Chủ tịch Bình Định muốn huyện trung du thành vùng "nông nghiệp công nghệ cao, gắn với chế biến sâu"

Dũ Tuấn Chủ nhật, ngày 14/01/2024 20:30 PM (GMT+7)
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, định hướng lớn của huyện trung du Hoài Ân, là phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến sâu, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp và là vùng nguyên liệu lớn cho cả tỉnh.
Bình luận 0

Huyện trung du thu ngân sách vượt 79,5%, so với kế hoạch tỉnh giao

Ông Nguyễn Hữu Khúc - Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết, năm 2023, huyện Hoài Ân đã tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và đã thực hiện đạt và vượt 11/13 chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.

Huyện Hoài Ân đã đạt được nhiều kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023.

Cụ thể, tổng giá trị sản phẩm địa phương đạt trên 5.064 tỷ đồng, đạt 105,55% so với kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,66%.

Tổng thu ngân sách nhà nước phát sinh trên địa bàn là 178,8 tỷ đồng, vượt 32,78% so với dự toán giao đầu năm của huyện và vượt 79,5% so với kế hoạch tỉnh giao. Các chính sách an sinh, xã hội được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả.

Hoạt động văn hóa, thể thao tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền từ huyện đến cơ sở được nâng cao…

Chủ tịch Bình Định muốn huyện trung du thành vùng "nông nghiệp công nghệ cao, gắn với chế biến sâu"- Ảnh 1.

Nông dân ở huyện trung du Hoài Ân "sống khoẻ" nhờ vào nông nghiệp sạch, vườn cây ăn quả đạt chuẩn. Ảnh: DT.

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm, của huyện Hoài Ân đạt trên 11.974,6ha. Trong đó, cây lúa trên 7.667ha; năng suất các loại cây trồng đạt khá, nhất là cây lúa đạt trên 73,1 tạ/ha; diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa 1.209 ha, đạt 100,73% kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 65.549 tấn, đạt 101,18% so với kế hoạch. 

"Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nâng cao hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả gắn với việc ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ trong sản xuất. Tổ chức thực hiện các bước cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGAP, hữu cơ cho các sản phẩm", ông Khúc nói.

Đến nay, tổng diện tích các loại cây ăn quả của huyện Hoài Ân, đạt trên 3.930ha. Tổng đàn trâu, bò 26.450 con, đạt 104,2% kế hoạch; tổng đàn heo 260.500 con, đạt 93% so với kế hoạch; tổng đàn gia cầm 861.500 con, đạt 101,4% kế hoạch giao.

Ngoài ra, triển khai chính sách hỗ trợ chăn nuôi gà thả đồitheo chủ trương của tỉnh với 36.200 con.

Chủ tịch Bình Định muốn huyện trung du thành vùng "nông nghiệp công nghệ cao, gắn với chế biến sâu"- Ảnh 2.

Nông sản của người nông dân ở Hoài Ân có điểm trưng bày, giới thiệu ở thị trấn Tăng Bạt Hổ. Ảnh: DT.

Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực lâm nghiệp được tăng cường, thực hiện khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh với diện tích trên 16.000ha. Trồng rừng sau khai thác 3.530ha, sản lượng gỗ khai thác 315.270 tấn, tổng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt trên 206.819 triệu đồng. Đến nay, độ che phủ rừng đạt 67%, đạt 100% so với kế hoạch.

Trong năm 2023, huyện Hoài Ân triển khai thực hiện 101 công trình với tổng mức đầu tư trên 577,524 tỷ đồng.

Tập trung một số công trình trọng điểm như: cầu Hiệp Định; nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ cầu Mục Kiến (ĐT638) đi trung tâm xã ĐakMang, tuyến đường từ cầu Phong Thạnh đi ĐT629. Đặc biệt, khánh thành đưa vào sử dụng Công trình bia di tích và mộ các liệt sĩ đã hy sinh tại đồi Xuân Sơn.

Chủ tịch Bình Định muốn huyện trung du thành vùng "nông nghiệp công nghệ cao, gắn với chế biến sâu"- Ảnh 3.

Bí thư Huyện uỷ Hoài Ân Nguyễn Đặng Thị Thu Hoà, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Xuân Phong trong ngày khánh thành Trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Ảnh: TB.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân kiến nghị, UBND tỉnh Bình Định quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước tưới trên các vùng cây ăn quả tập trung có diện tích lớn để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ gà thả đồi, huyện Hoài Ân đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo Sở NNPTNT, tăng mức hỗ trợ về số lượng để nhiều hộ dân tham gia và hưởng lợi từ chính sách.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cũng kiến nghị UBND tỉnh sớm có chính sách hỗ trợ để địa phương phát triển vùng chăn nuôi tập trung và vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. 

Ngoài ra, sớm có chủ trương đầu tư, nâng cấp các tuyến bờ sông bị sạt lở, nhất là đoạn bờ sông An Lão (thôn Mỹ Đức, xã Ân Mỹ) để UBND huyện, tổ chức triển khai thực hiện các bước theo quy định.

"Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với chế biến sâu"

Làm việc với Huyện uỷ, UBND huyện Hoài Ân, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, đánh giá cao những kết quả mà huyện Hoài Ân đạt được trong năm 2023 và sự tích cực của địa phương trong việc xây dựng và triển khai giải pháp thực hiện, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, năm 2024.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, định hướng lớn của huyện Hoài Ân trong thời gian tới là phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến sâu, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp và phát triển vùng nguyên liệu lớn cho cả tỉnh.

Ngoài ra, tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế. Xây dựng và chỉnh trang đô thị, quản lý nông thôn văn minh, giàu đẹp, nhất là khu vực dọc hai bên cao tốc Bắc – Nam.

"Biến" khu vực có cao tốc Bắc - Nam đi qua trở thành dư địa cho phát triển trong tương lai. Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, giữ vững trật tự an toàn xã hội và chú trọng công tác vệ sinh môi trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị huyện Hoài Ân tập trung thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, năm 2024.

Trong đó, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành vùng nguyên liệu lớn; tập trung phát triển và tiêu thụ các sản phẩm OCOP; nhân rộng mô hình hợp tác xã thanh niên ra các địa phương khác.

Chủ tịch Bình Định muốn huyện trung du thành vùng "nông nghiệp công nghệ cao, gắn với chế biến sâu"- Ảnh 4.

Vườn tiêu của gia đình nông dân Đặng Văn Cấp, ở xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân. Ảnh: DT.

Chuẩn bị mặt bằng sạch, hoàn thiện hạ tầng, giải phóng mặt bằng để thu hút nhà đầu tư có năng lực vào các cụm công nghiệp; mục tiêu trong năm là thu hút ít nhất 1 dự án nhà máy chế biến nông sản, gia súc.

Bên cạnh đó, cần xây dựng ít nhất 1 công trình hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối với cao tốc Bắc - Nam để tạo điều kiện phát triển kinh tế.

Tập trung xây dựng đô thị Tăng Bạt Hổ, khu dân cư hiện đại, văn minh; sử dụng nguồn thu từ tiền sử dụng đất để đầu tư hạ tầng giao thông. Tăng cường công tác thu ngân sách, giải ngân đầu tư công.

"Chú trọng công tác chuyển đổi số; đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin đến tận xã; điều hành bằng hệ thống công nghệ thông tin; thực hiện Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2024 của tỉnh", ông Phạm Anh Tuấn yêu cầu.

Chủ tịch Bình Định muốn huyện trung du thành vùng "nông nghiệp công nghệ cao, gắn với chế biến sâu"- Ảnh 5.

Cây dâu da được trồng ở vùng trung du Hoài Ân. Ảnh: DT.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng lưu ý huyện Hoài Ân cần tổ chức thực hiện tốt các công tác: đảm bảo an sinh xã hội, quản lý môi trường, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giữ vững trật tự an toàn xã hội.

Về công tác quản lý, điều hành, ông Phạm Anh Tuấn đề nghị UBND huyện Hoài Ân hướng dẫn cách triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cho từng xã, thị trấn. Đánh giá năng lực cán bộ xã hàng năm để làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; phát huy tinh thần làm việc nghiêm túc "hết việc chứ không hết giờ"; tuân thủ nghiêm các quy định, nhất là giờ giấc làm việc; nghiêm cấm dùng rượu, bia trong giờ làm việc.

Ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, UBND tỉnh và các sở, ngành sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các địa phương triển khai các giải pháp đột phá để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem