Chủ tịch tỉnh Thái Bình: Không để đối thoại với nông dân xong rồi lại đâu vào đó

Nguyễn Hoà Thứ ba, ngày 28/11/2023 19:04 PM (GMT+7)
Đối thoại với nông dân Thái Bình năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các đơn vị liên quan phải có những giải pháp cụ thể để buổi đối thoại có chất lượng, tránh tình trạng "đối thoại xong rồi lại đâu vào đó", không có chuyển biến, không có hiệu quả.
Bình luận 0

10 nhóm vấn đề nông dân kiến nghị tới Chủ tịch tỉnh

Ngày 28/11, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đã chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân với chủ đề "Các giải pháp hỗ trợ nông dân, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Bình" năm 2023. Hội nghị có sự tham gia đối thoại của khoảng 200 đại biểu nông dân trên toàn tỉnh.

Theo ông Lê Hồng Sơn – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình, hội nghị này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thông qua chương trình đối thoại sẽ giúp người đứng đầu UBND tỉnh Thái Bình nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của nông dân; đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng có các giải pháp tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc đến chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hội nghị hôm nay đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ đại biểu nông dân trong tỉnh, trong đó có khoảng 10 nhóm vấn đề được người dân quan tâm, kiến nghị gửi tới Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình.

Chủ tịch Thái Bình: Không để đối thoại với nông dân xong rồi lại đâu vào đó - Ảnh 1.

Chương trình đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình với nông dân toàn tỉnh năm 2023 thu hút sự quan tâm, tham gia của khoảng 200 đại biểu nông dân tỉnh này. Ảnh: Bách Thuận

Đầu tiên, trong thời gian qua mặc dù Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên nông dân còn gặp nhiều khó khăn như giá vật tư nông nghiệp tăng cao, liên kết sản xuất còn hạn chế, tích tụ tập trung đất nông nghiệp kết quả không được như kỳ vọng; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đầu ra nông sản còn gặp nhiều khó khăn; hỗ trợ mua máy cấy còn tồn đọng một số vấn đề.

Thứ hai, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả thời gian qua đã được đông đảo nông dân trong tỉnh đồng thuận, hưởng ứng, đã tạo được các vùng sản xuất chuyên canh tập trung.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn vướng mắc, khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhìn chung, kết quả chuyển đổi của các địa phương so với kế hoạch đặt ra còn thấp. Các địa phương và nông dân mong muốn Chủ tịch UBND tỉnh và ngành chức năng có giải pháp quyết liệt hơn.

Thứ ba, việc sản xuất ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi phải đầu tư lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị, do vậy cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh như thế nào.

Thứ tư, vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn chưa được giải quyết triệt để, nhất là việc xử lý rác thải sinh hoạt, ô nhiễm môi trường làng nghề, nông dân mong muốn UBND tỉnh có các giải pháp chỉ đạo cụ thể.

Thứ năm, Thái Bình là tỉnh dẫn đầu trong cả nước về đảm bảo nước sạch cho người dân nông thôn. Tuy nhiên còn có những doanh nghiệp cung cấp nước sạch cho một số địa phương không đảm bảo chất lượng và số lượng, diễn ra trong thời gian dài.

Thứ sáu, hoạt động mô hình kinh tế hợp tác xã hiện nay gặp nhiều khó khăn về năng lực nội tại, vốn, sức cạnh tranh, cơ sở vật chất, cần sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh để cho hợp tác xã hoạt động hiệu quả hơn.

Chủ tịch Thái Bình: Không để đối thoại với nông dân xong rồi lại đâu vào đó - Ảnh 2.

Các đại biểu nông dân tham gia đối thoại đã gửi trực tiếp đến Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình 20 câu hỏi với 10 nhóm vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp ở địa bàn. Ảnh: Bách Thuận

Thứ bảy, tỉnh có chủ trương thu hồi đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng khu kinh tế, đa số nông dân đồng thuận, tuy nhiên việc bồi thường, hỗ trợ người dân có đất bị thu hồi còn thấp so với các tỉnh lân cận, nông dân mong muốn lãnh đạo tỉnh cần nghiên cứu, nâng mức bồi thường hỗ trợ cho nông dân.

Thứ tám, thời gian qua người khám bệnh có mua bảo hiểm y tế phải bỏ tiền mua thuốc, các vật tư y tế mặc dù có trong danh mục bảo hiểm. Người dân rất mong muốn UBND tỉnh và ngành y tế có giải pháp khắc phục tình trạng.

Thứ chín, hiện nay nhu cầu hỏa táng của nhân dân trong tỉnh rất lớn nhưng tỉnh Thái Bình chưa xây dựng được khu hỏa táng, nhân dân mong muốn tỉnh có chủ trương và xây dựng khu hỏa táng.

Thứ mười, hoạt động của tổ chức hội nông dân cơ sở hiện nay rất khó khăn về kinh phí, trang thiết bị; cán bộ chi hội trưởng, chi hội phó không có phụ cấp, những khó khăn tồn tại này ảnh hưởng tới hoạt động của hội nông dân cơ sở. Hội nông dân mong muốn Chủ tịch UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ hội nông dân cơ sở đạt hiệu quả cao hơn.

Nghị quyết vướng thì điều chỉnh

Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình với nông dân hôm nay đã nhận được khoảng 20 câu hỏi, trực tiếp gửi tới người đứng đầu UBND tỉnh Thái Bình về 10 nhóm vấn đề nêu trên.

Các lãnh đạo sở, ngành như: Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Khoa học và Công nghệ… đã tham gia trực tiếp giải đáp cho các kiến nghị của nông dân.

Khái quát lại từng vấn đề, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết, tỉnh nghiêm túc tiếp thu, lắng nghe các ý kiến, nguyện vọng của nông dân, từ đó sẽ có các giải pháp xử lý các tồn tại; đồng thời cũng mong bà con nông dân ủng hộ những chủ trương lớn của tỉnh trong các lĩnh vực.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, những vấn đề vướng mắc liên quan sẽ được tỉnh này vào cuộc mạnh mẽ để tháo gỡ và có những biện pháp quyết liệt (ví dụ trong việc doanh nghiệp cung cấp nước sạch không đảm bảo trong thời gian dài, nếu không khắc phục được thì sẽ dùng biện pháp hành chính, điều chỉnh quy hoạch; trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả, nếu vướng ở nghị quyết thì điều chỉnh…).

Chủ tịch Thái Bình: Không để đối thoại với nông dân xong rồi lại đâu vào đó - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận yêu cầu, các đơn vị sở, ngành có liên quan phải vào cuộc mạnh mẽ, không để đối thoại với nông dân xong rồi lại đâu vào đó. Ảnh: T.Đạt/Cổng TTĐT Thái Bình

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, các câu hỏi trao đổi, phản ánh, kiến nghị của đại biểu đại diện cho nông dân trong tỉnh là thiết thực, phản ánh tương đối đầy đủ thực trạng và tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh này.

Sau buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các sở, ban, ngành… tiếp tục triển khai, cụ thể hóa các nội dung đã trao đổi để giải quyết kịp thời, hiệu quả những ý kiến, kiến nghị của đại diện nông dân. Đồng thời, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị, chủ động tham mưu với UBND tỉnh các giải pháp để triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đáp ứng yêu cầu, tâm tư, nguyện vọng của nông dân.

"Tôi cũng đề nghị, yêu cầu ngay sau hội nghị hôm nay, các ý kiến của đại biểu đại diện cho nông dân trong tỉnh là 20 câu hỏi, ngoài ra có ý kiến thêm thì tổng hợp lại…, các cở, ngành phải có trách nhiệm tiếp thu và báo cáo lại kết quả. Những vấn đề gì liên quan trực tiếp thẩm quyền của UBND tỉnh thì các sở, ngành có tham mưu để UBND tỉnh quyết… Phải có những giải pháp cụ thể để cuộc đối thoại có chất lượng. Không để đối thoại xong rồi lại đâu vào đó, không có chuyển biến, không có hiệu quả hoặc những vấn đề vướng mắc của nông dân nêu ra chưa được thực hiện" – Chủ tịch Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh.

Mặt khác, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, người dân là chủ thể, là mục đích của các cơ chế, chính sách đã được Thái Bình ban hành, trách nhiệm của người nông dân là cùng vào cuộc với chính quyền để thực hiện những cơ chế, chính sách.

Theo ông Nguyễn Khắc Thận, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc sản xuất nông nghiệp ở Thái Bình chất lượng, hiệu quả, năng suất chưa cao; công nghiệp chế biến phát triển chậm; thu nhập của nông dân còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao…

Chủ tịch Thái Bình: Không để đối thoại với nông dân xong rồi lại đâu vào đó - Ảnh 4.

Đánh giá nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc chuyển đổi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả còn chậm, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, có một phần do cán bộ cơ sở còn tư tưởng sợ quá trình chuyển đổi không quản lý được. Ảnh: T.Đạt/Cổng TTĐT Thái Bình

Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị các đơn vị thực hiện tốt một số nội dung để hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Cụ thể, các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông thôn, nông dân…

Các sở, ngành, địa phương liên quan cần nghiên cứu sâu, rà soát kỹ các văn bản, quy định, cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tham mưu tổ chức thực hiện hiệu quả tại địa phương; đồng thời tiếp tục nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách tạo động lực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tập trung giải quyết sớm các vấn đề, nội dung kiến nghị tại buổi đối thoại phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và thấu tình đạt lý đồng thời có văn bản trả lời, giải quyết cho từng kiến nghị, đề xuất.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đầu mối theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ này.

Đối với nhiệm vụ cụ thể của các sở, ngành, địa phương trong từng câu trả lời đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân thì thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp đã cam kết tại hội nghị.

Về phía Hội Nông dân tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Hội Nông dân các cấp tiếp tục khẳng định, nâng cao vị trí, vai trò của Hội Nông dân trong đoàn kết, tập hợp, phát triển hội viên nông dân và phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt của hội trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác; phát động phong trào thi đua kinh doanh, sản xuất, phong trào xây dựng nông thôn mới…

Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tạo điều kiện tháo gỡ các khó khăn của hội viên nông dân; tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và thay đổi tư duy tập quán canh tác từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, qua đó hình thành được đội ngũ người làm nông nghiệp chuyên nghiệp…

Tiếp tục tổ chức các diễn đàn, hội nghị đối thoại để nông dân có cơ hội giao lưu, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng; được định hướng, hỗ trợ về ý tưởng khởi nghiệp, những cách làm sáng tạo, hiệu quả, tạo thêm động lực, ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng.

Về phía cán bộ, hội viên Hội Nông dân, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem