Kể từ khi ông Shinzo Abe tuyên bố từ chức hồi cuối tháng trước, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga đã được nhắc đến như người kế nhiệm tiềm năng.
Hôm 14/9, ông Yoshihide Suga chính thức trở thành người kế nhiệm Shinzo Abe trên cương vị lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do với 377 phiếu bầu, bỏ xa các đối thủ gồm cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba (68 phiếu) và cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (89 phiếu). Với kết quả này, gần như chắc chắn ông Suga sẽ thay người tiền nhiệm Abe giữ ghế Thủ tướng Nhật Bản cho đến hết nhiệm kỳ vào tháng 9/2021.
Ông Suga chính thức trở thành người kế nhiệm Shinzo Abe trên cương vị lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do, đồng nghĩa với việc nắm chắc ghế Thủ tướng
Ông Suga kế thừa nhiều quan điểm ở Thủ tướng Abe, nhất là sự đồng thuận về chính sách cải cách kinh tế Abenomics. Ông cũng là đồng minh thân cận và cánh tay đắc lực của Abe trong gần 1 thập kỷ kể từ khi ông Abe đắc cử Thủ tướng Nhật Bản lần thứ hai vào năm 2012.
Shinzo Abe được biết đến như “Hoàng tử chính trị của Nhật Bản” với xuất thân trong một gia tộc truyền thống chính trị, cha là cựu Bộ trưởng Ngoại giao và ông ngoại là cựu Thủ tướng. Nhưng người kế nhiệm tiềm năng của ông, Yoshihide Suga thì khác biệt hoàn toàn. Xuất thân của ông từng là một trở ngại lớn trong hệ thống chính trị đảng phái coi trọng phả hệ như Nhật Bản.
Yoshihide Suga lớn lên trong một gia đình nông dân ở tỉnh Akita. Cha ông, ông Wasaburo sở hữu một trang trại trồng dâu tây còn mẹ ông, bà Tatsu là giáo viên dạy học. Suga chuyển đến Tokyo từ thời trung học và đỗ vào đại học Hosei năm 1969. Tại đây, ông phải làm đủ mọi nghề nghiệp để trang trí học phí Đại học đắt đỏ ở Thủ đô: từ công nhân trong nhà máy sản xuất bìa cứng cho đến bán cá tại chợ cá Tsukiji.
Tốt nghiệp Đại học, Suga từng tìm kiếm một công việc văn phòng nhưng không thể gắn bó lâu dài bởi niềm đam mê tuyệt đối của ông nằm ở con đường chính trị. Sau nhiều tháng ròng suy nghĩ, Yoshihide Suga quyết định ứng cử hội đồng thành phố Yokohama, bắt đầu con đường làm chính trị dù kinh nghiệm và mối quan hệ chỉ là con số 0. Ông bù đắp tất cả những thiếu hụt ấy bằng sự kiên trì và lòng dũng cảm phi thường.
Trong chiến dịch tranh cử vào hội đồng thành phố Yokohama khi ấy, Yoshihide Suga đã gõ cửa từng nhà khắp 30.000 người dân để vận động. Mỗi ngày, “người đàn ông thép” ghé thăm 300 ngôi nhà. Cho đến khi cuộc bầu cử diễn ra, Suga đi hết 6 đôi giày.
Chiến dịch tranh cử đó đã thay đổi cuộc đời Yoshihide Suga, đưa ông vào giới chính trị Nhật Bản. Cơ hội lớn đến vào năm 1996 khi con trai một thành viên lớn tuổi tại Hạ viện Nhật Bản, người được kỳ vọng sẽ tiếp quản ghế của cha mình bất ngờ qua đời, để lại một cơ hội tranh cử vào Đảng Dân chủ Tự do. Với nỗ lực không mệt mỏi, Yoshihide Suga giành được ghế vào Đảng ở tuổi 47.
Suga trở nên thân thiết với Abe bởi niềm khát vọng chung là đưa công dân Nhật Bản bị bắt cóc sang Triều Tiên những năm 1970-1980 hồi hương. Khi ông Abe đắc cử Thủ tướng nhiệm kỳ 2006, Suga đồng thời tiến vào Nội các Nhật Bản. Suga cũng là người đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Abe trở lại ghế Thủ tướng năm 2012.
Yoshihide Suga cũng là đồng minh quan trọng của Abe trong việc ban hành chính sách kinh tế Abenomics - sự kết hợp giữa kích thích tiền tệ, tăng chi tiêu chính phủ và cải cách cơ cấu để thúc đẩy nền kinh tế trì trệ của Nhật Bản.
Yoshihide Suga là đồng minh đắc lực của ông Shinzo Abe
Nổi tiếng là người cuồng công việc, ông Suga thức dậy mỗi 5 giờ sáng hàng ngày, dành một giờ để kiểm tra tin tức buổi sáng, 1 giờ cho thể dục và có mặt tại văn phòng Thủ tướng 9 giờ sáng hàng ngày. Rời văn phòng lúc 6:45 phút chiều, ông Suga tiếp tục các buổi gặp gỡ, ăn tối với những chính trị gia, học giả để trao đổi các quan điểm về chính sách. Tờ Kyodo News cho hay ít khi ông Suga ngủ tại nhà, mà thường xuyên nghỉ tại ký túc xá chính phủ để đề phòng phát sinh các trường hợp khẩn cấp.
Kazuto Suzuki, phó trưởng khoa kiêm giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Hokkaido nhận định: “Nếu trở thành Thủ tướng, Suga sẽ là “người thay thế Abe””.
Sau khi đắc cử Thủ tướng năm 2012, ông Abe lập tức bắt tay thúc đẩy chính sách kinh tế Abenomics tập trung vào 3 mũi nhọn: nới lỏng tiền tệ, tăng chi tiêu chính phủ và cải tổ cấu trúc nền kinh tế. Mục tiêu là hồi sinh kinh tế Nhật Bản sau hàng thập kỷ tăng trưởng chậm và giảm phát.
Không thể phủ nhận, ông Abe đã gặt hái được nhiều thành công nhờ Abenomics. Chương trình kích thích phối hợp với Ngân hàng Trung Ương đã góp phần đưa đồng JPY yếu đi, làm cho xuất khẩu Nhật Bản tăng trưởng và kinh tế Nhật Bản bớt trì trệ. Tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm theo từng năm. Động lực nền kinh tế được đổi mới.
Shinzo Abe từ chức trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái vì cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Nợ chính phủ lớn và dân số ngày một già đi đe dọa sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Nợ dài hạn quốc gia hiện lên tới 10,4 nghìn tỷ USD, gấp đôi quy mô GDP quốc gia. Bất chấp chính sách kinh tế Womenomics và lời kêu gọi cải cách vấn đề bình đẳng giới trong các ngành nghề, các nhà quan sát chỉ ra rằng ông Abe không làm được nhiều trong việc giải quyết khoảng cách giới hay đưa phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực kinh tế và chính trị. Bên cạnh đó, Abenomics không khuyến khích được tăng chi tiêu tại các doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp Nhật Bản tích trữ lượng tiền mặt “chết” rất lớn.
Người kế nhiệm ông Abe giờ đây phải hoàn thành nhiều công việc dở dang, nhất là khi chính sách kinh tế Abenomics trước đây vấp phải những nghi ngờ. “Có nhiều ý kiến cho rằng Abenomics không còn phù hợp, thậm chí đang gây ra những tác động tiêu cực. Vì vậy, cá nhân tôi cho rằng trọng tâm của người kế nhiệm ông Abe là đề xuất cải cách, sửa đổi chính sách này” - nhận định của ông Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin. “Dù ai làm thủ tướng, ưu tiên tiên quyết sẽ là kiểm soát đại dịch Covid-19 và phục hồi nền kinh tế”.
Có rất nhiều điểm tương đồng giữa Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe và chính sách kinh tế mà người kế nhiệm tiềm năng - ông Yoshihide Suga đang theo đuổi.
Hồi đầu tháng 9, ông Suga đề xuất tiếp tục tăng thuế tiêu dùng vượt mức 10% trong tương lai dài hạn do dân số Nhật Bản đang có xu hướng già đi nhanh chóng. “Trong tương lai, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng thuế một lần nữa, sau khi thực hiện xong các cải cách hành chính triệt để… Dù chúng tôi có cố gắng đến đâu, dân số Nhật Bản cũng sẽ ngày càng thu hẹp”. Điều này tương tự như chính sách tăng thuế tiêu thụ 2 lần trong nhiệm kỳ 8 năm của ông Abe. Abe đã tăng mức thuế tiêu dùng lên 8% vào năm 2014 và sau đó tăng tiếp lên 10% vào tháng 10/2019.
Tuy nhiên trong ngắn và trung hạn, ông Suga khẳng định: “Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng nước ta không cần tăng thuế tiêu dùng trong 10 năm tới. Tôi cũng có chung ý kiến như vậy”.
Yoshihide Suga có nhiều điểm tương đồng chính sách với người tiền nhiệm Shinzo Abe
Yoshihide Suga cũng báo hiệu sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ - một trong 3 mũi nhọn kinh tế trong chính sách Abenomics dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe. “Tôi muốn làm việc với Ngân hàng Trung Ương Nhật Bản (để nới lỏng chính sách tiền tệ) như Thủ tướng Abe đã làm”. Điều 3 Đạo luật Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nói rằng "quyền tự chủ về tiền tệ và kiểm soát tiền tệ sẽ được tôn trọng", nhưng Điều 4 Đạo luật này kêu gọi các Ngân hàng Trung Ương “duy trì liên hệ chặt chẽ với chính phủ” để đảm bảo hệ thống chính sách tương thích. Do đó, năm 2013, Ngân hàng Trung Ương Nhật Bản đã đưa ra tuyên bố chung với chính quyền ông Abe về việc nới lỏng chính sách tiền tệ để đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát.
Ông Suga thậm chí còn ám chỉ sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn, dù rằng nhiều chuyên gia cảnh báo việc lãi suất ngày càng đi xuống sẽ gây ra nhiều phản ứng tiêu cực. “Việc nới lỏng hơn nữa sẽ làm dấy lên mối lo ngại rằng những đối tượng hưu trí trong tương lai sẽ nhận được ít tiền mặt hơn, điều này làm cho các cá nhân có xu hướng tiết kiệm hơn”.
Takashi Hiroki, chiến lược gia trưởng tại Monex Securities nhận định: “Ông ta (Suga) sẽ là người kế thừa các chính sách của Abe. Sẽ không có khoảng trống chính trị nào cả”.