Chiếc bánh chưng quê gói sớm để gửi ra thành phố!

Bùi Việt Phương Thứ bảy, ngày 14/02/2015 12:50 PM (GMT+7)
Từ bao đời nay chiếc bánh chưng đã là một phần không thể thiếu của tết Việt. Thời buổi kinh tế thị trường khi nhiều phong tục đã phải lược bỏ hay phó mặc cho các dịch vụ thì chiếc bánh chưng đậm đà hương vị quê gói sớm để gửi cho người thành phố kịp đón Tết là món quà thể hiện sự gắn kết tình cảm họ hàng, ruột thịt sâu nặng.
Bình luận 0

Quê tôi vốn ở một tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng nhưng đã từ lâu ông bà ngoại tôi đi thoát li rồi về hưu, sống ở Hà Nội. Ngần ấy năm, những người dân ngụ cư như ông bà tôi đã quen dần với cuộc sống thành phố và do tuổi cao sức yếu nên ít có dịp về thăm quê. Những nghi thức, phong tục ở quê cũng vì thế mà dần dần nguôi quên, nhất là với các thế hệ con cháu sau này.

Ấy vậy mà, với chiếc bánh chưng xanh thì dường như là một ngoại lệ. Dẫu ngay đầu phố có cái biển hiệu to tướng chuyên nhận đặt bánh chưng Tết với bao nhiêu lời quảng cáo hấp dẫn, dẫu lá dong, gạo, đỗ bày bán trong siêu thị hay ngoài chợ nhưng bà tôi vẫn thích được ăn chiếc bánh chưng gói từ gạo nếp, đỗ xanh, lá dong, thịt lợn, lạt giang…từ mảnh đất quê nhà. Bà bảo khi ăn chiếc bánh có hồn vía củi lửa, của bàn tay những người con, người cháu đất quê nhà mới thấy đúng là hương vị Tết.

img
Chiếc bánh chưng quê gói sớm để kịp gửi ra thành phố (Ảnh: Bùi Việt Phương)

Cũng bởi thế mà bao năm nay nhà tôi thường gói bánh chưng sớm để kịp mang ra thành phố. Khi mới hăm sáu, hăm bẩy  (26, 27 âm lịch) khi các gia đình ở quê tôi còn đủng đỉnh chọn lá dong, rủ nhau đụng lợn, kiếm mối đặt rượu Tết thì nhà tôi đã chuẩn bị gói bánh.

Bắt đầu từ đêm hôm trước là ngâm đỗ xanh, ngâm gạo nếp thơm, chẻ lạt, rửa lá dong. Sớm hôm sau dậy là nấu đỗ, đãi gạo, ướp thịt…sau cùng mới đến công đoạn kì công và nghệ thuật nhất là gói bánh. Lạ nỗi ngày thường những người phụ nữ rất đảm việc bếp núc nhưng đến Tết cái việc gói bánh này đều phải nhường cho cha tôi – người suốt cả năm chả mấy khi vào bếp. Cha tôi mỗi năm chỉ gói bánh một lần nhưng gói rất thạo. Chiếc bánh nào cũng vuông, gạo cũng được ép chặt mà không bị sùi. Đã thế tỉ lệ gạo, đỗ cũng rất vừa chứ không cái nhiều cái ít.

Gần sẩm tối cũng là lúc nhà tôi nhóm lửa. Cái bếp củi lớn nhất trong năm được nhóm lên với nào những đóm tre, gỗ gộc cháy đượm suốt mười tiếng đồng hồ rồi mới cho ra mẻ bánh ngọn. Tưởng như việc nấu bánh đơn giản nhưng nào là phải đều lửa phải tiếp nước sôi cho bánh không hấy. Bánh được vớt ra rồi ép bớt nước. Sớm mai khi chiếc bánh đã được ép thơm ngon cũng vừa kịp chuyến xe để chúng tôi gửi mang ra thành phố. Bà tôi năm nào cũng chọn chiếc bánh to nhất , ngon nhất đặt lên bàn thờ tổ tiên ở nơi xa quê.

Trên gác cao của tầng lầu nhà ngoại, nơi chiếc bàn thờ với khung cửa luôn hướng về phía quê nhà, hương thơm từ gạo, đỗ, lá dong như một món quà ân tình, nồng ấm của con cháu, họ mạc làm ấm lòng những người con xa quê trong những ngày Tết nhưng vẫn một lòng nhớ tới quê cha, đất tổ.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem