Chính thức: Tạm ngưng xử phạt ô tô không lắp camera đến hết năm

09/07/2021 15:43 GMT+7
Tạm ngưng xử phạt ô tô không lắp camera đến hết năm được nhắc đến tại Nghị quyết 66/NQ-CP của Chính phủ ngày 01/7/2021

Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ quyết định tạm ngưng áp dụng đến hết ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hành ảnh trên xe (kể cả người lái xe).

Ngoài ra, với hành vi không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng được tạm ngưng xử phạt đến hết năm 2021.

Trước đó, do sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Giao thông Vận tải đã có Công văn 5521 ngày 14/6/2021 kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm xử phạt doanh nghiệp vận tải không lắp thiết bị giám sát hành trình (camera giám sát).

Chính thức: Tạm ngưng xử phạt ô tô không lắp camera đến hết năm - Ảnh 1.

Chính phủ đồng ý tạm dừng xử phạt vi phạm hành chính với xe chưa lắp camera hành trình. Ảnh: Lao Động

Cụ thể, Bộ này kiến nghị từ nay đến hết 31/12/2021 chưa xử lý vi phạm hành chính với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera giám sát của xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo.

Với xe vận tải hành khách thì từ nay đến hết ngày 30/6/2022 chưa xử lý vi phạm hành chính quy định lắp đặt camera lên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 09 chỗ trở lên.

Cũng theo Nghị quyết 66, Chính phủ đã nêu ra quan điểm, định hướng sửa đổi một số dự án luật và nghị định. Đơn cử với dự án Luật cảnh sát cơ động, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết của dự án luật nhưng không quy định trong luật về cơ cấu tổ chức của cảnh sát cơ động, chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động.

Tuy vậy, sẽ quy định chặt chẽ các trường hợp cảnh sát cơ động được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ lên tàu bay, tàu thủy; phân định rõ thẩm quyền, phạm vi đối với việc ngăn chặn, vô hiệu hóa các phương tiện bay không người lái…

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ, Chính phủ đổi tên thành dự án Luật sở hữu trí tuệ (sửa đổi). Theo đó, định hướng xây dựng luật sẽ thu hẹp các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý bằng biện pháp hành chính, và chỉ áp dụng với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng.

Các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự.

Đối với việc sửa đổi Luật đất đai, Chính phủ cũng cơ bản thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi, giao bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến thẩm định, khẩn trương hoàn thiện các nội dung chính sách, bảo đảm bao quát, khả thi, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến và hoàn chỉnh, trình Chính phủ ký trước ngày 15-7.

Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, Chính phủ yêu cầu khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế, pháp luật, huy động các nguồn lực để thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Hạn chế tối đa việc xin điều chỉnh chương trình, nhất là xin lùi, rút dự án, khắc phục triệt để việc chậm, nợ văn bản…



PV
Cùng chuyên mục