Chịu sức ép từ Mỹ, hàng Trung Quốc sẽ tìm Việt Nam để "giải tỏa"?

07/08/2019 17:14 GMT+7
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm sút, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, giá trị xuất khẩu đi xuống… do sức ép phải chịu từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, có khả năng Trung Quốc sẽ tìm một nơi như Việt Nam để giải toả áp lực.

chiu suc ep donald trump, trung quoc se tim viet nam de giai toa? hinh anh 1

Cuộc đấu trí giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình khiến giới đầu tư không tránh khỏi tâm lý lo ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ. (Ảnh minh hoạ)

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn luôn căng thẳng, nếu tính từ thời điểm bắt đầu cách đây 18 tháng. Tới nay, chưa có bất cứ bên nào giành được lợi thế thực sự rõ rệt trước đối phương, nhưng những diễn biến mới nhất trong cuộc đấu trí giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình khiến giới đầu tư và chuyên gia không tránh khỏi tâm lý lo ngại.

Theo đó, sau thông tin Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo ngừng mua nông sản Mỹ để đáp trả việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ áp thuế bổ sung 10% với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, Đồng Nhân dân tệ (NDT) đã rớt ngưỡng 7 đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ năm 2008. Từ đây, nỗi lo về một cuộc chiến tranh tiền tệ dần hiện hữu.

Ưu và khuyết điểm của Việt Nam sẽ bộc lộ trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Về phía các chuyên gia Việt Nam, trong một lần trao đổi với người viết vào tháng 10/2018, thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xuất hiện dấu hiệu leo thang, TS. Lê Đăng Doanh từng dẫn chứng câu chuyện Tào Tháo chiêu dụ Quan Vũ trong Tam quốc diễn nghĩa nhằm bày tỏ nỗi lo của mình đối với DN Việt Nam.

Khi đó, ông Lê Đăng Doanh nhận định: “Tác động về cán cân thương mại rất rõ ràng. Giá trị hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ là 503 tỷ USD, giờ không xuất khẩu được họ sẽ tìm kiếm thị trường khác và Việt Nam là một thị trường gần gũi với họ.

Trung Quốc sẽ tìm cách đi cả cửa trước và cửa sau, thậm chí tuồn hàng hóa qua biên giới hai nước. Nếu có doanh nghiệp Việt Nam dùng hàng hóa Trung Quốc, nhưng dán mác Việt Nam, rồi xuất khẩu sang Mỹ sẽ dẫn tới tình trạng con sâu làm rầu nồi canh. Bởi hàng rào nhập khẩu phía Mỹ lập ra rất khắt khe, chỉ cần phát hiện một trường hợp gian lận, cả ngành hàng xuất khẩu sẽ chịu tác động”.

chiu suc ep donald trump, trung quoc se tim viet nam de giai toa? hinh anh 2

TS. Lê Đăng Doanh. (Ảnh: Internet)

Song cách đây ít ngày, thay vì sử dụng một câu chuyện mang ý nghĩa ẩn dụ, TS. Lê Đăng Doanh đã đi thẳng vào vấn đề.

“Nội bộ bên trong nước Mỹ có thể tranh luận rất nhiều vấn đề, duy chỉ có câu chuyện hạn chế tầm ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc đạt được sự thống nhất giữa hai Đảng là Dân chủ và Cộng hoà, Thượng viện và Hạ viện.

Về Tổng thống Donald Trump, rất khó để dự báo ông ta sẽ làm gì tiếp theo. Nhưng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn sẽ tiếp tục. Jack Ma, ông chủ Alibaba từng dự báo cuộc chiến này sẽ kéo dài 100 năm nữa. Điều này nói lên rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không đơn thuần là một cuộc chiến thương mại, phía sau đó là cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Cuộc chiến này dự báo sẽ thể hiện theo hình thái vừa đánh – vừa đàm giữa hai bên”, TS. Lê Đăng Doanh nói.

Theo ông Doanh, cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung không chỉ biểu hiện trong lĩnh vực thương mại, mà còn trong lĩnh vực công nghệ. Hàng nghìn sinh viên, nghiên cứu sinh Trung Quốc đang theo học các ngành công nghệ ở Mỹ đã bị trục xuất.

“Ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm sút, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, giá trị xuất khẩu đi xuống… Rõ ràng Trung Quốc đang chịu sức ép ghê gớm, có khả năng họ sẽ tìm một nơi nào đó, ví dụ như Việt Nam để giải toả áp lực. Đây là điều chúng ta cần xem xét”, TS. Lê Đăng Doanh đưa ra lời khuyên.

Theo ông Doanh: “Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam cần điều chỉnh mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc như thế nào? Bản thân Việt Nam cũng cần cải cách, gia tăng nội lực ra sao mới có thể tận dụng tốt cơ hội? Bởi mối tương quan trên thị trường thế giới, ưu và khuyết điểm của kinh tế Việt Nam sẽ bộc lộ rất rõ trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung”.

“Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chỉ cho Việt Nam chút lợi thế ít ỏi”

Nhìn lại những diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong hơn 1 năm qua, TS. Trần Toàn Thắng cho rằng, cuộc chiến chỉ đem lại cho Việt Nam một chút lợi thế ít ỏi, không có tác dụng lâu dài đối với nền kinh tế. Ngược lại, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể dẫn đến nhiều nguy cơ, rủi ro khác.

chiu suc ep donald trump, trung quoc se tim viet nam de giai toa? hinh anh 3

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). (Ảnh: Internet)

TS. Trần Toàn Thắng phân tích: “Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã tạo lỗ hổng thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng trong ngắn hạn. Có một số nhóm ngành của Việt Nam sẽ hưởng lợi nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, khiến cho Trung Quốc mất thị phần, như nhóm các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm lắp ráp đồ điện tử, các loại chip, chất bán dẫn, da giày, sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, đồ gỗ nội thất…

Tuy vậy, những lợi ích về thương mại trên sẽ dẫn đến một số hệ lụy. Việc nhiều doanh nghiệp chuyển thị trường sang Việt Nam khiến công suất xuất khẩu không đáp ứng kịp thời, có thể dẫn đến việc chuyển hướng thương mại từ các doanh nghiệp này. Như vậy, lợi ích cho Việt Nam sẽ không thay đổi so với trước chiến tranh thương mại Mỹ-Trung”.

Đối với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), TS. Trần Toàn Thắng cho hay, chưa có đủ cơ sở để kết luận FDI đang thực sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Hiện tại, dòng FDI đầu tư vào Trung Quốc vẫn lớn. Tuy có nhiều dấu hiệu FDI Trung Quốc vào Việt Nam để tránh thuế quan, nhưng nhiều ngành hàng khó tận dụng được lỗ hổng xuất khẩu của thị trường Mỹ. Điển hình như nhóm các công ty dệt may sẽ không được hưởng lợi nhiều từ chiến tranh thương mại, bởi ngay cả khi bị Mỹ áp thuế đến 25% thì sản phẩm dệt may của Việt Nam vẫn không đủ hấp dẫn so với sản phẩm của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa mang đến tác động đủ lớn để doanh nghiệp phải đưa ra quyết định chuyển sản xuất.

Tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Mỹ-Trung lên GDP và FDI toàn cầu sẽ không đến ngay trong năm 2019. Phải chờ đến năm 2020 - 2021 hoặc sau đó, để có thể kết luận rằng, xu thế dịch chuyển FDI có thực sự diễn ra hay không.

TS. Trần Toàn Thắng nhận định: “Nếu xu thế đó thực sự xảy ra, để sở hữu dòng vốn FDI, Việt Nam cũng phải cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn như Indonesia, Malaysia, những quốc gia cũng có rất nhiều lợi thế. Ngoài ra, nếu kịch bản Việt Nam trở thành người chiến thắng thì doanh nghiệp FDI ở Việt Nam mới là đối tượng thực sự được hưởng lợi lớn từ cuộc chiến này”.

chiu suc ep donald trump, trung quoc se tim viet nam de giai toa? hinh anh 4

TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES). (Ảnh: Internet)

Theo TS. Phạm Sỹ Thành, làn sóng dịch chuyển của FDI Trung Quốc không chỉ liên quan tới chiến tranh thương mại, mà còn bao gồm cả chính sách của ông Tập Cậnh Bình.

TS. Phạm Sỹ Thành nói: “Kế hoạch Made in China 2025 với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp chế tạo Trung Quốc cạnh tranh được với Mỹ đòi hỏi phải chuyển dịch công nghệ cũ, lạc hậu ra bên ngoài. Thêm vào đó, tiêu chuẩn về môi trường được chính quyền của ông Tập Cận Bình đưa ra rất khắt khe, nhiều doanh nghiệp buộc phải ra nước ngoài đầu tư nếu không muốn bị đóng cửa. Đây là những điều không nên bỏ qua khi nhìn vào làn sóng dịch chuyển của FDI Trung Quốc”.

Hoàng Thắng
Cùng chuyên mục