Chiến sự Ukraine: Khi Nga bị trừng phạt đau đớn nhất, Trung Quốc bất ngờ 'quay lưng'?

Phương Dung (theo Fox Bussines) Chủ nhật, ngày 27/02/2022 19:16 PM (GMT+7)
Nga và Trung Quốc đã duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong nhiều năm, nhưng mối quan hệ đó dường như đang bị thử thách khi Moscow phải hứng chịu các lệnh trừng phạt nặng nề nhất từ Mỹ và các đồng minh vì tấn công Ukraine.
Bình luận 0
Chiến sự Ukraine: Khi Nga bị trừng phạt đau đớn nhất, Trung Quốc cũng bất ngờ 'quay lưng'? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh IT

Theo Bloomberg News, khi Nga hứng chịu các lệnh trừng phạt mạnh chưa từng thấy từ Mỹ và các đồng minh bao gồm quyết định loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT, 2 ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc cũng đã thông báo rằng, họ sẽ hạn chế tài chính cho các giao dịch mua hàng hóa của Nga.

Các đơn vị nước ngoài của Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã ngừng phát hành thư tín dụng mệnh giá đô la Mỹ để mua hàng hóa mà Nga sẵn sàng xuất khẩu, trong khi Ngân hàng Trung Quốc cũng hạn chế cấp vốn.

Theo Fox Business, việc các ngân hàng Trung Quốc thực hiện các hạn chế đó đặt ra câu hỏi liệu Bắc Kinh có "quay lưng" với Moscow khi liên minh phương Tây đưa ra các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất đối với Nga.

"Những dấu hiệu mới nhất cho thấy Trung Quốc không giúp giải cứu (Nga) khỏi các biện pháp trừng phạt", một quan chức Mỹ giấu tên bình luận với phóng viên Reuters.

Theo vị quan chức Mỹ, điều này "cho thấy rằng, giống như mô hình trong nhiều năm qua, Trung Quốc có xu hướng tôn trọng các lệnh trừng phạt của Mỹ".

Theo Bloomberg, 4 ngân hàng lớn nhất ở Trung Quốc đã tuân thủ các lệnh trừng phạt trước đó của Mỹ đối với Iran, Triều Tiên vì họ cần quyền truy cập vào hệ thống thanh toán bù trừ đô la Mỹ.

"Các tổ chức tài chính Trung Quốc rất coi trọng việc tuân thủ các lệnh trừng phạt" , Ben Kostrzewa, một nhà tư vấn pháp lý nước ngoài tại Hong Kong, người từng xử lý các tranh chấp và đàm phán Mỹ-Trung thông qua Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết.

"Bản thân họ không muốn bị trừng phạt, họ không thể mất quyền truy cập vào các giao dịch bằng đô la Mỹ, vì vậy họ sẽ phải suy nghĩ về điều này một cách rất nghiêm túc - bất kể tác động địa chính trị có thể là gì", ông Kostrzewa nói.

Khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine diễn ra, nhiều người lo ngại rằng, Trung Quốc sẽ giúp Nga lách các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ và châu Âu áp đặt đối với quốc gia này.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga về cả xuất khẩu và nhập khẩu. Trung Quốc mua 1/3 lượng dầu thô xuất khẩu của Nga vào năm 2020 và xuất khẩu các sản phẩm từ điện thoại di động, máy tính đến đồ chơi và quần áo đến Nga.

Mối quan hệ thương mại Trung Quốc - Nga phát triển đáng kể kể từ năm 2014, khi phương Tây lần đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các thực thể của Nga liên quan đến vụ việc Moscow sáp nhập Crimea. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với Nga tăng lên đến 146,9 tỷ USD vào năm 2021, nhưng con số này chưa bằng 1/10 so với 1,6 nghìn tỷ USD trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ và EU.

Vì thế, một số nhà phân tích rằng, Trung Quốc sẽ không mạo hiểm để giúp Nga lách trừng phạt.

"Quan hệ Trung Quốc-Nga đang ở mức cao nhất trong lịch sử, nhưng hai nước không phải là một liên minh", ông Li Xin, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải bình luận và cho rằng, Trung Quốc sẽ khó mà đánh đổi lợi ích ở các thị trường phương Tây để giúp Nga vì Nga không phải là thị trường quá lớn" của nước này.

Đến nay, Trung Quốc vẫn cố gắng thể hiện vai trò trung lập của mình trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Quốc gia này đã nhiều lần tuyên bố rằng họ tôn trọng "chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia" đồng thời kêu gọi Nga và Ukraine giải quyết vấn đề thông qua ngoại giao.

Tuy nhiên, Robert L. Wilkie, cựu thứ trưởng bộ quốc phòng về nhân sự trong chính quyền Trump cho biết, ông tin Trung Quốc sẽ giúp Nga nếu các lệnh trừng phạt được áp đặt đối với Nga.

"Có rất nhiều lời bàn tán về việc các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga thực sự là một miếng bánh từ trên trời rơi xuống cho Trung Quốc bởi vì Trung Quốc hiện là chủ ngân hàng của Nga. Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ hỗ trợ Tổng thống Putin nếu phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt”, ông Wilkie nói.

Ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn ký các thỏa thuận năng lượng và thực phẩm rầm rộ với Nga. Trước chiến dịch quân sự vào Ukraine, Nga đã ký một thỏa thuận trị giá khoảng 20 tỷ USD để cung cấp cho Trung Quốc 100 triệu tấn than trong "những năm tới". Trước khi Nga tấn công Ukraine, Trung Quốc tuyên bố dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt trước đây trong việc nhập khẩu lúa mì Nga.

Mối quan hệ khăng khít giữa Nga và Trung Quốc còn được thể hiện bằng việc truyền thông Trung Quốc đưa tin, ông Tập và ông Putin đã tổ chức một cuộc điện đàm hôm thứ Sáu 25/2, trong đó họ thảo luận về tình hình ở Ukraine. Theo các bản tin, ông Tập không lên án hay yêu cầu Nga rút quân mà chỉ nhấn mạnh lại quan điểm, Trung Quốc ủng hộ Nga và Ukraine giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem