Chỉ một tuần, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine làm rung chuyển thế giới

Lê Phương (Aljazeera) Thứ sáu, ngày 04/03/2022 15:44 PM (GMT+7)
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã để lại hậu quả không nhỏ về mặt nhân đạo, kinh tế và địa chính trị.
Bình luận 0
Chỉ trong một tuần, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã làm rung chuyển thế giới - Ảnh 1.

Cuộc biểu tình phản đối chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Francisco Seco/AP)

Sau khi thủ đô Kiev và các thành phố lớn khác của Ukraine bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự, lần đầu tiên Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh tung ra các biện pháp trừng phạt nặng nề như vậy đối với một nền kinh tế lớn như Nga.

Các nước châu Âu đã có những động thái lịch sử về chính sách đối ngoại và quốc phòng, trong khi căng thẳng hạt nhân đã tăng lên mức cao nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.

Trong khi đó, khi giao tranh tiếp tục diễn ra gay gắt và nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo bùng phát, số phận của Ukraine vẫn đang ở thế 'ngàn cân treo sợi tóc'.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga

Vào ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội tiến vào các khu vực ly khai Luhansk và Donetsk ở miền đông Ukraine, đồng thời công nhận đây là các quốc gia độc lập.

Động thái này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình ngoại giao cấp cao có thể dẫn đến cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm xoa dịu căng thẳng ngày càng gia tăng, sau khi Nga điều động từ 150.000 đến 200.000 quân dọc theo biên giới Ukraine.

Ông Putin lý giải quyết định của mình trong một bài phát biểu được ghi âm trước kéo dài 55 phút, trong đó ông tuyên bố NATO có lỗi trong cuộc khủng hoảng và nói rằng liên minh này là một mối đe dọa hiện hữu đối với Nga.

Bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với các ngân hàng Nga, cũng như việc Đức ngừng quá trình chứng nhận đường ống Nord Stream 2, ông Putin đã ra lệnh tiến hành một chiến dịch quân sự toàn diện ở Ukraine vào ngày 24/2.

Ngay sau đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ra lệnh tổng động viên và thiết quân luật để đáp trả.

Chỉ trong một tuần, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã làm rung chuyển thế giới - Ảnh 2.

Diễn biến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Ảnh: Aljazeera

Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp Nhà nước Ukraine cho biết hơn 2.000 dân thường đã thiệt mạng kể từ khi chiến dịch bắt đầu, mặc dù vẫn chưa thể xác định chính xác số liệu thương vong. Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết họ đã ghi nhận cái chết của  hàng trăm thường dân, trong đó có 13 trẻ em.

Một cuộc khủng hoảng lớn về người tị nạn đã diễn ra, với khoảng 874.000 người chạy khỏi Ukraine và cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cảnh báo con số này có thể sẽ sớm vượt quá 1 triệu người.

Chỉ trong một tuần, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã làm rung chuyển thế giới - Ảnh 3.

Người dân Ukraine đi tị nạn sau chiến dịch quân sự của Nga. Ảnh: Aljazeera

Căng thẳng hạt nhân cũng gia tăng, với việc ông Putin ám chỉ rằng ông có thể phóng vũ khí hạt nhân chống lại bất kỳ quốc gia nào can thiệp vào chiến dịch của Nga. Hôm 27/2, ông đã ra lệnh đặt các lực lượng hạt nhân của Nga vào tình trạng báo động cao.

Hàng phòng thủ châu Âu

Chính sách đối ngoại và quốc phòng chung của châu Âu, vốn khó thống nhất trong nhiều thập kỷ, dường như đang hình thành.

EU lần đầu tiên tài trợ cho việc mua và vận chuyển vũ khí cho một quốc gia đang xảy ra xung đột quân sự. Liên minh cung cấp cho Ukraine nửa tỷ euro (556 triệu USD). Trong khi đó, Đức cũng lần đầu làm trái chính sách lịch sử của mình đối với việc gửi vũ khí tới các khu vực xung đột.

George Pagoulatos, giám đốc tại Quỹ Hellenic về Chính sách Châu Âu và Đối ngoại cho biết: "Sự việc vừa qua đánh dấu một thay đổi rất lớn cho nền quốc phòng châu Âu. Giờ đây, chúng ta đang thấy nước Đức thông qua một gói quốc phòng khổng lồ - mức tăng chi tiêu 100 tỷ euro đã được phê duyệt, cao hơn gấp đôi ngân sách quốc phòng hiện tại của nước này".

Trong bối cảnh đó, Nga ngày càng trở nên bị cô lập, khi các lệnh trừng phạt kinh tế - cũng như tẩy chay văn hóa và thể thao - được đẩy mạnh.

"Tổng thống Putin đã chọn cuộc chiến này. Và bây giờ ông ấy cũng như đất nước của mình sẽ gánh chịu hậu quả", Tổng thống Mỹ Biden nói sau khi ông Putin bắt đầu chiến dịch. Ông Biden đã mở rộng các biện pháp trừng phạt ngăn chặn hoàn toàn đối với các ngân hàng khác của Nga, bao gồm cả ngân hàng lớn thứ hai nước này, VTB.

Các nhà phân tích Nga tin rằng các biện pháp trừng phạt nặng nề nhất là dưới hình thức cấm xuất khẩu các công nghệ hiện đại của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng không, hàng hải và quốc phòng.

Sau những thông báo trừng phạt, sàn giao dịch chứng khoán của Moscow đã giảm mạnh chưa từng có (45%) , khiến ngân hàng trung ương phải can thiệp để tăng tính thanh khoản cho các ngân hàng. Sở giao dịch Moscow (Moex), sàn giao dịch lớn nhất ở Nga, đóng cửa ở mức -33% trong ngày.

Stelios Zavvos, chủ sở hữu của công ty quản lý vốn Zeus Capital Management, cảnh báo rằng sự biến động của thị trường sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cả hai phía. Ông Zavvos nói với Al Jazeera: "Chúng tôi không biết xung đột sẽ kéo dài bao lâu, tuy nhiên chắc chắn rằng thị trường sẽ có sự bất ổn và biến động lớn. Xung đột làm tăng giá năng lượng. Phân tích của chúng tôi là dầu sẽ đạt mức 120 USD/thùng trở lên. Điều này góp phần tạo ra lạm phát cao và tăng trưởng chậm, làm gián đoạn thương mại quốc tế và làm giảm niềm tin của các nhà kinh doanh và các hộ gia đình".

Ông Zavvos tin rằng khủng hoảng năng lượng sẽ khiến Mỹ và EU chia rẽ trong chính sách tiền tệ, với việc đồng USD mạnh lên so với đồng euro.

"Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát, nhưng ở châu Âu, cú sốc năng lượng còn mạnh hơn nhiều, vì vậy nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục nới lỏng. Khu vực này cũng ràng buộc chặt chẽ hơn trong thương mại với Nga", ông nói.

Kể từ đầu chiến dịch quân sự, nhiều biện pháp trừng phạt đã được công bố - chẳng hạn như trục xuất các ngân hàng Nga ra khỏi SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu). Các hãng hàng không Nga bị cấm vào không phận EU và Mỹ, trong khi EU cấm các phương tiện truyền thông nhà nước của Nga là Russia Today và Sputnik.

Ở một diễn biến khác, hôm 28/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chính thức ký đề nghị gia nhập EU của Ukraine.

Người dân Ukraine cho biết: "Chúng tôi sẽ tự vệ!" Nguồn: Aljazeera

Bất chấp tinh thần không lùi bước và 1,6 tỷ USD viện trợ quân sự từ Mỹ và EU, các lực lượng vũ trang Ukraine dần thất thế trước Nga. Quân đội Nga tuyên bố họ đã giành quyền kiểm soát thành phố Kherson quan trọng về mặt chiến lược ở miền nam Ukraine hôm 2/3. Một đoàn xe dài  60km gồm hàng trăm xe tăng Nga và các phương tiện khác đang trên đường tới Kiev, trong khi các lực lượng Nga đã bao vây thành phố phía đông Kharkov và thành phố cảng Mariupol. 

Nhiều thường dân Ukraine vội vàng tự trang bị vũ khí và tham gia bảo vệ các thành phố, tạo tiền đề cho bạo lực gia tăng. 

"Liệu ông Putin có tính toán sai hay không thì chúng ta phải chờ xem, nhưng về mặt quân sự, ông ấy thực sự là một thách thức to lớn", Samir Puri, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết.

Chiến thắng của Nga sẽ dẫn đến điều gì? "Mục tiêu không phải là sáp nhập Ukraine", ông Puri nói với Al Jazeera, đồng thời cho biết thêm rằng nếu người Ukraine tiếp tục kháng chiến, ông tin rằng đất nước có thể bị chia cắt. 

"Tôi cho rằng mục tiêu của ông Putin là biến Ukraine trở thành giống như Belarus, một quốc gia có chủ quyền độc lập nhưng cam kết trung thành với Moscow".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem