Chính sách hỗ trợ nông nghiệp tại Bình Định: Nghị quyết thì hay, thực hiện lại "gay trăm bề"

Dũ Tuấn Thứ sáu, ngày 03/05/2024 09:46 AM (GMT+7)
Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bình Định đang gặp phải tình trạng "cái gì cũng có, cũng làm", nhưng hiệu quả tạo đột phá lại không lớn.
Bình luận 0

Phiên họp thứ 9 về giải trình, chất vấn việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh Bình Định trên lĩnh vực nông nghiệp đã "nói thẳng, nói thật". Từ đây, vỡ lở loạt vấn đề, tồn tại khiến chính sách chưa đi vào cuộc sống và trách nhiệm của cán bộ, chính quyền đối với dân cũng đang dần "lộ diện".

"Một số cơ quan chuyên môn, lãnh đạo chưa hẳn đã đọc Nghị quyết?"

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ 20 xác định, 3 trụ cột phát triển chính, gồm: Nông nghiệp, công nghiệp và thương mại - dịch vụ.

Hiện nay, 60% dân của Bình Định đang ở nông thôn nên việc lãnh đạo tỉnh này quan tâm đến chính sách lĩnh vực nông nghiệp, cũng là đang giải quyết vấn đề của đa số người dân, để họ sống được trên mảnh đất quê hương.

Nhiệm kỳ 2021 – 2026, UBND tỉnh Bình Định triển khai thực hiện 10 Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, mà HĐND tỉnh đã ban hành.

Ngoài các Nghị quyết mang lại hiệu quả tích cực, giúp cải thiện cuộc sống nông dân, thì vẫn còn nhiều Nghị quyết chưa triển khai "đến nơi đến chốn", chưa đi vào cuộc sống.

Phải kể đến như: Nghị quyết số 06/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh Bình Định về chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022-2026, đến nay đã gần 2 năm, nhưng số hộ dân tham gia rất khiêm tốn, chỉ vỏn vẹn 7 hộ dân.

Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 của HĐND tỉnh về Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, giai đoạn 2019-2025, triển khai gần 5 năm nhưng nhiều nội dung chưa thể thực hiện.

Chính sách hỗ trợ nông nghiệp tại Bình Định: Nghị quyết thì hay, thực hiện lại "gay trăm bề"- Ảnh 1.

Nghị quyết của HĐND tỉnh Bình Định về chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi được ban hành gần 2 năm, đến nay chỉ vỏn vẹn có 7 hộ dân tham gia. Về vấn đề này, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, đã lên tiếng nhận khuyết điểm. Ảnh: DT.

Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mục tiêu giai đoạn 2019-2025, có 77 dự án/kế hoạch được hỗ trợ (gồm 17 dự án, 60 kế hoạch). Đến nay, chỉ có 40 dự án/kế hoạch được hỗ trợ (5 dự án, 35 kế hoạch), đạt 51,9%. Kết quả thực tế so với mục tiêu đề ra, còn rất thấp, không như kỳ vọng.

Nghị quyết số 33/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2022-2026. Đến nay, việc thực hiện chính sách, mới ở bước hướng dẫn và đăng ký dự án (lĩnh vực trồng trọt 10 dự án/6 địa phương; lĩnh vực chăn nuôi 16 hộ/6 địa phương; riêng lĩnh vực thủy sản chưa có đăng ký).

Chính sách hỗ trợ nông nghiệp tại Bình Định: Nghị quyết thì hay, thực hiện lại "gay trăm bề"- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định nêu những vấn đề cần tháo gỡ khi triển khai Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Ảnh: DT.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Bí thư Huyện uỷ Phù Mỹ cho rằng, để triển khai Nghị quyết có hiệu quả sau khi HĐND tỉnh ban hành, lãnh đạo UBND tỉnh cần có cuộc họp, xác định rõ trách nhiệm của địa phương. Cách thức triển khai cần đồng thuận từ trên xuống dưới, trước khi đến người dân.

"Trách nhiệm Nghị quyết nói rất rõ nhưng thực tế về địa phương, một số cơ quan chuyên môn, lãnh đạo chưa hẳn đã đọc Nghị quyết, nên triển khai xuống cơ sở chưa thực sự tới người dân. Dẫn đến tình trạng triển khai Nghị quyết không hiệu quả", Bí thư Dũng thẳng thắn.

Chính sách không sát thực tế, lại thiếu kiểm tra giám sát

Bí thư Huyện uỷ Phù Mỹ còn nêu ra 2 vấn đề mang tính thời sự, cấp bách tại địa phương mình. Khi huyện này đã được đầu tư 2 dự án tốn rất nhiều tiền nhưng khi lập dự án triển khai, lại không sát với thực tế.

Dự án tăng trưởng xanh, tưới tiết kiệm ở xã Mỹ Tài được lập với mục tiêu tưới liên vùng, nhưng triển khai trên thực tế, lại khá manh mún.

Với mục tiêu chuyển đổi 350ha tưới tiết kiệm nhưng thực tế triển khai chỉ mới 20ha, khi bơm nước đã không đến được với vùng chuyển đổi.

Còn dự án bến cá Tân Phụng, bỏ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư nhưng nhiều năm nay, người dân không thể vào hoạt động. Vì dự án không phù hợp với điểm tập kết sản phẩm, tàu thuyền không ra vào được. Mặc dù, huyện đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa khắc phục.

"Hoàn thành dự án thì ai sẽ điều hành, kinh phí ở đâu thì cũng không rõ, nhiều việc chưa sát với thực tế của địa phương. Dự án được đầu tư nhưng lại không hiệu quả, rất lãng phí nguồn lực", Bí thư Huyện uỷ Phù Mỹ phân tích.

Chính sách hỗ trợ nông nghiệp tại Bình Định: Nghị quyết thì hay, thực hiện lại "gay trăm bề"- Ảnh 3.

Bến cá Tân Phụng, ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định được đầu tư xây mới với tổng kinh phí 26 tỷ đồng. Nhưng nhiều năm nay, bỏ hoang. Ảnh: DT.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định cho rằng, khi đưa Nghị quyết chính sách hỗ trợ về lĩnh vực nông nghiệp vào thực tiễn đã gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, một vài chính sách chưa thực sự hiệu quả.

Theo ông Tuấn Thanh, nguyên nhân chính của vấn đề, do quá trình nghiên cứu, đề xuất tham mưu ban hành chính sách chưa chặt chẽ, xuất phát từ cấp địa phương. Chính sách ban hành nhiều nhưng chưa đồng bộ, ở tất cả các khâu.

"Ban hành chính sách chuyển đổi cây trồng nhưng khi tiêu thụ thì chẳng có chính sách gì cả. Làm ra nhiều nhưng tiêu thụ không được thì nông dân chỉ còn đường "chết". Một số chính sách về chuyển đổi nghề, thì làm không thực tế", ông Tuấn Thanh nêu ví dụ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, quy mô nông nghiệp của tỉnh này còn nhỏ lẻ, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm tạo ra nguồn nguyên liệu lớn để thu hút doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm, còn bỏ ngỏ.

"Việc này, còn liên quan đến địa hình, thổ nhưỡng đất đai, nói thì đơn giản nhưng làm cực kỳ khó. Địa hình của Bình Định có diện tích 6.250km2 nhưng 2/3 là núi, còn lại đồng bằng rất ít. Hiện nay giao đất cho người dân, mỗi hộ chỉ 2-3 sào mà chủ yếu đất lúa. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ manh mún, nên việc liên kết, liền vùng liền thửa ứng dụng công nghệ cao, gặp rất nhiều khó khăn", ông Tuấn Thanh nói.

Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, chưa đủ mạnh, không đáp ứng được yêu cầu, nên doanh nghiệp chưa mặn mà.

Đặc biệt, việc triển khai chính sách chưa đến được người dân, thuộc về trách nhiệm kiểm tra giám sát mà theo ông Tuấn Thanh thì đây là "vấn đề tồn tại lớn nhất nhưng vẫn còn bỏ ngỏ", ngoài việc chính sách chưa đủ lực.

Trong khi đó, trách nhiệm hướng dẫn chuyên ngành của sở ngành, tổ chức thực hiện của địa phương, lại thiếu kiểm tra đôn đốc, thiếu sơ kết tổng kết, đánh giá.

"Cái gì cũng có, cũng làm nhưng đột phá lại không lớn"

Ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, trước những tồn tại, vướng mắc mà 10 Nghị quyết về lĩnh vực nông nghiệp đang triển khai, UBND tỉnh sẽ họp bàn, rà soát lại và có báo cáo, xin ý kiến HĐND tỉnh định hướng sửa chính sách.

"Tới đây, chúng tôi yêu cầu làm việc, rà soát rất kỹ với các địa phương, liên quan đến tiêu chí, kế hoạch, nguồn lực, triển khai cụ thể và chặt chẽ. Tất cả vướng mắc cần nói rõ để giải quyết, đến khi Thường vụ, HĐND họp bàn và đã duyệt, là triển khai được luôn. Tránh tình trạng chính sách chung chung, vướng nhiều thứ rồi cứ loay hoay, sợ trách nhiệm không dám triển khai", ông Phạm Anh Tuấn khẳng định.

Chính sách hỗ trợ nông nghiệp tại Bình Định: Nghị quyết thì hay, thực hiện lại "gay trăm bề"- Ảnh 4.

Ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Ảnh: DT.

Ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định nhìn nhận, thực trạng tại tỉnh này, quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ bé, manh mún, đất đai ít. Vì vậy, nhìn từ thực tiễn thì cần chính sách cho phù hợp, để nông dân có thể tham gia được.

Ngoài ra, còn hạn chế, lúng túng, chưa huy động được sự tham gia của doanh nghiệp, nhà đầu tư, HTX tiên phong trong sản xuất nông nghiệp.

Việc triển khai thực hiện chính sách, không đồng bộ, không đến nơi đến chốn, thậm chí một số chính quyền địa phương ít quan tâm. Chưa kể, nguồn lực dành cho việc triển khai chính sách cho nông nghiệp quá ít.

"Ban hành 10 Nghị quyết chính sách giống như làm cho đều, cái gì cũng có nhưng lại không đảm bảo đủ nguồn lực, để làm thay đổi tình hình ở nông thôn.

Mỗi chính sách triển khai được hỗ trợ bình quân chưa đến 10 tỷ đồng, thậm chí có cái chỉ 3-5 tỷ, như vậy thì không làm được gì cả", ông Hồ Quốc Dũng nói và cho rằng: "Với 10 chính sách đã ban hành thì "cái gì cũng có, cũng làm" nhưng sự đột phá lại không lớn. Cần thay đổi, không làm chính sách theo kiểu chỗ nào cũng có, nhưng không giải quyết được cái gì. Nếu không thay đổi cuộc sống ở nông thôn, thì không nên ban hành chính sách".

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định yêu cầu, cần đánh giá lại hiệu quả từng chính sách gắn với mục tiêu và kết quả theo từng giai đoạn, không triển khai lan man, đi nhưng không biết đích đến. Không được xảy ra tình trạng, triển khai chính sách mà "khi hỏi dân thì không biết, HTX lại không nắm".

Chính sách hỗ trợ nông nghiệp tại Bình Định: Nghị quyết thì hay, thực hiện lại "gay trăm bề"- Ảnh 5.

Ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định. Ảnh: DT.

Đặc biệt, HĐND tỉnh sau khi có Nghị quyết thì UBND tỉnh cần có cụ thể hoá, tránh lặp lại câu chuyện triển khai xuống địa phương, lại vướng mắc. Điều chỉnh chính sách đã ban hành theo hướng "đủ mạnh" và loại bỏ yếu tố không cần thiết.

"Thay vì 10 chính sách thì chỉ cần ban hành 6 chính sách, nhưng triển khai cái nào, thì hiệu quả cái đó. Thường trực HĐND tỉnh cần nghĩ cách phối hợp với UBND tỉnh, triển khai Nghị quyết giống như triển khai luật của Quốc hội. Phân công và giao trách nhiệm cụ thể, địa phương phải nắm và có tuyên truyền hiệu quả, để chính sách đi vào cuộc sống, đối tượng thụ hưởng biết và tham gia", Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem