xuất, tiêu thụ lúa, từng bước đưa sản xuất, thâm canh, tiêu thụ lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt hiệu quả cao và bền vững.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sản xuất kinh doanh lúa giống, cây giống các loại; khắc phục và hạn chế việc phát tán các giống lúa chưa được phép sản xuất kinh doanh, những giống lúa chưa được công nhận là giống cây trồng mới… quản lý chặt chẽ việc phát tán giống lúa từ các điểm trình diễn, các điểm so sánh giống, các chương trình nghiên cứu, thử nghiệm trên địa bàn…

Trên cơ sở các chỉ đạo của Bộ NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ phối hợp chỉ đạo và tuyên truyền rộng rãi và khẩn trương các giải pháp cần thực hiện ngay để ứng phó với tình hình giá vật tư nông nghiệp tăng cao, chủ động giảm giá thành sản xuất lúa.

Khuyến cáo nông dân sử dụng các giống mới, các loại vật tư mới vào sản xuất như các loại phân bón mới, phân bón chậm tan, phân bón nano, phân hữu cơ/thuốc BVTV sinh học, vi sinh; chế phẩm sinh học… để nâng cao hiệu quả, năng suất.

Trung tâm cũng sẽ đẩy mạnh chuyển giao các kỹ thuật mới vào sản xuất như kỹ thuật sạ thưa, sạ máy, áp dụng máy cấy trong canh tác lúa; áp dụng kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI, liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn… để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập. 

Khuyến khích nông dân ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật đã được đánh giá hiệu quả vào sản xuất: sử dụng giống xác nhận, hạt giống F1; cơ giới hóa trong sản xuất... góp phần giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa, nâng cao tỷ lệ sử dụng các giống lúa có chất lượng trong sản xuất…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem