Chiếc răng nhỏ được phát hiện trong hang sâu ở Pháp làm thay đổi hiểu biết về người tiền sử

Minh Nhật (theo CNN) Thứ sáu, ngày 11/02/2022 14:00 PM (GMT+7)
Chiếc răng hàm của một đứa trẻ được khai quật từ một hang động ở Pháp đã tiết lộ bằng chứng sớm nhất về loài người - Homo sapiens - sống ở Tây Âu.
Bình luận 0
Chiếc răng nhỏ được phát hiện trong hang sâu ở Pháp làm thay đổi hiểu biết về người tiền sử - Ảnh 1.

Khai quật hang động ở Grotte Mandrin, Pháp đã tiết lộ rằng con người hiện đại đầu tiên đã sống ở đó khoảng 54.000 năm trước. Ảnh CNN

Việc phát hiện ra chiếc răng hàm nhỏ từ Grotte Mandrin, gần Malataverne trong Thung lũng Rhône ở miền nam nước Pháp, cùng với hàng trăm công cụ bằng đá có niên đại khoảng 54.000 năm trước, cho thấy loài người sơ khai sống ở châu Âu sớm hơn khoảng 10.000 năm so với những gì các nhà khảo cổ học từng nghĩ trước đây.

Hơn nữa, chiếc răng của người Homo sapiens - sau này sẽ tiến hóa thành người hiện đại - được kẹp giữa các lớp di tích của người Neanderthal, cho thấy 2 nhóm người này đã cùng tồn tại trong khu vực. Những phát hiện này đã đặt ra nghi vấn đối với giả thiết trước đây rằng, sự xuất hiện của Người Homo sapiens ở châu Âu đã gây ra sự tuyệt chủng của người Neanderthal, những người sống ở châu Âu và các vùng của châu Á trong khoảng 300.000 năm trước khi biến mất.

"Chúng tôi thường nghĩ rằng sự xuất hiện của người Homo sapiens ở châu Âu dẫn đến sự diệt vong khá nhanh của người Neanderthal, nhưng bằng chứng mới này cho thấy rằng, sự xuất hiện của người hiện đại ở châu Âu và sự biến mất của người Neanderthal phức tạp hơn nhiều", đồng tác giả nghiên cứu Chris Stringer, một giáo sư và trưởng nhóm nghiên cứu về sự tiến hóa của loài người tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London cho biết.

Đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ học tìm thấy bằng chứng về việc các nhóm người Homo sapiens và người Neanderthal sống xen kẽ ở cùng một nơi, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances hôm thứ Tư 9/2.

Chiếc răng nhỏ được phát hiện trong hang sâu ở Pháp làm thay đổi hiểu biết về người tiền sử - Ảnh 2.

Khu vực Grotte Mandrin ở Thung lũng Rhone đã được khai quật trong ba thập kỷ. Ảnh CNN

Trước đây, sự xuất hiện của con người đầu tiên ở châu Âu được xác định từ 43.000 đến 45.000 năm trước, theo các hài cốt được tìm thấy ở Ý và Bulgaria - không lâu trước khi những hài cốt cuối cùng còn sót lại của người Neanderthal có niên đại từ 40.000 đến 42.000 năm trước được tìm thấy.

Khung thời gian này khiến nhiều người nghĩ rằng sự xuất hiện của người Homo sapiens và sự biến mất của người Neanderthal có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Nghiên cứu này cho thấy, người Homo sapiens và người Neanderthal đã gặp nhau và sinh con, dẫn đến việc phát hiện dấu vết của người Neanderthal trong DNA của chúng ta ngày nay.

Hàng trăm công cụ bằng đá được tìm thấy tại địa điểm này cho thấy rằng hang chú ẩn bằng đá đã bị cả hai nhóm người chiếm giữ rất lâu và thường xuyên chứ không chỉ là nơi thỉnh thoảng dừng chân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem