Chiến sự Nga- Ukraine qua nhật ký của một phụ nữ Việt phần 8: Ác mộng chiến tranh!

Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý viết riêng cho Dân Việt Thứ tư, ngày 09/03/2022 21:48 PM (GMT+7)
Tôi đến được nước Đức, nhưng ngay cả trong giấc mơ tôi cũng thấy còi báo động và một chiếc máy bay to đùng bay trên đầu, tôi đứng trước cửa hầm trú ẩn kêu cô bạn mở cho tớ với... Ôi, giấc mơ thời chiến tranh!!!
Bình luận 0

LTS: Ngày 3/3, sau khi phần 7 nhật ký chiến sự Nga-Ukraine được đăng tải trên Dân Việt, chị Đỗ Thị Hoa Lý, sống ở phía nam thủ đô Kyiv, Ukraine lên đường di tản chiến tranh. Đó là một hành trình dài gian nan, đẫm nước mắt, vì thế nhật ký của chị bị ngắt quãng sau 6 ngày. Hôm nay 9/3, Dân Việt tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc nhật ký của nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý viết gửi về từ Dortmund, CHLB Đức.

img

Tác giả- nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý.

Cuộc sống của đất nước Ukraine đã bị đảo lộn hoàn toàn. Chúng tôi vẫn nói với nhau, thậm chí cả trong những cơn mơ điên rồ nhất cũng chưa bao giờ thấy như thế này. Còn đâu đất nước Ukraine xinh đẹp hiền hòa cùng những con người nhân hậu bao dung? 

Chiến tranh đã tàn phá đất nước Ukraine, khiến bao người lâm vào cảnh chia ly không nhà không cửa. Tôi khóc cạn nước mắt khi phải thắt lòng nghĩ đến phương án chia xa mảnh đất đã cưu mang chúng tôi suốt 34 năm qua.

Đau đớn biết bao khi những trận không kích bắn phá khắp nơi: tháp truyền hình, công sở, trường học, nhà dân... Tôi có thể cảm nhận rất sâu sắc nỗi đau của người dân Ukraine. Càng cảm nhận sâu sắc như nỗi đau của dân tộc mình qua bao cuộc kháng chiến...

Dùng dằng mãi, ngày 3/3 mới ra ga rồi lỡ 2 chuyến tàu đành quay trở lại, tôi đã định không đi nữa. Thế nhưng cuộc đàm phán không đi đến thỏa hiệp nên tình hình rất căng thẳng. Vậy là hôm sau chúng tôi lại khăn gói quả mướp lên đường!

Chiến sự Nga- Ukraine qua nhật ký của một phụ nữ Việt phần 8: Ác mộng chiến tranh! - Ảnh 3.

Những em bé ngây thơ vô tội vạ vật cùng mẹ cha đi di tản chiến tranh.

CHIA SẺ

Ngày 4/3:

8:30' ô tô xuất phát. Vừa ra khỏi thành phố đã tắc đường. Các bốt kiểm soát đã được lập trên dọc đường đi. Những đoàn xe viện trợ quân sự có xe cảnh sát hoặc cứu thương dẫn đường chạy ầm ầm về hướng Kyiv. Nhưng đoạn tắc này chưa là gì cả, mới chỉ là sự khởi đầu.

Chuyến xe buýt chở chúng tôi gồm 2 gia đình Việt Nam 6 người, 11 người già, phụ nữ và trẻ em Ukraine tiến về Lviv nơi có cửa khẩu biên giới với Ba Lan. Chặng đường dài đằng đẵng, xe chạy qua bao nhiêu tỉnh thành, bao nhiêu bốt kiểm soát lạnh người... Đoạn quốc lộ gần Khmenitski xe xếp hàng dài hơn chục cây số, tắc mấy tiếng đồng hồ. 

Nhích từng chút một cho đến sẩm tối xe chúng tôi mới đi vào địa phận của tỉnh Lviv. Đường gập ghềnh khó đi. Xe vật vã qua những con đường ổ trâu, những cánh đồng mênh mông heo hút đến rợn người. Thú thực, tôi vừa ngồi trên xe vừa khẩn cầu Trời Phật che chở, mong đừng có chuyện gì bất trắc xảy ra. Cho đến khi bánh xe lăn sần sật trên nền đường lát gạch, bắt đầu nhìn thấy những phố cổ từ thưa thớt cho đến sầm uất của Lviv, tôi mới yên lòng. Lúc này đã gần 12h đêm.

Ga Lviv ngày thường đẹp vô cùng, giờ đây là một biển người hỗn loạn. Chúng tôi vào xếp hàng ra tàu đi đến cửa khẩu Ba Lan. Các tình nguyện viên làm việc rất sốt sắng, đặc biệt giúp đỡ người tàn tật, người già, phụ nữ và trẻ em lên tàu. Họ kiếm tra giấy tờ rất kỹ lưỡng. Gia đình tôi đi hộ chiếu Ukraine thì không vấn đề gì nhưng nếu là hộ chiếu nước ngoài thì bị hỏi rất lâu.

Chiến sự Nga- Ukraine qua nhật ký của một phụ nữ Việt phần 8: Ác mộng chiến tranh! - Ảnh 4.

Chuyến tàu lên Lviv để đến cửa khẩu Peremyshl.

 Cuối cùng chúng tôi đã lên tàu Lviv để đi đến cửa khẩu Peremyshl. Khoang tàu chật ních, chúng tôi đành phải đứng ở đoạn nối giữa 2 toa. Gió lạnh, mưa tuyết bay hiu hắt , cái lạnh ngấm dần vào trong cơ thể vốn đã mệt mỏi khiến tinh thần rệu rã. Lúc đó chúng tôi chỉ ước một phép thần là đừng bắn nhau nữa, chúng tôi chỉ cần về nhà mình dù ngôi nhà đó có nghèo nàn, ngả lưng trên giường của mình dù là cũ kỹ ọp ẹp để ngủ một giấc đã đời. Nhưng sự thật vốn vô cùng nghiệt ngã!

Chiến sự Nga- Ukraine qua nhật ký của một phụ nữ Việt phần 8: Ác mộng chiến tranh! - Ảnh 5.

Một em bé Ukraine đi di tản chiến tranh mà tôi gặp ở ga tàu.

 Chuyến tàu mãi mới có thể khởi hành. Chúng tôi được thông báo là đường tới cửa khẩu đông nghẹt nên phải xếp hàng... (Tàu hỏa xếp hàng - trần đời có một!). Tàu chạy cứ khoảng nửa tiếng lại tắt máy dừng giữa đường, khi hơi lạnh ngấm vào họ lại khởi động máy để sưởi. 2 gia đình 6 người chúng tôi thay nhau vào đứng nhờ trong toa bởi quá lạnh. Bên trong tiếng trẻ sơ sinh khóc oe oe, không đếm được bao nhiêu người ngồi, đứng dọc khoang tàu.

Mãi tới 19:50' tàu mới đến cửa khẩu Ba Lan. Chúng tôi nhập cảnh và tiếp tục lên tàu đi Vacsava. Tàu tốc hành cực đẹp, tiện nghi và chúng tôi được nghỉ ngơi đôi chút.

1:25' tàu đến ga trung tâm Vacsava. Tuy đã muộn nhưng vợ chồng anh Dũng đã nhiệt tình đón chúng tôi tại ga và đưa vào nghỉ ngơi ở nhà người bạn.

Chiến sự Nga- Ukraine qua nhật ký của một phụ nữ Việt phần 8: Ác mộng chiến tranh! - Ảnh 6.

Nhà ga trung tâm Vacsava.

9:5' chúng tôi ra ga để lên đường đi hướng biên giới Ba Lan với Đức. Tàu chạy đến Rzepin chúng tôi lại được các tình nguyện viên phục vụ ăn uống. 

Nghỉ ngơi 2 tiếng, 18h57' tàu chạy đi Berlin. Chúng tôi được sắp xếp ngồi ở toa số 2, rộng rãi, ấm áp, có tất cả đồ dùng tối thiểu như thuốc đánh răng, giấy ướt, nước uống, bánh kẹo thoải mái. 

20h tàu đến Berlin, tôi cảm thấy vô cùng choáng ngợp bởi ga Berlin quá lộng lẫy và hoành tráng. Những chuyến tàu xuôi ngược liên tục và nhanh không tưởng. Tại đây vợ chồng tôi chia tay mọi người và đợi tàu đi Dortmund.

Trong suốt quá trình di chuyển các loại tàu, chỗ nào cũng được đón nhận và giúp đỡ ân cần. Nói trộn các loại ngôn ngữ, biết từ nào bằng tiếng gì đều nói để hiểu nhau. Gần sáng thì tới Dortmund, vợ chồng tôi được người quen đón về nhà nghỉ ngơi.

Sau gần 4 ngày vật vã, cuối cùng chúng tôi đã có thể yên tâm đánh một giấc ngon lành. Tại nhà người quen đã có 3 người Việt Nam từ Kharkiv chạy nạn sang.

Chiều 7/3, người quen dẫn chúng tôi tới trung tâm tiếp nhận người tị nạn. Tạm thời chúng tôi được Hội Chữ thập đỏ cho ăn ở, mọi vật dụng tối thiểu phục vụ sinh hoạt không thiếu gì, ngày 4 bữa nhưng nếu kéo dài thì không biết thế nào vì ngồi không thì buồn lắm. Ngay cả trong giấc mơ tôi cũng thấy còi báo động và một chiếc máy bay to đùng bay trên đầu, tôi đứng trước cửa hầm trú ẩn kêu cô bạn mở cho tớ với...

Ôi, giấc mơ thời chiến!

Chiến sự Nga- Ukraine qua nhật ký của một phụ nữ Việt phần 8: Ác mộng chiến tranh! - Ảnh 7.

Nhà ga Berlin, Đức.

Người Đức đối xử với chúng tôi rất niềm nở, thân thiện và bình đẳng. Có những người biết tiếng Nga thì giao tiếp rất thoải mái. Đôi khi gặp người không biết tiếng Nga thì nói trộn vài từ tiếng Anh mà mình biết. Tóm lại là mớ lẩu ngôn ngữ.

Chiến sự Nga- Ukraine qua nhật ký của một phụ nữ Việt phần 8: Ác mộng chiến tranh! - Ảnh 8.

Nhà ăn của trung tâm tiếp nhận người tị nạn thành phố Dortmund, Đức.

Trưa 8/3:

Nhân viên trung tâm dẫn người phiên dịch tiếng Nga đến giới thiệu với chúng tôi. Họ hẹn 15:30 ngày  9/3 theo giờ Berlin (21 giờ 30 theo giờ Hà Nội) làm thủ tục.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem