Chỉ ở làng nuôi trâu toàn con to bự mà một ông nông dân Vĩnh Phúc lãi 20-30 triệu/tháng

Thùy Linh Thứ ba, ngày 17/05/2022 13:01 PM (GMT+7)
Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, cựu chiến binh (CCB) Phạm Văn Tính, thôn Phú Cường, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) đã nỗ lực vượt khó, phát triển kinh tế gia đình với mô hình nuôi trâu, lãi 20-30 triệu/tháng
Bình luận 0

HộiVới mô hình nuôi trâu, ông Phạm Văn Tính đã trở thành điển hình trong phong trào thi đua phát triển kinh tế trong các cấp hội CCB và ở địa phương.

 Năm 1991, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, CCB Phạm Văn Tính tích cực tham gia lao động, sản xuất với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Để tăng thu nhập, ông cùng gia đình vừa làm ruộng, vừa làm thêm các nghề khác như bán than, làm gạch, chạy xe…

Chỉ ở làng nuôi trâu toàn con to bự mà một ông nông dân Vĩnh Phúc lãi 20-30 triệu/tháng - Ảnh 1.

Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn trâu của gia đình CCB Phạm Văn Tính sinh trưởng, phát triển tốt. Mô hình nuôi trâu của ông Tính tại thôn Phú Cường, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc).


 Sau đó, ông Tính nhận thấy những nghề này chỉ mang tính thời vụ, thu nhập không ổn định, nên đã quyết tâm tập trung vào trồng trọt và chăn nuôi. Ông bắt đầu tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi qua bạn bè, người quen và tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do hội CCB, địa phương tổ chức.

Năm 2011, từ số tiền dành dụm được, ông Tính mua 2 lợn nái về nuôi. Sau khi có kinh nghiệm, ông mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng để mở rộng chuồng trại, mua thêm lợn nái, có những lúc cao điểm, ông Tính nuôi tới 40 lợn nái và hơn 200 lợn bột, mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình.

Tuy nhiên, đến năm 2014, do dịch bệnh, giá lợn hơi "lao dốc", ông Tính lỗ gần 1 tỷ đồng khiến kinh tế gia đình khó khăn, đến khi thị trường ổn định vẫn không có khả năng tái đàn trở lại.

Không đầu hàng trước khó khăn, CCB Phạm Văn Tính tiếp tục tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, tìm giống vật nuôi phù hợp. 

Ông Tính chia sẻ: “Sau khi tham khảo từ bạn bè, tôi quyết định đầu tư nuôi trâu thịt bởi trâu ít bị bệnh dịch, giá thịt trâu trên thị trường luôn ổn định và các khâu chăm sóc đơn giản hơn nuôi lợn”.

Dù có nhiều thuận lợi trong phát triển chăn nuôi, nhưng giá trâu giống lại khá cao. Ông Tính không nóng vội mà quyết định bắt đầu từ mức phù hợp với khả năng kinh tế hiện tại. Năm 2016, ông vay vốn từ Ngân hàng NNPTNT và từ nguồn quỹ của Hội CCB để mua 5 trâu thịt.

Rút kinh nghiệm từ lần thua lỗ do chăn nuôi lợn trước đây, ông Tính chủ động phối hợp với cán bộ thú y để kiểm tra sức khỏe, tiêm phòng cho đàn trâu; đồng thời, cập nhật kỹ thuật chăn nuôi trâu, kinh nghiệm chọn con giống tốt...

Sau khi tham khảo, đúc rút những kinh nghiệm, kiến thức học hỏi được, ông Tính quyết định nuôi trâu theo hình thức chăn thả, vừa tiết kiệm được thức ăn chăn nuôi, vừa cho chất lượng thịt tốt hơn, giá bán cao hơn.

Chuẩn bị kỹ càng, thận trọng trong chăn nuôi, 6 năm nay, đàn trâu của CCB Phạm Văn Tính luôn có chất lượng thịt tốt, có đầu ra ổn định và ngày càng phát triển. Đến nay, sau 6 năm, gia đình ông duy trì nuôi trâu thịt với quy mô 40 - 50 con/lứa, mỗi lứa khoảng 1 năm, thu lãi 20 - 30 triệu đồng/tháng.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình nuôi trâu, CCB Phạm Văn Tính còn tích cực tham gia các phong trào thi đua của xã, huyện và hội CCB các cấp, ủng hộ các hoạt động tình nghĩa; nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho các hội viên CCB.

Năng nổ, tích cực trong các phong trào, không ngại khó, ngại khổ, luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, CCB Phạm Văn Tính là một trong những điển hình tiêu biểu được các cấp hội CCB huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) ghi nhận, biểu dương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem