Chính phủ ban hành nghị định thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế

Trần Hòe Thứ năm, ngày 20/10/2022 19:01 PM (GMT+7)
Quỹ bảo tồn di sản Huế là quỹ quốc gia do Chính phủ thành lập và giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý. Mục đích của quỹ là nhằm huy động nguồn lực để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế…
Bình luận 0

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Nghị định số 84/2022/NĐ-CP về việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế và quy chế hoạt động của quỹ này. 

Chính phủ ban hành nghị định thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế  - Ảnh 1.

Di tích Điện Thái Hòa - công trình di tích nổi tiếng và quan trọng bậc nhất của ở khu vực Hoàng Cung Huế đang được tiến hành hạ giải để thực hiện trùng tu, bảo tồn tổng thể. Ảnh: Trần Hòe.

 Theo đó, Quỹ bảo tồn di sản Huế là quỹ quốc gia do Chính phủ thành lập và giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý. Mục đích của quỹ là nhằm huy động nguồn lực để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí chưa đủ. 

Quỹ bảo tồn di sản Huế hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, không vì mục tiêu lợi nhuận. Quỹ có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tiền gửi đối với nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước tại kho bạc nhà nước và mở tài khoản tiền gửi đối với nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tại kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại. 

Quỹ bảo tồn di sản Huế có 6 nhiệm vụ gồm: Tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính của quỹ theo quy định; tài trợ cho các dự án, đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ; thực hiện chế độ báo cáo, kế toán theo quy định; chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; công bố công khai về quy chế hoạt động, kết quả hoạt động của quỹ, báo cáo tình hình thực hiện quỹ theo quy định; các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. 

Chính phủ ban hành nghị định thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế  - Ảnh 2.

Du khách tham quan di sản Huế. Ảnh: Hoàng Lê.

Về cơ chế tài chính, nguồn tài chính của quỹ gồm: Nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (không bao gồm ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế); nguồn đóng góp, viện trợ và tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn tồn dư quỹ hàng năm; nguồn lãi từ tài khoản tiền gửi và các nguồn hợp pháp khác (nếu có).

Các nội dung chi của quỹ gồm: Thực hiện các công trình, hạng mục trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế do nhà nước quản lý và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ; thực hiện các công trình, hạng mục trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế không do nhà nước quản lý; thực hiện các công trình, hạng mục trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế cụ thể theo yêu cầu của bên tài trợ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem