Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Hội NDVN chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới, hỗ trợ nông dân làm giàu

Lương Quốc Đoàn - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thứ tư, ngày 02/02/2022 14:00 PM (GMT+7)
Năm 2022, Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam xác định các cấp Hội sẽ tập trung nỗ lực, tìm kiếm các giải pháp, chủ động sáng tạo và kết nối hiệu quả mọi nguồn lực giúp hội viên, nông dân vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển nông nghiệp thịnh vượng, giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Bình luận 0

Khẳng định bản lĩnh người nông dân và vị trí, vai trò Hội Nông dân Việt Nam

Ở nước ta, nông nghiệp và kinh tế nông thôn luôn đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Hiện nay, nông thôn là địa bàn sinh sống của trên 60% dân số cả nước với cộng đồng 54 dân tộc, thống nhất trong đa dạng văn hóa; nơi cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho đời sống con người và phục vụ các ngành kinh tế quốc dân.

xuan/ Hội NDVN chủ động, linh hoạt,  sáng tạo, đổi mới, hỗ trợ nông dân làm  giàu - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn cùng đoàn công tác khảo sát, tham quan mô hình trồng bưởi tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Ảnh: Minh Ngọc

"Đảng và Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách cụ thể để xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của Hội NDVN, phải giao nhiệm vụ cụ thể để Hội ND tham gia trực tiếp các chương trình dự án phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn".

Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn

Nông thôn là cội nguồn sản sinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; có vai trò quan trọng đối với an ninh, quốc phòng và giữ gìn môi trường sinh thái...

Giai cấp nông dân không chỉ giữ vai trò trung tâm và quyết định sự phát triển nông nghiệp, nông thôn mà còn quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước ta, đời sống và sản xuất của giai cấp nông dân là cội nguồn của nền văn hóa dân tộc; nông dân luôn là lực lượng chủ lực trong các cuộc đấu tranh cách mạng chống lại thế lực ngoại xâm, giành và giữ vững nền độc lập dân tộc. Thắng lợi của các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc trong thế kỷ XX có sự đóng góp to lớn của giai cấp nông dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, từ sự năng động, sáng tạo của nông dân trong cách thức sản xuất nông nghiệp, Đảng đã kịp thời tổng kết và có những chủ trương, chính sách phù hợp cho tiến trình đổi mới toàn diện.

Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, giai cấp nông dân tích cực thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của Đảng; góp phần đưa nông nghiệp trở thành trụ đỡ để nền kinh tế quốc dân vượt qua khủng hoảng tài chính thế giới, suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19...

Giai cấp nông dân Việt Nam góp phần quan trọng đưa Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích trước gần 2 năm.

Đặc biệt, nhìn lại năm 2021, trước những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, tổn thất cho người dân cả nước, cho cán bộ, hội viên nông dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, T.Ư Hội NDVN đã chủ động thích ứng, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội, hội viên nông dân thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách về chống dịch bệnh Covid-19, chung tay cùng nhân dân cả nước đẩy lùi nhiều đợt dịch nguy hiểm bùng phát.

xuan/ Hội NDVN chủ động, linh hoạt,  sáng tạo, đổi mới, hỗ trợ nông dân làm  giàu - Ảnh 3.

Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn trao tặng gạo đến các hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn, Hà Giang). Ảnh: P.M.N

7 thách thức lớn nông dân phải vượt qua

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta những năm qua, dưới sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng đã có nhiều bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình mới, nhất là công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khẳng định tinh thần làm chủ của nông dân, thì vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập:

Một là, nền nông nghiệp nước ta về cơ bản vẫn là nền sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất thô. Mức đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế và dàn trải, chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp của ngành đối với nền kinh tế quốc dân. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển...

Hai là, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, do khu vực này nằm trên địa bàn rộng, có điều kiện tự nhiên khác nhau; trong khi kết cấu hạ tầng chưa phát triển; ruộng đất manh mún; đối tượng tiếp cận là nông dân có trình độ dân trí chưa cao...

Ba là, người nông dân đang vừa phải thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa phải tuân thủ sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, nhưng chưa quyết định được vấn đề sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.

Những năm gần đây, sản xuất lúa cho thu nhập thấp, nhưng nông dân khó có thể chuyển đổi sang trồng hoặc nuôi các loại cây, con khác có giá trị cao hơn, do vướng phải yêu cầu an ninh lương thực.

img

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (phải) và Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021. Ảnh: VIiết Niệm

Bốn là, văn hóa, xã hội ở nông thôn đang xuất hiện những vấn đề cần quan tâm xử lý. Đời sống xã hội ở nông thôn hiện nay có nhiều sự thay đổi; một số giá trị truyền thống đang dần mất đi.

Năm là, tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường ở nhiều khu vực nông thôn ngày một gia tăng, nhất là từ các làng nghề và các khu công nghiệp nông thôn, do khai thác, phát triển tự phát, không theo quy hoạch.

Sáu là, đa số nông dân nước ta vẫn là tầng lớp nghèo nhất trong xã hội và phân hóa giàu nghèo đang ngày càng gia tăng. Một bộ phận hộ nông dân không có tích lũy.

Bảy là, trong quan hệ sản xuất, người nông dân luôn đứng ở vị trí yếu thế, hầu như không được đưa ra các quyết định trong chuỗi sản xuất và quản lý xã hội nông thôn.

Trong khi thách thức trong sản xuất nông nghiệp là rất gay gắt, mức độ rủi ro cao. Những năm qua, giá các loại vật tư đầu vào cho nông nghiệp tăng nhanh hơn sự tăng giá nông sản làm cho thu nhập của nông dân giảm, dẫn tới hiện tượng nông dân bỏ hoang ruộng đất ở nhiều tỉnh, thành phố.

Ở nhiều địa phương, các cấp Hội đã phát huy tinh thần trách nhiệm, sáng tạo trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức, vận động, kết nối các nguồn lực... để giúp nông dân vùng dịch bệnh kịp thời thu hoạch và tiêu thụ nông sản.

Nhiều mô hình sáng tạo của nông dân đã được thực hiện có hiệu quả như "Tổ hỗ trợ nông vụ", "Chuyến xe 0 đồng", "Gian hàng 0 đồng", mô hình "Hỗ trợ mua hàng thiết yếu cho nông dân"… được phát triển, nhân rộng và lan tỏa mạnh mẽ.

Tính đến cuối tháng 12/2021, thông qua nhiều hoạt động, các cấp Hội đã cử cán bộ và vận động đông đảo hội viên nông dân tự nguyện tham gia và duy trì hoạt động của hơn 48.717 tổ Covid-19 cộng đồng, 16.764 tổ nhân dân tự quản "giữ chặt vùng xanh"; 1.479 tổ hỗ trợ nông vụ, 1.724 điểm tiêu thụ nông dân sản cho nông dân để cùng với chính quyền địa phương và ngành y tế thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

Đặc biệt, chương trình "Triệu phần quà, nghìn tấn nông sản nghĩa tình" do T.Ư Hội NDVN phát động đã vận động cán bộ hội viên, các tổ chức, cá nhân trong cả nước hỗ trợ nhân dân TP.HCM và các địa phương thực hiện giãn cách xã hội chống dịch trên 9.600 tấn nông sản, gần 180 tỷ đồng tiền mặt và nhiều giá trị hàng hóa thiết yếu.

Hiện nay, chương trình đang được tiếp tục, đã có thêm hơn 3.000 tấn nông sản, tiền mặt cùng vật tư hàng hóa được đăng ký quyên góp trị giá hơn 31 tỷ đồng để giúp đỡ, hỗ trợ người dân khó khăn vùng dịch bệnh.

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, khu vực nông thôn trở thành "hậu phương lớn", là quê hương bao dung nhân ái đón những người con xa khó khăn trở về từ tâm dịch, làm dịu và dần chữa lành những tổn thương, mất mát.

Nông nghiệp dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đã không thể làm cho người nông dân mất tinh thần. Ngược lại, họ vẫn tiếp tục làm được điều quan trọng cho đất nước: Giữ được sự lạc quan, tin tưởng vào an ninh lương thực, ổn định xã hội và "trụ đỡ" vững vàng khi nền kinh tế gặp rung lắc, khó khăn.

Sự lạc quan ấy hoàn toàn có cơ sở, khi tổng thu nhập quốc nội (GDP) năm 2021 vẫn giữ được mức tăng 2,58%. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Riêng xuất khẩu nông, thủy sản lần đầu đạt kỷ lục đạt 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020.

Khơi dậy khát vọng và phát huy vai trò chủ thể của nông dân

Năm 2022, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhất là đại dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Trước tình hình đó, đòi hỏi Hội ND các cấp phải chủ động thích ứng, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế.

Các cấp Hội tiếp tục nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn, phát huy mọi nguồn lực trong cán bộ, hội viên, nông dân và xã hội để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân năm 2022, gắn với thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội ND lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tổ chức Hội NDVN cần chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước một số giải pháp sau:

Thứ nhất: Cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường liên minh Nông dân - Công nhân - Trí thức, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, xã hội trong xây dựng giai cấp nông dân.

Nông dân ổn định, an cư lạc nghiệp thì nông thôn ổn định và phát triển. Nông thôn ổn định, phát triển thì đất nước ổn định và phát triển. Vì vậy, việc xây dựng giai cấp nông dân là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên và toàn diện của Đảng.

Trước hết Đảng cần có nghị quyết chuyên đề về xây dựng giai cấp nông dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế để thống nhất lãnh đạo nhằm thực hiện cho được bốn mục tiêu cốt yếu: (1) Nông dân phải trở thành lực lượng lao động tiên tiến, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; (2) Nông dân phải là lực lượng chính trị - xã hội vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trình độ và năng lực làm chủ nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng; (3) Nông dân là lực lượng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở nông thôn; (4) Nông dân phải được hưởng thụ xứng đáng với những công sức và những đóng góp đối với đất nước.

Thứ hai: Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế, chính sách mạnh, đủ sức hấp dẫn để huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư về nông thôn, tập trung cho kết cấu hạ tầng, điện, giao thông, thủy lợi, khoa học công nghệ, chế biến nông sản, dạy nghề cho nông dân.

Nhà nước có chính sách khuyến khích việc nâng quy mô sản xuất, khắc phục tình trạng manh mún, phân tán hiện nay. Đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu và nâng cao chất lượng sản xuất gắn với hình thành cơ sở chế biến và tiêu thụ nông sản, có chính sách hỗ trợ bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi.

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kiến thức cho người nông dân về: Quản lý kinh tế, quản trị nông nghiệp, có kiến thức về khoa học, kỹ thuật, văn hóa xã hội, pháp luật, thị trường và hội nhập. Từng bước trí thức hóa giai cấp nông dân, xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.

Trong đó, trọng tâm là chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp; có giải pháp đào tạo một bộ phận lao động nông thôn thành các chủ trang trại, chủ nhiệm hợp tác xã hay chủ doanh nghiệp nông nghiệp, có kiến thức, tri thức về kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, dịch vụ, am hiểu thị trường và pháp luật về kinh doanh trong và ngoài nước…

Thứ ba: Gắn phát huy vai trò chủ thể của nông dân với xây dựng con người mới.

Xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa không phải là vấn đề phát triển về số lượng, mà điều cốt lõi là phải tạo cho được sự biến đổi về chất lượng chính trị của nông dân, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước; là nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng, kỷ cương lao động, biết hợp tác lao động; thực sự là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đồng thời cũng là đối tượng chính được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

Đảng và Nhà nước cần quan tâm xây dựng xây dựng, hình thành thế hệ nông dân mới phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế với các đặc trưng: (1) Giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân và khát vọng vươn lên; (2) Biết giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, hợp tác và giúp đỡ nhau; (3) Có trình độ học vấn và kiến thức về kinh tế, khoa học kỹ thuật tiên tiến; (4) Biết kết hợp bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa lao động cần cù và sáng tạo, trọng nghĩa tình, kiên nhẫn và kiên cường.

Thứ tư: Quan tâm xây dựng tổ chức Hội NDVN vững mạnh, thực sự đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.

Cần duy trì và nâng cao chất lượng các cuộc đối thoại với nông dân ở các cấp; phát huy và nâng cao khả năng phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tới đời sống chính trị, kinh tế xã hội của nông dân, đặc biệt là Hội ND, làm cho nông dân có ý thức rõ ràng về sứ mệnh, vai trò của mình là chủ thể, là nhân tố trung tâm của quá trình phát triển.

Tạo các điều kiện cần thiết để các cấp Hội ND thực sự là đại diện cho tiếng nói của nông dân, để tiếng nói của giai cấp nông dân được coi trọng hơn trong đời sống chính trị. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem