Chữa bệnh hết tiền tỷ may được BHYT "cứu trợ"

Tuấn Kiệt - Ngọc Mai Thứ sáu, ngày 25/11/2022 06:07 AM (GMT+7)
Nhiều người mắc bệnh trọng, chi phí khám chữa bệnh lên đến hàng tỷ đồng. Nhưng nhờ tham gia BHYT mà gánh nặng đã được san sẻ rất nhiều.
Bình luận 0

Dù khó khăn vẫn quyết tâm tham gia BHYT

Chị Vũ Thị Hường (trú tại tổ 4, phường Chiềng Sinh, T.P Sơn La, tỉnh Sơn La) đã tham gia BHYT nhiều năm.

Chị chia trẻ, từ những năm 2000, khi còn là công nhân nhà máy xi măng Chiềng Sinh, chị tham gia BHYT theo diện bắt buộc. Năm 2012 nhà máy dừng hoạt động nên chị mất việc. Tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT nên chị đã tham gia BHYT hộ gia đình, dù kih tế còn nhiều khó khăn.

Chính quyết tâm này đã trở thành "cứu cánh" cho chị khi năm 2016, chị đau ốm liên miên, khi đi viện được chẩn đoán mắc bệnh suy tủy xương.

Chữa bệnh hết tiền tỷ may được BHYT "cứu trợ" - Ảnh 1.

Nhân viên thu của BHXH Sơn La chia sẻ thêm với chị Vũ Thị Hường (bên phải) về chính sách BHXH, BHYT. Ảnh BHXH Sơn La

"Bệnh nặng khiến tôi phải chạy chữa khắp nơi, từ Bệnh viện ở Sơn La rồi xuống các Bệnh viện Trung ương ở Hà Nội. Bệnh của tôi quá nặng, các bác sĩ cho biết cần phải ghép tế bào gốc. Rất may em gái tôi đã có tế bào tương thích. 

Chi phí ghép tế bào gốc là hơn 1 tỷ đồng nhưng vì đã tham gia BHYT 5 năm năm liên tục nên tôi đã được giảm rất nhiều, chỉ còn phải chi trả hơn 300 triệu đồng. 

Thật may là tôi đã tham gia BHYT, vì nếu không có BHYT chắc gia đình tôi đã táng gia bại sản và có thể tôi còn không dám điều trị nữa", chị Hường chia sẻ. 

Chị Hường khẳng định, đến nay dù kinh tế gia đình chẳng mấy dư dả nhưng hàng năm chị đều dành tiền để tham gia BHYT cho cả gia đình. 

BHYT đồng hành "chữa bệnh" suốt 20 năm 

Chị Nguyễn Thị Huệ (trú tại tổ 4, phường Quyết Tâm, T.P Sơn La, tỉnh Sơn La) đã chống chọi với bệnh tật trong gần 20 năm qua. Chị là người rõ hơn ai hết lợi ích mà BHYT đã mang lại cho người bệnh. 

Chị Huệ cho biết, năm 11 tuổi chị được chẩn đoán mắc bệnh quái ác lupus ban đỏ. Lúc đó, gia đình khó khăn nên chị không được điều trị thường xuyên, bệnh đã bị biến chứng nặng nề. 

Năm 2017, chị Huệ bị thiên đầu thống và phải mổ mắt, sau đó mắc chứng teo dây thần kinh thị giác và một mắt mất hoàn toàn thị lực mắt còn lại còn 2/10. 

Gần 20 năm nay, chị đã đi lại bệnh viện như cơm bữa. Hành trình điều trị của chị, bên cạnh bố mẹ thì BHYT chính là "người bạn" thân thiết nhất. Tiền viện phí mà chị đã được BHYT chi trả đã là một khoản tiền khổng lồ. 

"Nếu không có BHYT chắc em và gia đình không thể chống chọi được ngần ấy thời gian", Huệ nghẹn ngào nói.

Chữa bệnh hết tiền tỷ may được BHYT "cứu trợ" - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Huệ (thứ 2 từ trái sang) chia sẻ về tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT đối với chị. Ảnh N.M

BHYT được coi là tấm thẻ vàng bảo vệ sức khỏe, giúp người tham gia BHYT giảm gánh nặng về chi phí khám, chữa bệnh khi ốm đau, tai nạn, đặc biệt là đối với những trường hợp bệnh nặng, bệnh mãn tính điều trị kéo dài hay những bệnh cần phẫu thuật. Đã có nhiều người bệnh được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh lên tới hàng tỷ đồng.

Theo BHXH tỉnh Sơn La, tính đến 31/10/2022, tổng số người tham gia BHYT trên toàn tỉnh là 1.160.731 người (tỷ lệ bao phủ 92,4%). Từ giờ đến cuối năm, BHXH tỉnh Sơn La đặt mục tiêu có 95,9% dân số tham gia BHYT. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem