Nhiều ý kiến đóng góp cho kế hoạch hoạt động của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 20/10/2023 13:02 PM (GMT+7)
Nhiều phụ huynh học sinh của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) cho ý kiến về kế hoạch tái cấu trúc của trường. Vẫn có ý kiến bất đồng nhưng tất cả đều muốn trường tiếp tục duy trì chất lượng giáo dục tốt như hiện nay
Bình luận 0

Hội phụ huynh của AISVN vừa có kế hoạch "tái cấu trúc" hoạt động giáo dục của trường này sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

"Tái cấu trúc" hay... giải cứu? 

Cụ thể, người đưa ra kế hoạch "tái cấu trúc" này là ông Đ.M.C, thành viên Ban cố vấn, Trưởng ban Tài chính Hội phụ huynh AISVN.

Nhiều ý kiến đóng góp cho kế hoạch hoạt động của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam - Ảnh 1.

Học sinh Trường Quốc Tế Mỹ Việt Nam (AISVN) trong giờ học. Ảnh: AISVN

Theo bản kế hoạch, mục tiêu của kế hoạch "tái cấu trúc" được giới thiệu là ổn định tinh thần học tập của học sinh, đảm bảo hoạt động và chất lượng học tập ít nhất đến hết năm học 2023-2024. Trong đó, có cả việc hỗ trợ AISVN trong thời gian cấu trúc nhằm đảm bảo quyền lợi của các gói đầu tư học phí của phụ huynh.

Cụ thể, theo bản kế hoạch "tái cấu trúc" của AISVN, ngoài khoản thu 50% còn lại phí dịch vụ xe buýt lẽ ra đã miễn giảm và phí cơ sở vật chất, phụ huynh sẽ lựa chọn 1 trong hai phương án: Thứ nhất, đóng 30% biểu học phí niêm yết 2023-2024 không hoàn lại hoặc phương án thứ hai là đóng 70%/biểu học phí niêm yết 2023-2024.

"Choáng váng" với kế hoạch giải cứu Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam - Ảnh 2.

Nguồn: Phụ huynh cung cấp

Theo đó, với phương án 1 là đóng 30% biểu học phí niêm yết 2023-2024 không hoàn lại, phụ huynh được chọn đóng cả năm, theo quý hoặc theo tháng từ nay đến hết tháng 5/2024. Tổng số tiền theo tính toán của kế hoạch này là hơn 168 tỷ đồng.

"Choáng váng" với kế hoạch giải cứu Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam - Ảnh 3.

Dòng tiền dự kiến thu từ phương án 1

Với phương án 2 là đóng 70%/biểu học phí niêm yết 2023-2024 (cho vay không lãi suất), thời hạn hoàn trả sẽ cùng lúc với hợp đồng đầu tư có hoàn lại hoặc sau 2 năm với các trường hợp khác, hoặc theo nguyện vọng của phụ huynh. Tổng số tiền theo phương án 2 dự kiến thu được sẽ là hơn 196,1 tỷ đồng.

"Choáng váng" với kế hoạch giải cứu Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam - Ảnh 4.

Dòng tiền dự kiến thu từ phương án 2

Theo bản kế hoạch "tái cấu trúc" này, mục tiêu là vận động 50% học sinh theo với phương án 1 (thu 30% không hoàn lại) và 50% học sinh theo phương án 2 (thu 70%/biểu học phí niêm yết 2023-2024, không lãi suất).

Ngoài 2 phương án trên, bản kế hoạch "tái cấu trúc" của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) cũng dự kiến thu 50% còn lại phí dịch vụ xe buýt đã miễn giảm với dự kiến thu được khoảng 10 tỷ đồng; thu tiền CSVC hơn 29 tỷ đồng; thu tiền học phí còn lại khoảng 61 tỷ đồng.

Nhiều ý kiến đóng góp cho kế hoạch hoạt động của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam - Ảnh 5.

Học sinh AISVN tham gia hoạt động thể dục thể thao. Ảnh: AISVN

Để kiểm soát các khoản thu này, AISVN sẽ mở riêng 1 tài khoản ngân hàng để đồng kiểm soát, nhận tiền gói hỗ trợ/cho vay của phụ huynh từ tài khoản này. Hội phụ huynh nhà trường sẽ kiểm soát mọi hoạt động thu chi của AISVN ở tài khoản này.  Mọi hoạt động thu chi phải có đại diện của trường và đại diện của hội phụ huynh ký duyệt đồng ý trước khi chi.

Niềm tin của bản kế hoạch này là phụ huynh sẽ giữ được môi trường học tập liên tục của con em, các con không phải chuyển trường/chuyển môi trường học tập. Đặc biệt, kế hoạch này cũng nhấn mạnh, sau khi ổn định lại sẽ có nhiều cơ hội tuyển sinh mới và phụ huynh có cơ hội lấy lại khoản đầu tư sau khi tái cấu trúc thành công.

Đáng lưu ý, sau khi công bố bản kế hoạch "tái cấu trúc" này, một bản đăng ký với 3 lựa chọn được đặt ra cho phụ huynh với "3 option" là: Chọn phương án 1 (thu 30% không hoàn lại); Phương án 2 (thu 70%/biểu học phí không lãi suất) và Phương án 3 (không đồng ý đóng khoản phí nào, trừ phí CSVC và xe buýt. Tôi sẽ chuyển trường cho con).

Quan trọng nhất là ổn định học tập cho các con

Tại cuộc họp với nhà trường ngày 8/10, một phụ huynh đặt câu hỏi: "Trường khó khăn thì chúng tôi cũng khó khăn. Bản thân là nội trợ, chi phí học của con ngày trước đóng là vay ngân hàng, đang phải trả lãi hàng tháng, không có khả năng đóng thêm khoản thu bổ sung. Vậy chúng tôi không nộp tiền thì nhà trường đối xử như nào đối với con chúng tôi?".

Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng Trường AISVN khẳng định, trường vẫn sẽ hoạt động bình thường, không có chuyện phá sản, việc học tập của học sinh vẫn được duy trì. Đồng thời, bà Út Em nói rằng, thông báo yêu cầu phụ huynh đóng tiền bổ sung được nhà trường gửi qua email không phải bắt buộc mà chỉ kêu gọi phụ huynh giúp đỡ, để nhà trường vượt qua giai đoạn khó khăn này. "Dù phụ huynh đóng hay không đóng thì việc học của các con cũng sẽ tiếp tục, không có chuyện cho học sinh nghỉ học", bà Út Em khẳng định.

Nhiều ý kiến đóng góp cho kế hoạch hoạt động của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam - Ảnh 6.

Hoạt động học tập của học sinh Trường Quốc tế mỹ Việt Nam vẫn diễn ra bình thường. Ảnh: AISVN

Trao đổi với Dân Việt, đại diện cho Hội Phụ huynh học sinh AISVN, bà Lê Hải Liễu thừa nhận có một số phụ huynh gặp khó khăn, nhưng cũng có nhiều phụ huynh thời điểm này đang rất nỗ lực, chung tay để cùng giúp AISVN vượt qua khó khăn. 

Dẫn chứng cho việc này, bà Liễu đưa ra một số ủy nhiệm chi từ một số phụ huynh đã gửi tiền vào tài khoản của AISVN để ủng hộ trường vượt qua khó khăn. Chẳng hạn, chị T là phụ huynh G8 gửi tặng cho AISVN 600 triệu đồng kèm lời nhắn "nếu có công bố thông tin để làm động lực cho các phụ huynh khác thì chỉ ghi chung là gia đình phụ huynh G8 thôi ạ". 

Hoặc, phụ huynh K.M gửi đến tài khoản AISVN số tiền 47 triệu đồng và 49 triệu đồng với lời nhắn "nạp intro cho đại bàng". "Phụ huynh chúng tôi hay nói vui những khoản tiền đóng góp này chính là bơm xăng cho chim đại bàng (biểu tượng của AISVN) bay cao, bay xa", bà Liễu nói.

Theo đại diện Hội Phụ huynh học sinh AISVN, việc gợi ý 3 option để phụ huynh tự quyết định chỉ là Phiếu khảo sát để nhà trường nắm tình hình những phụ huynh nào sẵn sàng ủng hộ trường, ủng hộ theo cách nào hoặc phụ huynh nào sẽ chuyển trường cho con… để từ đó nhà trường mới biết được nguồn thu và mới có phương án tái cấu trúc phù hợp.

"Chúng tôi đang nỗ lực làm tất cả để giúp nhà trường vượt qua giai đoạn khó khăn. Quan trọng nhất là giữ môi trường học tập ổn định cho con em mình", phụ huynh Lê Quang Hưng trăn trở.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem