Chưa rõ động cơ nào thúc đẩy nguyên Chủ tịch Vinalines bỏ trốn

Thứ ba, ngày 22/05/2012 13:53 PM (GMT+7)
Dân Việt - Trả lời câu hỏi vì sao CQĐT lại để ông Dũng trốn thoát, Đại tá Thanh chỉ nói: Chúng tôi chưa nắm được động cơ thúc đẩy đối tượng bỏ trốn. Việc có lộ, lọt thông tin hay không, chúng tôi đang xác minh làm rõ.
Bình luận 0

Trả lời câu hỏi trước đó ông Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch Vinalines, đã từng bị triệu tập để lấy lời khai chưa, Đại tá Trần Duy Thanh cho biết:

Trước đây, với vụ án tham ô tài sản liên quan tới việc sửa chữa ụ nổi 83M, Cơ quan CSĐT chưa có tài liệu nào chứng tỏ ông Dũng có liên quan. Còn với hành vi cố ý làm trái, CQ CSĐT đã vài lần triệu tập ông Dũng lên làm việc và tại đây, ông Dũng thừa nhận đã làm trái với chỉ đạo của Chính phủ, với Luật Đầu tư, Luật đấu thầu.

Trả lời câu hỏi vì sao CQĐT lại để ông Dũng trốn thoát dù trước đó đã nhiều lần triệu tập ông này lấy lời khai, liệu có khả năng thông tin của CQĐT bị lộ, lọt hay không, Đại tá Thanh chỉ nói: Hiện chúng tôi chưa nắm được nguyên nhân, động cơ nào thúc đẩy đối tượng này bỏ trốn. Việc có lộ, lọt thông tin hay không, chúng tôi đang xác minh làm rõ.

Tất cả điều này sẽ được làm rõ nếu bắt được đối tượng. Còn theo quy định của pháp luật, khi bị can bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu, CQĐT có quyền ra lệnh truy nã.

Chiều 17.5, khi ra quyết định khởi tố, triệu tập ông Dũng mà không được, cũng không có ở nơi cư trú, làm việc thì chúng tôi ra quyết định truy nã ngay. Còn nếu đối tượng đã ra nước ngoài thì sẽ phối hợp với Interpol ra lệnh truy nã quốc tế.

Lý giải vì sao đầu tiên vụ án được khởi tố với tội danh tham nhũng, sau đó các bị can như Dũng, Phúc, Chiều lại bị khởi tố với tội danh “Cố ý làm trái...”, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng cho biết:

Vụ án tại Vinalines được khởi tố từ 1.2.2012, trong quá trình điều tra ban đầu, CQĐT mới xác định các bị can bị tạm giam trước đó liên quan tới hành vi tham ô tài sản liên quan tới việc sửa chữa ụ nổi. Còn sau này, CQĐT xác minh việc mua ụ nổi 83M có liên quan tới trách nhiệm ông Dũng, ông Phúc, ông Chiều và quyết định khởi tố các bị can này về hành vi “cố ý làm trái...”.

Về trách nhiệm của các cơ quan liên quan, đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước cấp cao hơn trong vụ án nghiêm trọng này, Đại tá Thanh cho biết: Trong quá trình điều tra, chúng tôi có xem xét trách nhiệm các cơ quan liên quan. Sau khi tiến hành điều tra làm rõ các hành vi, sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Trước thông tin liệu việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải có sai quy trình khi mà trước đó, đã có thông tin ông này có dính líu trực tiếp tới vụ án và cũng đã từng bị CQĐT triệu tập, Đại tá Thanh giải thích: Việc bổ nhiệm ông Dũng là thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT. CQĐT chỉ mới chính thức làm việc và trao đổi tài liệu với Bộ GTVT về vụ việc liên quan tới sai phạm của ông Dũng vào ngày 18.5, tức là một ngày sau khi ông bị khởi tố. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã đình chỉ công tác với ông Dũng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem