Chủ quan khi điều trị đái tháo đường, nhiều người trẻ bị biến chứng nặng

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 26/04/2024 06:09 AM (GMT+7)
Trẻ em, thanh thiếu niên khi mắc đái tháo đường type 1 thường khó tuân thủ quá trình điều trị và lối sống phù hợp.
Bình luận 0

Bị đái tháo đường type 1 nhưng không tuân thủ điều trị

Bác sĩ Tạ Thùy Linh – Phụ trách khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, theo ghi nhận tại khoa, tình trạng người bệnh được chẩn đoán đái tháo đường type 1 nhập viện điều trị khá thường xuyên, chủ yếu là những bệnh nhân trẻ tuổi, nhiều trường hợp chưa thành niên. 

Đa số các trường hợp này đều đã được phát hiện và điều trị tại địa phương. Tuy nhiên do chưa hiểu đúng về bệnh, thiếu kiến thức trong quá trình điều trị và sử dụng thuốc nên nhiều trường hợp không đạt mục tiêu điều trị dẫn tới nhiều biến chứng, khiến bệnh nặng lên chỉ sau vài năm phát hiện bệnh. 

Gần nhất là 1 bệnh nhân nữ (25 tuổi, trú tại Hưng Yên), nhập viện trong tình trạng đường huyết tăng cao. Bệnh nhân đã được chẩn đoán đái tháo đường type 1 trước đó và dùng thuốc theo đơn của bệnh viện tuyến cơ sở. 

Tuy nhiên, dạo gần đây trong quá trình theo dõi đường huyết tại nhà, bệnh nhân thấy đường huyết tăng cao, bệnh nhân mệt mỏi nên đã tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám.

Chủ quan khi điều trị đái tháo đường, nhiều người trẻ bị biến chứng nặng- Ảnh 1.

Bác sĩ Thùy Linh tư vấn cho bệnh nhân trẻ mắc đái tháo đường type 1. Ảnh BVCC

Theo bác sĩ Linh, khi tiếp nhận, bệnh nhân B. có chỉ số đường huyết cao 14.4 mmol/L, HbA1c 12.1% và bệnh nhân có thể trạng gầy (cao 1.41m và cân nặng 30kg). 

Sau khi được khám và xét nghiệm cho thấy bệnh nhân đã có biến chứng mắt, biến chứng thận và biến chứng thần kinh do đái tháo đương típ 1. 

"Đây là một trường hợp bệnh nhân kiểm soát đường máu kém do chưa tuân thủ về dinh dưỡng và điều trị cũng như chưa có kiến thức về đái tháo đương típ 1. Bệnh nhân cần được nhanh chóng kiểm soát đường máu nhằm điều trị và dự phòng các biến chứng. 

Đối với những trường hợp như bệnh nhân B., ngoài việc điều chỉnh đường huyết bằng sử dụng phác đồ insulin thích hợp kết hợp chế độ dinh dưỡng, chúng tôi còn thực hiện giáo dục sức khỏe nhằm cung cấp những hiểu biết về bệnh, kỹ thuật tiêm và bảo quản insulin, xử trí khi hạ đường huyết, tư vấn dinh dưỡng và tập luyện, tư vấn tâm lý để đem lại kết quả lâu dài cho người bệnh. 

Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân B. được kiểm soát đương huyết tốt (đường máu lúc đói dao động 5-8 mml/L, đường máu sau ăn 6-10 mmol/L) và đã tăng 1,0 kg”, bác sĩ Linh chia sẻ. 

Một bệnh nhân đái thái đường type 1 còn rất trẻ khác cũng đã nhập viện với nhiều biến chứng sau khi không tuân thủ điều trị và dinh dưỡng. 

Bệnh nhân mới 13 tuổi, đã được chẩn đoán đái tháo đường type 1 và đang điều trị ngoại trú tại 1 bệnh viện cơ sở. Tuy nhiên do bệnh nhân còn nhỏ, chưa có kiến thức về bệnh nên không tuân thủ điều trị, ăn uống tùy ý, kể cả thức ăn mà bệnh nhân tiểu đường không được ăn, dẫn đến nhiều biến chứng. 

Lưu ý khi mắc đái tháo đường type 1

Theo bác sĩ Linh, bệnh đái tháo đường type 1 là bệnh lý mạn tính, cần được điều trị suốt đời. Bệnh do hệ thống miễn dịch phá hủy các tế bào Beta sản xuất insulin của tuyến tụy. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời cũng như kiểm soát đường huyết chặt chẽ sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.

Đái tháo đường type 1 xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi. Đây là một bệnh lý tự miễn, có nghĩa là hệ miễn dịch của chính cơ thể người bệnh tấn công và phá hủy một phần hoặc toàn bộ các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy. 

Nguyên nhân thường liên quan đến các yếu tố di truyền và tác động của môi trường sống. Do đái tháo đường típ 1 là bệnh tự miễn cho nên có thể phối hợp với các bệnh lý tự miễn khác như viêm tuyến giáp Hashimoto hoặc suy tuyến thượng thận nguyên phát (bệnh Addison).

"Đái tháo đường type 1 thường khởi phát bệnh với các triệu chứng khá rầm rộ trong thời gian ngắn. Người bệnh có các triệu chứng khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân nhanh chóng trong thời gian 2-6 tuần trước khi nhập viện. 

Một số trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến tình trạng hôm mê do nhiễm toan Ceton hoặc tăng áp lực thẩm thấu máu. Trong giai đoạn này người bệnh có thể có các biểu hiện khác như đau bụng thượng vị; nôn, buồn nôn dẫn đến có thể chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác.

"Khác với đái tháo đương type 2 thì đái tháo đường type 1 thường gặp ở những bệnh nhân trẻ tuổi và có nhiều trường hợp là trẻ em. 

Những đối tượng này thường ít quan tâm đến sức khỏe cũng như gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tuân thủ điều trị bệnh. Chính vì vậy, việc giáo dục sức khỏe thường xuyên và phối hợp chặt chẽ với gia đình, người thân của bệnh nhân trong quá trình điều trị là yếu tố quan trong nhất quyết định kết quả điều trị. 

Điều quan trọng nữa là việc lựa chọn phác đồ điều trị cũng như hướng dẫn chế độ ăn cho bệnh nhân cần phải phù hợp với sở thích cá nhân và thói quen sinh hoạt của người bệnh. 

Ví dụ như thời điểm tiêm insulin có thể linh động theo thời gian đi học, làm việc của bệnh nhân hoặc lựa chọn sử dụng insulin dạng bút để bệnh nhân có thể thuận tiện mang theo khi đi học hoặc đi làm. 

Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị cũng như giảm mặc cảm, tự ti về bệnh tật với các bạn và những người xung quanh. 

Gia đình cũng có vai trò quan trọng hỗ trợ những trường hợp trẻ em mắc đái tháo đường khi không thể tự tiêm insulin cũng như giáo dục, giám sát và theo dõi quá trình điều trị bệnh của những bệnh nhi mắc đái tháo đường type 1”, bác sĩ Linh khuyến cáo. 

Chủ quan khi điều trị đái tháo đường, nhiều người trẻ bị biến chứng nặng- Ảnh 2.

Tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Ảnh BVCC

Bác sĩ Linh cho biết, đối với bệnh nhân đái tháo đường type 1, insulin đặc biệt quan trọng, nếu sử dụng thiếu insulin hoặc ngừng điều trị insulin đột ngột hoặc kèm theo các yếu tố nguy cơ khác như nhiễm trùng, chấn thương, stress, nhồi máu cơ tim… sẽ thúc đẩy nhiễm toan ceton do đái tháo đường. 

Đây là một biến chứng nặng thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 và có thể để lại các di chứng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. 

Các biến chứng nặng của người mắc đái tháo đường type 1

Theo bác sĩ Linh, nhiều biến chứng mạn tính khác của đái tháo đường type 1 cũng có thể xảy ra như các biến chứng mạch máu nhỏ như biến chứng thận dẫn đến suy thận, biến chứng võng mạc dẫn đến mù lòa. 

Các biến chứng mạch máu lớn có thể gặp như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, bệnh động mạch chi dưới; gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, giảm chất lượng cuộc sống và giảm thời gian sống của bệnh nhân.

Bệnh nhân đái tháo đường típ 1 cũng dễ bị hạ đường huyết do sử dụng insulin không phù hợp. Phác đồ sử dụng và liều lượng insulin được các bác sỹ tính toán sao cho phù hợp với đặc điểm bệnh lý của từng bệnh nhân cũng như chế độ ăn và tập luyện.

Tuy nhiên, một số bệnh nhân ăn quá ít tinh bột hoặc hoạt động thể chất quá mức có thể gây hạ đường huyết. Một nguyên nhân thường gặp khác có thể gây hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường típ 1 là tiêm sai insulin. 

Bệnh nhân có thể tiêm liều quá cao, quá xa bữa ăn hoặc kỹ thuật tiêm sai dẫn đến việc hấp thu insulin vào cơ thể quá nhanh cũng dẫn đến hạ đường huyết. 

"Người bệnh đái tháo đường típ 1 cần phải có đầy đủ kiến thức và kỹ năng thực hành sử dụng insulin trong điều trị bệnh", bác sĩ Linh khẳng định. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem