Chưa từng có: Chỉ vì Covid-19 mà giá nhiều loại trái cây giảm sâu dù nhà nông đã rải vụ

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 02/10/2021 18:19 PM (GMT+7)
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), áp dụng sản xuất rải vụ cây ăn trái sẽ giảm bớt áp lực tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 mà giá nhiều loại trái cây giảm sâu.
Bình luận 0

5 loại trái cây thực hiện rải vụ

Báo cáo của Cục Trồng trọt cho thấy, ước tính diện tích rải vụ năm 2021 với 5 loại trái cây (thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn) tại các tỉnh ĐBSCL và Bình Thuận (thanh long) có tổng diện tích là 132.600ha, tổng sản lượng rải vụ 1,219 triệu tấn, chiếm 56,9% tổng sản lượng.

Trong đó, diện tích cây sầu riêng rải vụ đạt 7.200ha, sản lượng rải vụ 137.600 tấn; cây xoài có diện tích rải vụ 10.600ha, sản lượng 138.100 tấn; cây nhãn diện tích rải vụ 7.500ha, sản lượng 70.500 tấn; chôm chôm diện tích rải vụ 3.200ha, sản lượng 38.400 tấn; thanh long diện tích rải vụ 44.800ha, sản lượng 834.600 tấn.

Rải vụ cây ăn trái, giảm áp lực mùa vụ - Ảnh 1.

Diện tích sầu riêng rải vụ tại xã Tam Bình, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: T.L

Bộ NNPTNT đề nghị Bộ Công Thương đề xuất, triển khai các giải pháp phù hợp thúc đẩy tiêu thụ nông sản tươi tại các vùng đang dịch bệnh nhằm nhanh chóng đưa nông sản đến tay người dân có nhu cầu; làm việc với các hệ thống phân phối để đơn giản hóa thủ tục, quy trình đầu vào các hệ thống nằm trên địa bàn tỉnh nào hỗ trợ thu mua nông sản cho nông dân tỉnh đó nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm cũng như giảm áp lực cho phương tiện vận chuyển đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, trong thời gian qua nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được nghiên cứu, áp dụng thành công đã thúc đẩy sản xuất cây ăn quả phát triển như: Rải vụ thu hoạch, ghép cải tạo thay thế giống và trẻ hóa những vườn cây già cỗi.

Tỉa cành tạo tán, tưới nước tiết kiệm, thụ phấn bổ sung; quy trình nhân và sản xuất chuối tiêu từ cấy mô, quy trình công nghệ tác động giai đoạn ở cận và sau thu hoạch cho giống nhãn chín muộn.

Xử lý hóa chất khắc phục hiện tượng ra quả cách năm trên cây nhãn; sử dụng đèn tiết kiệm điện (compact, led) để xử lý ra hoa thanh long, kỹ thuật xử lý ra hoa xoài, nhãn nghịch vụ...

"Tuy nhiên, việc rải vụ 5 loại trái cây (thanh long, chôm chôm, sầu riêng, nhãn, xoài) tại Nam Bộ tiếp tục gặp khó khăn về tiêu thụ những tháng cuối năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. 

Ngoài ra, dự báo hạn hán, xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng những tháng cuối năm. Vì vậy, có thể một số diện tích cây ăn quả thiếu nước tưới, một số nông dân chưa an tâm tiến hành rải vụ" - ông Tùng nêu một thực tế.

Trên thực tế, tình hình hình dịch Covid - 19 phức tạp tại các tỉnh Nam Bộ từ tháng 5 đến nay đã ảnh hưởng đến tiêu thụ trái cây trong nước và xuất khẩu. 

Mặc dù các cơ quan Trung ương đến địa phương đã có nhiều giải pháp để trái cây được thu mua, thông quan, tiêu thụ và xuất khẩu nhưng tình hình tiêu thụ một số thời điểm gặp khó khăn, dẫn đến giá một số mặt hàng trái cây như thanh long, chuối, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, xoài, dứa… rất thấp.

Rải vụ cây ăn trái, giảm áp lực mùa vụ - Ảnh 3.

Diện tích thanh long rải vụ đạt 44.800ha, sản lượng 834.600 tấn. (Ảnh minh họa).

Cụ thể, giá bán một số cây ăn quả chính vụ có thời điểm ở mức rất thấp so với cùng kỳ năm trước như thanh long ruột đỏ 3.000 - 5.000 đồng/kg; thanh long ruột trắng 2.000 - 3.000 đồng/kg; nhãn có giá thu mua giảm khoảng 40 - 50% so với cùng kỳ (nhãn Eldor 8.000 - 10.000 đồng/kg; nhãn xuồng cơm vàng 10.000 - 15.000 đồng/kg); chôm chôm 6.000 - 7.000 đồng/kg, giảm khoảng 20 - 30% so cùng kỳ; sầu riêng 30.000 - 35.000 đồng, giảm khoảng 20 - 30% so cùng kỳ…

Ứng phó hạn mặn bảo vệ vườn cây ăn trái

Rải vụ cây ăn trái, giảm áp lực mùa vụ - Ảnh 3.

Để ứng phó với hạn mặn, ông Tùng khuyến cáo nông dân chủ động sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình…) hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc giữ ẩm cho cây. 

Cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước.

Củng cố hệ thống đê bao và đê xung quanh vườn để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập. 

Đo độ mặn cẩn thận trước mỗi lần lấy nước, không tưới nước có độ mặn >1‰ cho cây. Đối với một số cây ăn quả mẫn cảm với mặn như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… không tưới nước có độ mặn >0,5‰. 

Trong thời gian nhiễm mặn chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cho cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt (kéo dài thời gian giữa hai lần tưới, giảm số lần tưới và lượng nước tưới).

Khi vườn cây ăn trái đã bị nhiễm mặn, bà con nên bón bổ sung phân Sulphate Kali (K2SO4), vôi bột lượng 500 - 1.000kg/ha. 

Nếu hạn, mặn kéo dài phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn; phân vi lượng chứa canxi, magiê, silic giúp tăng khả năng đề kháng của cây.

Để việc sản xuất cây ăn trái của các tỉnh Nam Bộ thuận lợi trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch Covid-19 vẫn phức tạp, Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, giám sát thực hiện đúng định hướng, xác định cụ thể diện tích từng loại cây thông qua việc quản lý vùng trồng gắn với việc xây dựng hệ thống thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ.

 Hỗ trợ, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, đánh giá cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trên địa bàn.

 Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ với các hệ thống siêu thị trong nội tỉnh và ngoại tỉnh, bán các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử...



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem