Chuyện những người phụ nữ thầm lặng chăm "giấc ngủ" cõi âm vào ngày Tết

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 24/01/2023 07:30 AM (GMT+7)
Trong những ngày Tết, với những người phụ nữ làm công việc chăm sóc mộ phần, họ vừa trọn vẹn việc sửa biện lễ vật, dâng cúng bàn thờ gia tiên, vừa lo trọn cho những mộ phần không quen biết, không thân thích nơi nghĩa trang cô quạnh.
Bình luận 0

Chuyện về những người chăm "giấc ngủ" cõi âm ngày Tết 

Đều đặn mỗi sáng, chị Nguyễn Thu Hiền (36 tuổi, quê Hoà Bình) dậy từ rất sớm thu xếp việc nhà rồi bắt đầu công việc chăm sóc, dọn dẹp mộ phần tại Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên ở TP Hoà Bình. Những ngày cuối năm, công việc của chị Hiền thêm nhiều hơn như vừa nhổ cỏ, vun trồng, tưới cây... để các ngôi mộ hoa đua nở, lá xanh mướt.

Chuyện những người chăm "giấc ngủ" cõi âm những ngày Tết - Ảnh 1.

Chị Hà Thị Hồng đã có hơn 10 năm chăm sóc mộ phần người đã khuất. Ảnh: Gia Kiêm

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, chị Hiền kể đã gắn bó với công việc này hơn 5 năm qua. "Lúc đầu khi mới xin vào làm việc ở đây tôi cũng có chút sợ hãi. Tuy nhiên, khi làm công việc phục vụ cõi âm này mình cứ tập trung làm hết phần việc, chăm chút cẩn thận tôi thấy rất thoải mái và yêu thích. Các phần mộ cũng chính như người thân trong gia đình mình nên chúng tôi cứ lặng lẽ làm", chị Hiền nói.

Tiếp lời chị Hiền, chị Hà Thị Hồng (44 tuổi) chia sẻ, đã gắn bó với công việc phục vụ "cõi âm" hơn 10 năm qua và xác định gắn bó tới khi không còn làm được nữa.

Chuyện những người chăm "giấc ngủ" cõi âm những ngày Tết - Ảnh 2.

Theo chị Hồng, công việc lau dọn phần mộ phải rất tỉ mẩn, không thể làm qua loa. Ảnh: Gia Khiêm

"Lúc đầu tâm lý tôi cũng có chút sợ nhưng làm dần cũng quen. Tôi chăm sóc cho khoảng 170 ngôi mộ, hàng ngày tôi cắt tỉa, chăm sóc cây, tưới cây, lau dọn mộ… Ngày rằm hay mùng 1 âm hàng tháng thì thắp hương. Công việc này cũng đòi hỏi phải rất cẩn thận như mộ lát đá đen lau một lần không thể sạch được vì vậy phải lau như thế nào cho không bị trắng. Với loại đá xanh hay bị rêu bám phải lau nhiều lần mới sạch được. Vào mùa cỏ mọc chúng tôi phải đào nhổ từng cây để khi gia chủ lên cảm thấy hài lòng", chị Hồng chia sẻ.

Ngoài ra theo chị Hồng, một số loài cây được người nhà mang tới trồng chị cũng tìm hiểu cách chăm sóc. Có lúc hỏi ý kiến gia chủ người thân xem có nên cắt tỉa hay không. "Có nhiều gia đình cẩn thận, khó tính nên mình làm lâu nếu gặp sẽ hiểu từng người. Có những lời hỏi thăm, động viên, cảm ơn của người thân chúng tôi cũng thấy vui vẻ, ấm lòng hơn", chị Hồng bày tỏ.

Tết của những người phụ nữ chăm "giấc ngủ" cõi âm những ngày Tết 

Chị Bạch Thị Cúc (44 tuổi, ở xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) cũng có thâm niên gần 10 năm chăm sóc mộ phần tại đây. Chị Cúc vừa tự tay sắm những trái cây, gói kẹo, cành hoa, chuẩn bị những mâm cơm tươm tất nhất để dâng lên bàn thờ gia tiên, vừa trọn những mâm lễ, nén nhang cho các mộ phần ở nghĩa trang. 

Chuyện những người chăm "giấc ngủ" cõi âm những ngày Tết - Ảnh 3.

Nhân viên nghĩa trang cắt tỉa, chăm sóc cây xanh vào những ngày cận Tết. Ảnh: Gia Khiêm

Năm nay, chị Cúc may mắn không phải trực những ngày đầu năm mới nhưng trước hôm nghỉ chị vẫn phải trọn vẹn với công việc nhiều năm tại các ngôi mộ. Những ngày đầu của kỳ nghỉ Tết, chị Cúc tỉ mẩn đặt từng viên gạch xuống khuôn viên mộ phần mới để chuẩn bị làm nền và trồng cỏ tạo cảnh quan. 

Chị Cúc cho biết, những công việc đo đất, đặt đá là của đàn ông nhưng do khối đá không quá nặng và cũng không cần trộn vữa, trát xi nên chị Cúc kiêm luôn phần việc này. "Chỉ cần giăng dây, đặt viên đá xuống từng ô đất đã định sao cho cân bằng, phẳng là được", chị Cúc vừa nhướn mắt đo tỉ lệ cân bằng, vừa cho hay. 

Chuyện những người chăm "giấc ngủ" cõi âm những ngày Tết - Ảnh 4.

Những ngôi mộ thường xuyên có người chăm sóc, cắm hoa tươi. Ảnh: Gia Khiêm

Theo chị Cúc, người Việt có tâm niệm "trần sao, âm vậy". Khi ở còn sống mong muốn được ở trong một ngôi nhà, nơi ở thoáng mát, sạch sẽ thì khi rời sang thế giới bên kia, cũng mong mỏi được an táng ở một nơi mát mẻ, sạch sẽ. Bởi vậy, công việc chăm sóc, làm đẹp mộ phần ra đời với mong muốn giúp các gia chủ trọn việc đạo hiếu. Với các gia đình ở xa như ở nước ngoài, gia chủ sẽ "giao" lại những phần việc bày biện mâm lễ và thắp nhang tại mộ phần cho nhân viên nghĩa trang. 

Chuyện những người chăm "giấc ngủ" cõi âm những ngày Tết - Ảnh 5.

Với các gia đình ở xa như ở nước ngoài, gia chủ sẽ "giao" lại những phần việc bày biện mâm lễ và thắp nhang tại mộ phần cho nhân viên nghĩa trang. Ảnh: Gia Khiêm

Chị Bùi Thị Ngân (34 tuổi, ở xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) cũng là nhân viên chăm sóc mộ phần tại Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên. Sở dĩ chị Ngân lựa chọn công việc này cũng bởi nghĩa trang cách nhà chỉ 3km. 

Chị Ngân cho biết, trước đây, khi nghĩ đến những công việc trong khuôn viên nghĩa trang là nghĩ ngay đến những người lớn tuổi. Bởi chỉ những người lớn tuổi mới đủ bản lĩnh, đủ can trường để làm công việc chăm sóc "nơi an nghỉ của người đã khuất". 

Đến nay, chị Ngân đã có gần 6 tháng bắt tay vào công việc chăm sóc nhà của người đã khuất. Bỏi vậy, biết đến và gắn thời gian với công việc này, chị Ngân tin rằng vào chữ "duyên". Do làm theo ca 8 giờ một ngày nên những ngày cận Tết Nguyên đán, để không bị ùn việc nhà, chị Ngân đã tranh thủ thời gian ngoài giờ làm việc để mua sắm hàng hóa, bánh kẹo cho ngày Tết. 

"Tranh thủ thời gian ngoài giờ làm việc, tôi đã mua tất cả những thực phẩm, bánh kẹo, mứt, trái cây cho ngày Tết. Khi xong công việc dọn dẹp, bày biện mâm lễ, thắp nhang ở từng phần mộ ngoài nghĩa trang, tôi về nhà là chỉ việc bày mâm ngũ quả, dâng lên bàn thờ", chị Ngân cho hay. 

Theo chị Ngân, làm công việc chăm sóc mộ phần đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, chỉn chu, tận tâm và định kỳ. "Vì liên quan đến mộ phần nên chúng tôi không được phép để xảy ra sai xót, phải đặt chữ tâm lên đầu và cũng vì đòi hỏi sự tỉ mỉ, chỉn chu mà những người phụ nữ trẻ, mới lập gia đình mà tôi thấy mình trưởng thành hơn", chị Ngân nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem