Chỉ trồng 10.000ha mắc ca: “Sự lựa chọn có hơi hướng... an toàn”?

Ngọc Lê (thực hiện) Thứ bảy, ngày 11/04/2015 09:56 AM (GMT+7)
Như NTNN số 83/2015 thông tin, Bộ NNPTNT đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển cây mắc ca, trong đó kiến nghị từ nay đến năm 2020, chỉ trồng 10.000ha thay vì 200.000ha như ý kiến của một số doanh nghiệp, nhà khoa học trước đó. Xung quanh đề xuất này, đã có nhiều ý kiến phản hồi, trao đổi với NTNN.
Bình luận 0

img

Phóng viên NTNN phỏng vấn TS Lê Ngọc Báu - Viện trưởng Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên, một trong những đơn vị được giao trồng khảo nghiệm mắc ca chính thức.

Vừa qua rất nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển diện tích cây mắc ca tới 200.000ha trong vòng 5 năm tới, chủ yếu ở Tây Nguyên. Vậy con số 10.000ha như đề xuất của Bộ NNPTNT, theo ông có hợp lý?

- Tôi cho rằng, đó chỉ là con số định hướng của Bộ, chứ thực tế hiện nay diện tích mắc ca đang phát triển rất nhanh và rất có thể chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ vượt 10.000ha. Bởi cũng như những loại cây trồng khác, định hướng quy hoạch là một chuyện, còn trên thực tế diện tích bao giờ cũng lớn hơn. Hiện tại, riêng ở khu vực Tây Nguyên đã xuất hiện rất nhiều vườn ươm giống đầu dòng và chỉ khoảng 10 tháng đã có thể ghép được và 1 năm là trồng được thay vì 3 năm như quy trình nhân giống của Bộ NNPTNT. Với tốc độ đó, ở Tây Nguyên mỗi năm có thể làm đến vài nghìn ha cây mắc ca. Vì thế, tôi cho rằng mức 10.000ha mà Bộ NNPTNT đưa ra là quá thấp và có vẻ hơi... an toàn.

Theo báo cáo mà Bộ NNPTNT gửi Thủ tướng, Bộ cho rằng chỉ được trồng mắc ca ở những điểm đã được khảo nghiệm. Như vậy, việc phát triển đại trà loại cây này là không được. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi cho rằng, việc quy định chỉ vùng đất nào đã trồng khảo nghiệm mới được trồng là không thuyết phục và không khoa học. Chúng ta không thể có điều kiện để trồng khảo nghiệm ở tất cả các vùng, nên đúng ra chỉ cần ở những vùng đất có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu tương tự với vùng đã trồng khảo nghiệm là cũng có thể mở rộng trồng được, chứ không nhất thiết phải cứng nhắc chỉ trồng ở những nơi đã khảo nghiệm.

Vậy theo quan điểm của ông, với việc Bộ NNPTNT khuyến cáo diện tích như trên có quá thận trọng và thực tế có thể mở rộng được ra nữa không?

img

Học viên thực hành ghép cây mắc ca tại Trại giống cây trồng cạn Mường Hồng, Mai Sơn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

- Theo tôi, trong thời điểm này thận trọng là đúng. Nhưng với tư cách là người đã có 13 năm nghiên cứu về cây mắc ca, tôi khẳng định, đây là loại cây có thể trồng và mở rộng được. Trước mắt, chúng ta có thể trồng xen trên 10% diện tích cây cà phê là đã được 55.000ha rồi, còn nơi nào có đất trống thì trồng thuần. Trồng xen cà phê có tác dụng là mắc ca sẽ tạo bóng che cho cà phê, khi bón phân thì có lợi cho cả 2, mà lại không tốn kém gì. Về vấn đề thị trường, chúng ta cứ bảo không có thị trường, cái này tôi cho rằng chúng ta phải tạo ra thị trường, chứ không ngồi đợi thị trường được.

Theo yêu cầu của Bộ NNPTNT, chỉ được trồng 10 giống đã được Bộ công nhận. Trên thực tế đã có rất nhiều vườn ươm giống tự phát mọc lên. Vậy theo ông, cần quản lý nguồn giống này như thế nào?

-Trong phát triển cây mắc ca hiện nay, việc quản lý nguồn giống là rất quan trọng, bởi nếu người dân mua phải giống kém chất lượng, 5 năm sau chúng ta mới xác định được, khi đó thiệt hại sẽ rất lớn, cũng như người dân sẽ lỡ cơ hội trồng những loại cây khác. Do đó, theo tôi trong một mặt Bộ NNPTNT cần tiếp tục công nhận các giống đầu dòng tốt nếu không sẽ bỏ lỡ những giống tốt. Mặt khác, Nhà nước, cụ thể ở đây là Sở NNPTNT cũng phải vào cuộc, đầu tư để quản lý các vườn ươm giống, tăng cường thành lập các đội quản lý liên ngành để xử lý các vườn ươm không đảm bảo quy định.

Xin cảm ơn ông!

90% cây giống mắc ca gieo từ hạt là giống xấu

TS Lê Ngọc Báu cho biết, đối với những cây mắc ca giống được gieo từ hạt có tới 90% là xấu, nhưng cũng có một số giống đầu dòng sau quá trình phân ly tái tổ hợp có đặc tính rất tốt. Do đó, Bộ NNPTNT cũng nên cân nhắc xem xét công nhận những giống như vậy để nhân giống.

Về cơ sở ươm giống, TS Báu cho biết, hiện Viện chỉ có duy nhất một cơ sở ươm giống ở địa chỉ 153 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn MaThuột (Đăk Lăk), còn lại 2 trung tâm khác nhưng chưa được nhân giống. 
GS Lê Đình Khả - người đầu tiên mang giống mắc ca về Việt Nam:
Đó không phải là con số cố định


Con số 10.000ha là do Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát kết luận tại một  cuộc họp lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, trước mắt chúng ta làm như thế, rồi sau đó sẽ có tổng kết, rồi có mở rộng tiếp hay không thì sẽ bàn sau, chứ không phải cố định chỉ có 10.000ha. Thông thường, cây mắc ca từ khi trồng đến khi ra quả phải mất 5 năm, mà từ nay đến năm 2020 còn đúng 5 năm nữa, nên trước mắt phát triển đến 10.000ha là đúng và thận trọng.

Trước mắt, tôi thấy 3 vùng có thể trồng được là Krông Năng (Đăk Nông), Mai Sơn (Sơn La) và Ba Vì (Hà Nội). Còn con số 200.000ha thì từ trước đến nay tôi chưa thấy nhà khoa học nào phát biểu, có chăng chỉ là doanh nghiệp nói.

Ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch LienVietPostBank: Đề xuất chỉ trồng 10.000ha là thiếu thực tiễn

Việc Bộ NNPTNT cho rằng, chỉ nên trồng 10.000ha cây mắc ca là thiếu thực tiễn, bởi chỉ riêng huyện Tuy Đức (Đăk Nông) đã có quy hoạch trồng tới 14.000ha, chưa kể các vùng lân cận và các tỉnh khác. Tôi cho rằng, hiện không có cơ sở nào để đưa ra con số chỉ có 10.000ha mắc ca, bởi cho đến nay Bộ NNPTNT chưa có quy hoạch, cũng không nắm được quy hoạch của các địa phương, vậy thì sao biết được chỉ có 10.000ha.

Tôi được biết, sở dĩ Bộ NNPTNT đưa ra con số trên, vì cho rằng năng lực ươm giống của các cơ sở trong nước chỉ đáp ứng được 3-4 triệu cây trong 5 năm tới, nhưng xin thưa chỉ một cơ sở của một ông Việt kiều ươm giống ở Khe Sanh (Quảng Trị), mỗi năm đã cho 1-1,5 triệu cây. Tóm lại, tôi vẫn không đồng tình với con số 10.000ha mà Bộ NNPTNT đưa ra.

Ông Nguyễn Hoài Dương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đăk Lăk:
Sẽ xử lý mạnh tay các vườn ươm tự phát


Trước khi Bộ NNPTNT có công văn, tỉnh Đăk Lăk đã có văn bản gửi các huyện và các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn về việc chấn chỉnh các cơ sở ươm giống tự phát, đồng thời hướng dẫn người dân mua giống ở những nơi đã được công nhận. Hiện tại, chúng tôi đang tham mưu cho tỉnh xây dựng quy hoạch các vùng trồng mắc ca cụ thể, hạn chế người dân phát triển tự phát.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục có kế hoạch cụ thể, chỉ đạo mạnh mẽ hơn và nghiêm cấm các cơ sở nhân giống tự phát bán cho dân. Đối với những vườn ươm không đúng quy định, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm. 

Hải Hà (ghi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem