Sau thời ông Abe, Tokyo có đoạn tuyệt với Bắc Kinh?

Nguyễn Thái - Thời báo Hoàn cầu Thứ hai, ngày 14/09/2020 21:25 PM (GMT+7)
Một câu hỏi nữa cũng được các chuyên gia Trung Quốc giải đáp là: "Bắc Kinh sẽ làm gì nếu Tokyo có hành động khiêu khích?"
Bình luận 0

img

3 ứng cử viên cho vị trí Thủ tướng Nhật Bản (từ trái sang phải): Cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga và Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shigeru Ishiba. Ảnh: Nikkei Asian Review

Thời báo Hoàn cầu hôm 13/9 đưa tin, đảng Dân chủ tự do (LDP) của Nhật Bản hôm 14/9 sẽ bầu ra nhà lãnh đạo mới và đồng thời là người kế nhiệm vị trí Thủ tướng Nhật Bản mà ông Abe Shinzo để lại. Tuy nhiên, khi thái độ cứng rắn của Tokyo với Bắc Kinh gần đây gia tăng, dẫn đến sự bất ổn trong quan hệ Trung - Nhật, các nhà phân tích Trung Quốc cảnh báo rằng mối quan hệ song phương Trung - Nhật "hậu thời kỳ Abe" nếu xấu đi sẽ gây ra tổn hại rõ rệt cho Tokyo. 

Theo các chuyên gia Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ xử lý tác động tùy theo sự thay đổi của tình hình quốc tế, trong khi lãnh đạo mới của Nhật Bản được cho là sẽ không từ bỏ những lợi ích đã đạt được dưới sự hợp tác của 2 nước trong vài năm qua. 

Những tuyên bố đầy "tính thù địch" của các ứng viên Thủ tướng thuộc đảng cầm quyền LDP có thể chỉ là một hình thức làm hài lòng các lực lượng bảo thủ, thân Mỹ trong đảng để giành được sự ủng hộ của họ. Vì vậy, lợi ích cốt lõi của Trung Quốc có bị thách thức "hậu thời kỳ Abe" hay không chưa thể xác định. 

Ba ứng cử viên cạnh tranh vào vị trí người kế nhiệm ông Abe là Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, người được xem là "cánh tay phải" của ông Abe trong gần 8 năm qua; Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shigeru Ishiba và Cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, người hiếm hoi trong đảng LDP chỉ trích ông Abe. 

Hôm 12/9, ông Suga hứa giữ vững lập trường với Bắc Kinh, nói rằng không ngại bày tỏ thẳng thắn quan điểm của Nhật Bản với Trung Quốc nếu được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản, tờ Nikkei Asian Review của Nhật Bản đưa tin. 

"Nếu cần phải đưa ra những nhận định thẳng thắn, tôi sẽ nêu chúng trong các cuộc đàm phán cấp cao giữa 2 bên", ông Suga tuyên bố trong cuộc tranh luận với 2 đối thủ của ông.  

Cuộc tranh luận, diễn ra hôm 12/9 tại Câu lạc bộ báo chí quốc gia Nhật Bản ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, được tổ chức trước cuộc bầu cử hôm 14/9. Kể từ khi liên minh do đảng LDP dẫn đầu kiểm soát cả 2 viện của quốc hội, người nào nắm giữ chức lãnh đạo đảng LDP cũng đồng nghĩa giữ chức Thủ tướng Nhật Bản. 

Ông Ishiba, đối thủ chính của ông Suga, thậm chí còn thể hiện thái độ cực đoan và hiếu chiến hơn với Trung Quốc trong cuộc tranh luận hôm 12/9. Theo trang Can.com (Đài Loan), ông Ishiba tuyên bố rằng quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư là "lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản", đồng thời các chính sách gần đây của Trung Quốc với Hong Kong sẽ tác động đến đảo Đài Loan và Nhật Bản sẽ không "khoanh tay đứng nhìn". 

Da Zhigang, giám đốc Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, thuộc Học viện Khoa học Xã hội tỉnh Hắc Long Giang, và trưởng nhóm chuyên gia tại Viện nghiên cứu chiến lược Đông Bắc Á, nhận định, lập trường cứng rắn của các ứng viên Thủ tướng Nhật Bản với Trung Quốc không nhất thiết dẫn đến "dấu chấm hết" cho quan hệ Trung - Nhật. 

"Nhật Bản sẽ không hoàn toàn từ bỏ các hợp tác đã đạt được trong những lần đàm phán trước đó, nhất là liên quan tới kinh tế và thương mại", ông Zhigang nhận định.

Lü Yaodong, giám đốc Viện nghiên cứu Nhật Bản, thuộc Học viện Khoa học và Xã hội Trung Quốc, chia sẻ với Hoàn cầu rằng luận điểm cứng rắn của các ứng cử viên Thủ tướng Nhật Bản với Bắc Kinh là để phục vụ mục đích tranh cử. 

"Chúng tôi sẽ nghiên cứu lại các chính sách của họ sau khi kết quả bầu cử đã ngã ngũ. Suga tuyên bố sẽ kế thừa chính sách đối nội và đối ngoại của ông Abe. Nhưng chúng ta chỉ có thể biết điều đó khi ông ấy nhậm chức", Yaodong nói. 

img

Quan hệ Trung - Nhật hậu thời kỳ ông Abe sẽ "khắc nghiệt" hơn? Ảnh minh họa: Getty

Trước khi tuyên bố từ chức, ông Abe đang nỗ lực để hiện thực hóa một thỏa thuận hợp tác ba bên với Trung Quốc và Hàn Quốc, nhằm thúc đẩy khôi phục kinh tế hậu đại dịch Covid-19 ở khu vực Đông Bắc Á. Tuy nhiên, do mối quan hệ ngày càng xấu đi với Trung Quốc, Hàn Quốc cùng sự can thiệp từ Mỹ, Nhật Bản sẽ khó có thể tiếp tục xây dựng thỏa thuận này. Và điều này là tổn thất lớn cho Nhật Bản và khu vực, các nhà phân tích nhận định. 

Yaodong cho rằng, về lâu dài, sẽ luôn có những vấn đề giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Ông nói: "Nhưng hai bên nên ngồi lại và đàm phán với nhau, có tính đến những thay đổi trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, và sau đó đưa ra các biện pháp chung để cải thiện quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản. 

"Trung Quốc sẽ áp dụng các chiến lược khác nhau để ứng phó phù hợp với sự thay đổi trên trường quốc tế", ông Yaodong nói và nhắc đến kết quả bầu cử Mỹ. 

"Một mặt, Trung Quốc sẽ trả đũa Nhật Bản nếu Tokyo thực hiện các hành động khiêu khích trong tương lai. Mặt khác, Bắc Kinh cũng phát đi các tín hiệu thân thiện để khuyến khích Tokyo tăng cường hợp tác đôi bên cùng có lợi", ông Zhigang nhận định. 

"Trung Quốc sẽ làm mọi thứ tốt đẹp cho bức tranh toàn cảnh của quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản nhưng không có chỗ cho đàm phán và thỏa hiệp khi liên quan đến lợi ích cốt lõi của quốc gia, như các vấn đề chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Hong Kong và đảo Đài Loan", ông Zhigang nói thêm.

Dù 3 ứng viên Thủ tướng Nhật Bản giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc, họ vẫn mong muốn Tokyo giữ vai trò đặc biệt trên trường quốc tế - làm trung gian hòa giải căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington. 

Nếu Nhật Bản thực sự làm được điều đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ hoan nghênh. Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản không phải là một quốc gia phù hợp để làm trung gian hòa giải giữa Mỹ và Trung Quốc. Lý do là vì một lượng lớn quân đội Mỹ vẫn đồn trú ở Nhật Bản. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem