Chủ tịch UBND TP.HCM: Không thể xem karaoke tự phát, loa kéo là 'chuyện bình thường'

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 26/02/2021 13:25 PM (GMT+7)
Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại Chủ tịch UBND TP.HCM với chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn ngày 26/2, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu phải xử lý dứt điểm "vấn nạn" karaoke tự phát.
Bình luận 0
Chủ tịch UBND TP.HCM: Không thể xem karaoke tự phát, loa kéo là "chuyện bình thường" - Ảnh 1.

Đối thoại giữa lãnh đạo TP.HCM và Chủ tịch UBND xã, phường ngày 26/2.

Phản ánh tại buổi đối thoại, ông Phan Đình An - Chủ tịch UBND phường 6, quận Gò Vấp - cho rằng các địa phương đang gặp khó khăn khi xử lý vấn đề hát karaoke, loa kéo gây tiếng ồn tại các khu dân cư.

Theo ông An, hiện nay cơ chế để xử lý đã có nhưng không có khả năng thực thi vì mỗi phường chỉ có 1 cán bộ môi trường. Phường cũng không thể đo tiếng ồn để có cơ sở xử lý. "Chúng tôi rất mong muốn vấn đề này được thực thi. Khi chúng tôi yêu cầu công an xử lý thì công an lại cho rằng sau 10 giờ đêm mới xử lý", ông An nói.

Về vấn đề này, ông Võ Trung Trực - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - cho rằng, tiếng ồn karaoke không chỉ phát sinh từ các dịch vụ kinh doanh karaoke mà phát sinh từ những hộ gia đình, gây tiếng ồn cho hàng xóm. Bên cạnh đó, tiếng ồn còn phát sinh từ karaoke loa thùng, loa kéo tại các quán ăn ngoài trời.

Chủ tịch UBND TP.HCM: Không thể xem karaoke tự phát, loa kéo là "chuyện bình thường" - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND xã phường đã nêu nhiều kiến nghị cho thành phố, trong đó có vấn nạn karaoke tự phát.

Ông Trực cho rằng ngành môi trường sẽ rà soát, phối hợp với các sở ngành thành lập một tổ liên ngành có công an, các sở và địa phương để đi xử phạt, lập biên bản. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và môi trường sẽ tiếp tục đề xuất những giải pháp cụ thể để xử lý vấn đề này.

Phát biểu về vấn đề này, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, các cơ quan chức năng đều có ý kiến khác nhau về vấn đề karaoke và vẫn xem đây không phải là công việc của mình.

"Tôi khẳng định cơ quan chủ đạo xử lý vấn đề này là Sở Tài nguyên và môi trường. Để thực thi đúng trách nhiệm, Sở Tài nguyên và môi trường cần rà soát lại các quy định pháp luật có liên quan đến văn hóa, môi trường, an ninh trật tự..., từ đó cập nhật cẩm nang hướng dẫn cho cơ sở. Nếu là tổ chức thì nên thành lập tổ công tác liên ngành. Nếu có mức phạt, cách làm rõ ràng thì người dân và đơn vị sẽ tự chấn chỉnh", ông Hoan nói.

Chỉ đạo tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết ông thường xuyên nhận phản ánh của người dân về tiếng ồn karaoke, nhất là từ sau 10 giờ đêm.

"Người dân đi làm một ngày lao động miệt mài, tối còn bị tra tấn bởi karaoke tự phát là không thể chấp nhận được. Các địa phương, sở ngành cần thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này. Đừng xem chuyện này là chuyện bình thường", ông Phong nhấn mạnh.

 Có phường một cán bộ phải phục vụ 3.500 dân!

Tại hội nghị, nhiều chủ tịch UBND phường, xã đã phản ánh đến lãnh đạo UBND TP.HCM trong buổi đối thoại ngày 26/2 về thực trạng giảm số lượng công chức ở phường xã trong khi khối lượng công việc không hề giảm, gây áp lực rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Ngân, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân cho biết, hiện nay phường Bình Hưng Hòa A có hơn 31.000 hộ với 122.000 nhân khẩu. 

Khi thực hiện nghị định số 34 (sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố), UBND phường đã giải quyết dôi dư cho 28 cán bộ không chuyên trách để đảm bảo đúng quy định.

Sau khi sắp xếp, phường đã bố trí bốn cán bộ ngồi tại bộ phận tiếp nhận một cửa thì  số cán bộ còn lại gặp áp lực lớn trong quá trình giải quyết công việc cho người dân.

"Hiện nay, cán bộ tại phường phải làm thêm giờ mới đảm bảo công việc. Nếu tính số dân thì mỗi cán bộ phải phục vụ 3.500 người dân. Đây là một áp lực rất lớn", ông Ngân nói.

Cũng phản ánh thực trạng tương tự, bà Nguyễn Thị Hương Thảo, Chủ tịch xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, cho biết: Thực hiện nghị định 34, huyện Bình Chánh hiện còn 224 cán bộ không chuyên trách, giảm 41%.

Theo thống kê số lượng dân số, huyện có bốn xã đông dân cư gồm xã Vĩnh Lộc A có 127.000 dân, Vĩnh Lộc B có 129.000 dân, Bình Hưng có 101.000 dân, Tân Kiên có 60.000 dân.

"Số lượng công chức giảm mà công việc không giảm, một số xã trên địa bàn huyện hiện nay còn gặp nhiều khó khăn trong quản lý xây dựng, đất đai. UBND TP nên đề xuất trung ương  cần có chủ trương chia tách địa giới hành chính trên cơ sở đánh giá quy mô dân số.

Nếu chưa có chủ trương thì xem xét bố trí tăng cường cán bộ cấp xã, phường. Ví dụ, trên 15.000 dân thì nên bố trí thêm một công chức để đảm bảo công việc", bà Thảo nói.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, Sở Nội vụ đã đưa ý kiến nhiều lần về số lượng cán bộ không chuyên trách tại các phường, xã theo nghị định 34. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ khẳng định, tiêu chí quy mô dân số không phải là tiêu chí để sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, không lấy tiêu chí này để sắp xếp cán bộ.

Mặc dù vậy, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục có những ý kiến đề xuất phù hợp để đáp ứng công tác phục vụ nhân dân tại các phường, xã, thị trấn.

Yêu cầu kiểm điểm vụ chùa Viên Giác tụ tập đông người

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị quận Tân Bình kiểm điểm trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường 1, do để xảy ra vụ việc tụ tập đông người tại chùa Viên Giác (phường 1, quận Tân Bình) và nhấn mạnh: "Vụ việc tụ tập cả nghìn người trong dịch Covid-19 tại chùa Viên Giác là không thể chấp nhận". 

Trước đó, hôm 19/2, chùa Viên Giác đã tổ chức lễ Kỳ An Hội, với số người tham dự khoảng ngàn người. Sau đó, UBND quận Tân Bình đã yêu cầu nhà chùa tạm dừng hoạt động, không đón Phật tử cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời, ngành y tế quận cũng đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm những người liên quan đến lễ Kỳ An Hội tại chùa Viên Giác.

Ông Phong cho biết, đến nay TP.HCM đã hoàn thành được nhiệm vụ kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế nhưng nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn thường trực. TP.HCM là đô thị lớn, có mức độ giao thương với khu vực và quốc tế nên luôn ở trong tình trạng nguy cơ cao, chỉ khi nào thế giới kiểm soát được dịch thì TP.HCM mới hết nguy cơ

Người đứng đầu chính quyền TP đề nghị lãnh đạo các quận, huyện và địa bàn cơ sở cần đặt mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19 làm trọng tâm trong năm 2021. Ông yêu cầu cán bộ, lãnh đạo địa phương phải bám sát địa bàn, không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh.

Trong năm 2021, ông Phong cho biết, TP.HCM xác định chủ đề năm là "Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư", trong đó, việc thực hiện mục tiêu kép, tập trung kiểm soát tốt lây nhiễm Covid-19 vẫn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Theo ông, để hoàn thành mục tiêu trên, vai trò của chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn là rất quan trọng.

Ngoài việc giải đáp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng muốn lắng nghe những phản hồi từ các chính sách, những hiến kế cho UBND TP, đặc biệt là các giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ trong khâu vận hành các quyết sách của TP  theo kiểu "trên nóng dưới lạnh, trên quyết liệt dưới thờ ơ".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem