“Chiến binh triệu đô” đạp sóng Hoàng Sa

Đình Thiên Thứ bảy, ngày 12/03/2016 13:25 PM (GMT+7)
Chỉ còn vài ngày nữa, vùng biển Hoàng Sa máu thịt sẽ có thêm một “chiến binh” cùng song hành. ĐNa 90777 - con tàu vỏ thép “67” đầu tiên của Đà Nẵng với kinh phí hơn 24 tỷ đồng sẽ vươn khơi, mang theo ý chí quật cường, làm chủ, làm giàu và bảo vệ vùng biển Hoàng Sa...
Bình luận 0

Con tàu của ý chí

Giữa cái nóng rát da rát thịt ở cửa biển vịnh Mân Quang, ngư dân Trần Văn Mười (39 tuổi, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) tất bật chạy qua, chạy lại chuẩn bị những khâu cuối cùng để con tàu ĐNa 90777 vươn khơi trong ít ngày tới.

Gương mặt lấm lem nhưng không giấu niềm tự hào, anh Mười chỉ tay về con tàu sắt lừng lững ở đà Công ty Kỹ thuật biển STECH (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết, con tàu có chiều dài 30,8m, rộng 7,5m, cao hơn 4m, tổng công suất máy lên tới gần 1.000 CV. Tải trọng có thể đạt đến 300 tấn. Tỉ mẩn từ lên ý tưởng cho đến tài chính rồi thiết kế con tàu để đến nay sau gần 1 năm khởi công,  “chiến binh” ĐNa 90777 của anh Mười mới được hoàn thành. 

img

ĐNa 90777 vừa giúp ngư dân làm giàu vừa là chiến binh trên biển Hoàng Sa. Ảnh: Đình Thiên

Niềm tự tôn dân tộc có sẵn trong máu sẽ giúp anh Mười vững chãi trong sóng gió Hoàng Sa, để cùng ngư dân làm giàu, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đà Nẵng nói riêng và đất nước nói chung đang rất cần nhưng tấm gương như thế này”.

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng

Để có được con tàu “hoành tráng” như ngày hôm nay, nghĩ lại, anh Mười “lạnh người” với những khó khăn ban đầu: “Để đóng được tàu vỏ thép này, tôi phải vay gần 20 tỷ đồng, vốn đối ứng thêm gần 5 tỷ đồng nữa - một con số khủng khiếp đối với ngư dân. Đóng được con tàu này, giờ mỗi năm tôi phải trả cả gốc lẫn lãi gần 2 tỷ đồng. Nếu như tàu gỗ thì chỉ cần khoảng 7 tỷ đồng là thừa sức đóng, nhưng riêng tàu sắt đã mất gần 6 tỷ đồng để lắp 1 máy chính, 3 máy phát điện và còn cần rất nhiều trang thiết bị tương ứng khác”. 

Với chiếc tàu này, anh Mười đã đầu tư hệ thống đèn cao áp hơn 200 bóng rất hiện đại trị giá 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, trên tàu còn có máy Icom, máy quét dò ngang, la bàn từ, máy định vị GPRS hiện đại và nhiều thiết bị khác.

Chi phí đầu tư đã lớn, chi phí để vận hành con tàu với những chuyến hải trình ra đến vùng biển Hoàng Sa, tới cả Trung Sa với khoảng thời gian ít nhất cũng 2 tháng trời, anh Mười tính sơ sơ cũng mất hơn 1 tỷ đồng/chuyến.

img

Ngư dân Trần Văn Mười kiểm tra những khâu cuối cùng để tàu vươn khơi. Ảnh: Đình Thiên

“Tàu sắt nên chi phí dầu giảm được 30%,  nhưng mỗi chuyến đi phải mang theo 100 - 120 phuy dầu (khoảng 25 tấn), 2 tấn gạo, 3 tấn thịt và rau củ, 20 bình gas… để phục vụ dài ngày cho khoảng 40 thuyền viên. Chi phí rất lớn nhưng tôi sẽ trả nợ đúng hạn cho ngân hàng và bảo đảm thu nhập tốt cho thuyền viên. Nếu mọi việc trôi chảy như tính toán, 2 năm nữa tôi sẽ đóng thêm con tàu to hơn” - anh Mười tự tin.

Tiếp lửa  tâm huyết của cha

Có được bản lĩnh và quyết tâm như ngày hôm nay, anh Mười bảo,  chính người cha gần 80 tuổi với kinh nghiệm hơn 40 năm cưỡi sóng biển dọc miền Trung đã truyền cảm hứng cho anh.

“Cơn bão Chanchu năm 2006 đã quét sạch đội tàu câu mực cả trăm chiếc của Đà Nẵng. Không chỉ vậy, tang thương bao trùm lên các làng biển Quảng Nam, Đà Nẵng khi rất nhiều bạn thuyền hành nghề câu mực đã bỏ mạng. Gia đình tôi may mắn khi không thiệt hại về người nhưng chuyện làm ăn từ đó xuống hẳn. Không thể ra biển vì bạn tàu chẳng còn dám theo nghề câu mực, nên tàu nằm bờ dài dài. Tiền vay đóng tàu lãi chồng lên lãi, buộc cha tôi phải hóa giá con tàu 1,4 tỷ đồng chỉ hơn 300 triệu đồng. Cay đắng lắm, nhưng cha vẫn bảo tôi, nghề mực xà là bản sắc riêng của ngư dân Đà Nẵng, cha không bỏ nó được đâu…” - anh Mười tâm sự.

Quyết tâm thực hiện tâm huyết cả đời của cha, anh Mười từ bỏ công việc kỹ thuật ô tô đang thu nhập ổn, để bắt đầu ra biển từ con số không: “Cha tôi bán tàu, tay trắng, tôi đi vay bạn bè để đóng lại tàu. Nhưng khi đó, nghe đến nghề này, ai cũng ngán ngẩm lắc đầu. Tôi chỉ còn cách cầm cố tài sản vay mượn ngân hàng để đóng lại con tàu 300CV. Nhờ trời cho thuận buồm xuôi gió nên cũng có lãi”.

Quyết giúp ngư dân làm giàu

Đã từ bỏ một công việc ổn định, thu nhập cao, anh Mười không cam chịu làm ăn nhỏ lẻ. Anh bàn với cha tính kế vươn khơi xa để đánh nhiều cá hơn. Lại thêm một lần anh mạnh dạn vay mượn đóng con tàu gỗ ĐNa 90567 công suất 950CV, trị giá 7 tỷ đồng. Con tàu to nức tiếng Đà Nẵng thời năm 2011 đã cho anh thu nhập mỗi năm trên 1,5 tỷ đồng. Với thu nhập cao nhưng cái chí “ngất trời”, anh vẫn luôn muốn vươn lên tầm cao mới, đó là giúp ngư dân làm giàu.

Ngư dân Huỳnh Mai (38 tuổi, ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) chia sẻ: “Tôi theo nghề biển được 15 năm nay nhưng khốn khó phần lớn thời gian. Không có đói, nhưng nai lưng cũng chỉ đủ sống qua ngày. Đến nay, sau 4 năm đi biển với anh Mười, cuộc sống nhà tui thay đổi nhiều, nuôi được 2 đứa con ăn học đàng hoàng, xây được ngôi nhà khang trang…”.

Còn ông Nguyễn Mịnh (52 tuổi) thì nói: “Hiện chú Mười đã giúp khoảng 50 ngư dân quê tui (xã Bình Minh) có thu nhập trên 12 triệu đồng/tháng. Hai năm trước, chú ấy bảo muốn giúp tất cả ngư dân xã Bình Minh đều có thu nhập cao. Chú ấy nói, sẽ đóng tiếp con tàu 2-3 chục tỷ đồng. Tưởng chú ấy đùa, nhưng chừ anh thấy đấy… Thêm 30 thanh niên xã tôi đã ra Đà Nẵng chuẩn bị vươn khơi cùng tàu ĐNa 90777”.

Nhắc đến ngư dân Trần Văn Mười, nhiều người ở Đà Nẵng đều “bái phục”: Đây là một ngư dân xuất sắc, tiêu biểu của thành phố, đã đóng góp tích cực cho ngành thủy sản, cũng như tham gia tích cực trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 

Nhiều tàu vỏ thép vươn khơi

Trong 3 tháng đầu năm 2016, hàng loạt tàu vỏ thép “khủng” của ngư dân đã được hạ thuỷ và vươn khơi. Có thể kể đến, con tàu số hiệu PY 99999TS của ngư dân Ngô Văn Lanh (trú tại phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu, Phú Yên) có tổng trị giá gần 17 tỷ đồng, công suất 800CV. Ngư dân Nguyễn Văn Trọng (thị trấn Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị) cũng đã hạ thuỷ tàu vỏ thép công suất 830CV với tổng giá trị đóng lên tới 16 tỷ đồng. Tàu của ngư dân Nguyễn Xiêm (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) làm dịch vụ hậu cần nghề cá mang tên Thiên Hải 09 có công suất 940CV, trị giá 15 tỷ đồng. Tàu của ngư dân Võ Văn Hân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) hành nghề lưới rê có giá trị 14 tỷ đồng, công suất 810CV.

Nguyên An

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem