Chính phủ Pháp trao trả Nam Kỳ cho Việt Nam

Thứ hai, ngày 04/09/2017 13:30 PM (GMT+7)
Trong suốt hơn ba thế kỷ, nhiều thế hệ người Việt Nam đã đổ biết bao công sức để dựng xây và bảo vệ vùng đất Nam Bộ. Đây không đơn thuần chỉ là vấn đề chủ quyền lãnh thổ mà cao hơn thế, còn là vùng đất của những giá trị thiêng liêng.
Bình luận 0

Tạp chí Khám phá trân trọng gửi tới quý độc giả loạt bài “Chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ” của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, hiện đang công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Những nghiên cứu của GS-TS Vũ Minh Giang trong nhiều năm qua được tập hợp những nét cơ bản trong loạt bài này, đưa tới cho độc giả cái nhìn toàn diện và sâu sắc về những vấn đề để khẳng định chủ quyền vững chắc của Việt Nam với vùng đất Nam Bộ.

Trước những thắng lợi liên tiếp của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ngày 4.6.1949, tổng thống Vincent Aurol ký Bộ luật số 49 – 733 trả lại Nam Kỳ cho chính quyền Bảo Đại. Trong Bộ luật còn có chữ ký của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp.

Giải thích những thắc mắc của vương quốc Campuchia về quyết định này, ngày 8.6.1949, Chính phủ Pháp đã có thư chính thức gửi quốc vương Sihanouk, trong đó có đoạn nói rõ: “Về pháp lý và lịch sử không cho phép Chính phủ Pháp trù tính các cuộc đàm phán song phương với Campuchia để sửa lại các đường biên giới của Nam Kỳ” vì “Nam Kỳ đã được An Nam nhượng cho Pháp theo các Hiệp ước năm 1862 và 1874…. chính từ triều đình Huế mà Pháp nhận được toàn bộ miền Nam Việt Nam… về pháp lý, Pháp có đủ cơ sở để thoả thuận với Hoàng đế Bảo Đại việc sửa đổi quy chế chính trị của Nam Kỳ”.

Trong bức thư đó, Chính phủ Pháp còn khẳng định: “Thực tế lịch sử ngược lại với luận thuyết cho rằng miền Tây Nam Kỳ vẫn còn phụ thuộc triều đình Khmer lúc Pháp tới ” và “Hà Tiên đã được đặt dưới quyền tôn chủ của Hoàng đế An Nam từ năm 1715 và kênh nối Hà Tiên với Châu Đốc được đào theo lệnh của các quan An Nam từ nửa thế kỷ trước khi chúng tôi đến”.

Vậy là đến năm 1949, vùng đất Nam Bộ, vốn từng bị triều Nguyễn “bán” cho Pháp, đã được trả lại bằng một văn bản có giá trị pháp lý. Chính phủ Pháp còn khẳng định những cơ sở lịch sử và luật pháp của văn bản này với vương quốc Campuchia. Từ đó về sau, chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ liên tục được tất cả các Hiệp định định có giá trị pháp lý quốc tế như Hiệp định Genève (1954), Hiệp định Paris (1973) công nhận.

img

Khu vực Bến Nghé - nơi những cư dân miền Trung đầu tiên vào lập làng ấp.

Chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ không chỉ được khẳng định bởi tính chính đáng trong quá trình thụ đắc lãnh thổ, cũng như công lao của Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vùng lãnh thổ này suốt từ thế kỷ XVII đến nay, mà còn phù hợp với nguyên tắc uti possidetis (tôn trọng nguyên trạng), phù hợp thông lệ và các công ước quốc tế hiện hành.

Vùng đất Nam Bộ vốn là một địa bàn giao tiếp và đã từng có nhiều lớp cư dân đến khai phá. Vào khoảng đầu công nguyên, cư dân vùng đất này đã xây dựng nên nhà nước Phù Nam. Trong thời kỳ phát triển nhất vào khoảng thế kỷ V-VI, Phù Nam đã mở rộng ảnh hưởng và trở thành một đế chế rộng lớn với nhiều thuộc quốc phân bố ở phía nam bán đảo Đông Dương và bán đảo Malaca.

Vào đầu thế kỷ VII, đế chế Phù Nam tan rã, nước Chân Lạp của người Khmer, vốn là một trong những thuộc quốc của Phù Nam ở vùng Tongle Sap đã tấn công đánh chiếm vùng hạ lưu sông Mêkông (tương đương với vùng đất Nam Bộ ngày nay).

img

Chân dung Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh - người có công mở cõi vùng đất Sài Gòn - Gia Định và Nam Bộ

Tuy nhiên, trong suốt thời gian gần 10 thế kỷ, vùng đất Nam Bộ không đựơc cai quản chặt chẽ và gần như bị bỏ hoang. Từ cuối thế kỷ XVI và đặc biệt là từ đầu thế kỷ XVII, dưới sự bảo hộ của các chúa Nguyễn người Việt đã từng bước khai phá vùng đất này.

Người Việt đã nhanh chóng hoà đồng với các cộng đồng cư dân tại chỗ và cùng những cư dân mới đến (người Hoa) mở mang, phát triển Nam Bộ thành một vùng đất trù phú. Cũng từ đây người Việt là cư dân chủ thể và thực sự quản vùng đất này. Từ đó đến nay, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đã được khẳng định không chỉ bằng thực tế lịch sử mà còn trên các văn bản có giá trị pháp lý, được cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Trong suốt hơn ba thế kỷ với biết bao thăng trầm của lịch sử, nhiều thế hệ người Việt Nam (với ý nghĩa cộng đồng cư dân đa dân tộc) đã đổ biết bao công sức để dựng xây và bảo vệ vùng đất Nam Bộ. Mỗi tấc đất nơi đây đều thấm đẫm mồ hôi và máu. Chính vì thế, đối với mỗi người dân Việt Nam, Nam Bộ không đơn thuần chỉ là vấn đề chủ quyền lãnh thổ mà cao hơn thế, còn là vùng đất của những giá trị thiêng liêng.

PV (Khám Phá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem