Chính sách BHXH dành cho lao động bị tai nạn trên đường đi làm

PV Thứ hai, ngày 22/04/2024 05:54 AM (GMT+7)
Nhờ có Quỹ Tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp khi tham gia BHXH, lao động được trợ giúp khi bị tai nạn, đau ốm.
Bình luận 0

Tháng 4/2023, anh Nguyễn Xuân Ngọc ở xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh là công nhân tại Công ty TNHH công nghệ Cosmos 1, Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì gặp tai nạn giao thông trên đường từ công ty về nhà. 

Vụ va chạm khiến anh bị chấn thương vai phải, chấn thương ngực kín do ngã, chấn động não, gãy cổ xương cánh tay phải và suy giảm khả năng lao động 45%. Sức khỏe yếu nên từ sau khi bị tai nạn đến nay, anh Ngọc vẫn phải ở nhà điều trị phục hồi, chưa thể đi làm trở lại. 

Hiện nay, số tiền trợ cấp hằng tháng là 1.288.330 đồng từ Quỹ TNLĐ-BNN và hơn 4 triệu đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã giúp gia đình anh phần nào giảm bớt gánh nặng. 

Chính sách BHXH dành cho lao động bị tai nạn trên đường đi làm - Ảnh 1.

Nhờ có Quỹ Tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN), nhiều lao động bị tai nạn, ốm đau đã được trợ giúp phần nào. (Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Bách Đặc Lợi Phú Thọ (KCN Thụy Vân - Việt Trì - Phú Thọ). Ảnh Thanh Thanh)

Anh Ngọc chia sẻ: "Khi bị tai nạn, tôi càng hiểu hơn ý nghĩa của việc tham gia BHXH. Nếu không nhận được trợ cấp từ các chế độ chính sách BHXH, tôi không biết phải làm thế nào và gia đình tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.

Theo quy định, người lao động được chi trả chế độ TNLĐ-BNN trong trường hợp suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên và bị TNLĐ tại nơi làm việc, trong giờ làm việc; gặp tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động; tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc (trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý)…

Theo từng mức độ suy giảm khả năng lao động, người lao động sẽ được hưởng chế độ với các mức khác nhau. 

Cụ thể suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần bằng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở; 

Suy giảm từ 31% trở lên được hưởng trợ cấp hằng tháng với mức hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 2% mức lương cơ sở; 

Suy giảm sức khỏe từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị tâm thần thì ngoài các mức hưởng theo quy định hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở. 

Trường hợp người lao động làm việc bị chết do TNLĐ-BNN hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do TNLĐ, BNN thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở. 

Ngoài các khoản trợ cấp trên, người bị TNLĐ-BNN còn được chi trả chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị thương tật, bệnh tật; được cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình khi bị tổn thương chức năng hoạt động của cơ thể…

Báo cáo của BHXH Phú Thọ cho biết, tính đến hết tháng 3/2024 toàn tỉnh Phú Thọ có 2.483 người đang được hưởng chế độ trợ cấp TNLĐ-BNN hằng tháng.

Tổng kinh phí trợ cấp chế độ TNLĐ-BNN hàng tháng năm 2023 là gần 31 tỷ đồng và quý I/2024 hơn 8,4 tỷ đồng.

Để chi trả các chế độ kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho người lao động, BHXH tỉnh Phú Thọ đã tích cực rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, nghiệp vụ; nâng cao trình độ chuyên môn, tác phong, thái độ phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động toàn ngành…

Công tác chi trả trợ cấp TNLĐ-BNN luôn được BHXH tỉnh Phú Thọ thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định đã trở thành “điểm tựa” giúp người lao động vượt qua khó khăn, trang trải cuộc sống khi không may gặp rủi ro.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem