Chuyển đổi số - chìa khóa để phát triển nông nghiệp hiện đại

Trần Quang Thứ bảy, ngày 25/09/2021 18:56 PM (GMT+7)
Đó là nhận định của nhiều đại biểu tham dự tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Chuyển đổi số nông nghiệp: Không để chậm trễ" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) phối hợp Báo NTNN/Dân Việt tổ chức ngày 23/9.
Bình luận 0

Khuyến nông thích ứng nhanh với chuyển đổi số

Trao đổi tại tọa đàm, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) cho hay: Trong tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng, tác động và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, TTKNQG được Bộ NNPTNT giao là đầu mối hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trên toàn quốc. Theo đó, trong thời gian qua, trung tâm đã tổ chức nhiều sự kiện, diễn đàn, dự án triển khai các địa phương, hỗ trợ bà con nông dân sản xuất thích ứng với đại dịch.

Cụ thể, theo ông Thanh, hệ thống TTKN đã biến lớp học truyền thống thành lớp học online trong các môi trường khác nhau. Thông qua hình thức tiếp cận mới này, các cán bộ khuyến nông tương tác rất cụ thể với bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, qua hình thức online, khuyến nông viên cũng đã tiếp cận được công nghệ số, hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.

Chuyển đổi số - chìa khóa để phát triển nông nghiệp hiện đại - Ảnh 1.

Công nhân áp dụng công nghệ chăm sóc dưa chuột trong nhà kính tại Công ty Green Farm, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Ảnh: Đoàn Thư

"Công nghệ số phải số hóa được lý lịch sản phẩm của nông dân, và tích lũy giá trị, như vậy chúng ta có nền nông nghiệp minh bạch: minh bạch từ nguồn gốc, giá trị sản xuất".

Ông Lê Quốc Thanh

Theo ông Thanh, TTKNQG đã bắt đầu xây dựng đề án chuyển đổi số trong hệ thống khuyến nông, hoạt động khuyến nông phải được ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ thông tin, phải có cơ sở dữ liệu đầy đủ.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản Việt Nam bế tắc, những thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, EU, Mỹ bị tác động lớn; cộng thêm tác động của hạn hán, xâm nhập mặn và bão lũ, nền nông nghiệp Việt Nam chứng kiến cảnh nông dân mất mùa, doanh nghiệp phá sản và hàng loạt khó khăn trước mắt.

Theo đó, ông Thanh cho rằng: Cùng với đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, chuyển đổi số được xem là "thang thuốc" hiệu quả cho tương lai nông nghiệp Việt. Và chuyển đổi số được nhắc đến không chỉ như một xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam.

PGS-TS Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam thông tin, Việt Nam chúng ta bắt đầu đề cập đến việc chuyển đổi số. Đối với ngành nông nghiệp đã bắt đầu khởi động chuyển đổi số nhưng đang chậm một chút hơn so với các ngành nghề khác.

"Trong nguy có cơ, Covid - 19 bắt chúng ta phải thay đổi, thực hiện chuyển đổi số. Đầu tiên là những hộ trực tiếp sản xuất, sau đó là cán bộ ngành nông nghiệp, công thương... Chúng ta thay đổi giải pháp, dần dần ứng dụng công nghệ số, bắt đầu là ứng dụng internet, sau dần là những nền tảng thông minh" - ông Đào Thế Anh chia sẻ.

Ngành trọng điểm để áp dụng chuyển đổi số

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã phối hợp Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương triển khai đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, giúp nông dân tiếp cận với phương thức thương mại hiện đại. 

Ông Dương Tôn Bảo - Vụ Bưu chính, Bộ TTTT cho rằng: Việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua các sàn thương mại điện tử là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, giúp hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, HTX… trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường.

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã phối hợp Công ty CP iCheck hoàn thiện Cổng thông tin buoiphuctrach.gov.vn và app Bưởi Phúc Trạch. Đến nay sau 22 ngày, huyện Hương Khê đã tiêu thụ được 70% sản lượng bưởi Phúc Trạch với 14.000 tấn, trong đó một số lượng lớn bưởi đã được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.

Ông Bảo khẳng định: Trên thế giới, Việt Nam không phải là một trong những nước đi đầu về ban hành chuyển đổi số quốc gia. Tuy đi sau nhưng lại là tiên phong, bởi ngay từ đầu chúng ta đã xác định nông nghiệp là 1 trong 8 ngành trọng điểm để áp dụng chuyển đổi số.

Theo ông Bảo, năm nay có lẽ là năm khởi đầu và cũng là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số nông nghiệp. Cụ thể, năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp ở Việt Nam. 

Chuyển đổi số - chìa khóa để phát triển nông nghiệp hiện đại - Ảnh 4.

Nhân viên sàn thương mại điện tử Postmart.vn hướng dẫn nông dân huyện Cao Phong (Hòa Bình) đưa nông sản lên sàn. Ảnh: CTV.

Trong bối cảnh đó,vải thiều Bắc Giang đang đến độ chín và thu hoạch, việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trở lên cần thiết hơn bao giờ hết. Nắm bắt được tình hình đó, Bộ TTTT với thế mạnh về công nghệ đã liên kết với Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương xây dựng sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn, để nâng tầm giá trị nông sản Việt và tiêu thụ nông sản Việt Nam.

"Thành công với chúng tôi ở thời điểm đó là không có từ giải cứu trên truyền thông mà là thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Sở hữu hai sàn thương mại điện tử, chúng tôi đã vào cuộc với Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương, và chúng ta đã có một kết quả ấn tượng – con số ấn tượng về tỷ lệ tiêu thụ thông qua sản thương mại điện tử. Lần đầu tiên có sàn thương mại điện tử make in Việt Nam, xuyên biên giới qua thị trường châu Âu. Chỉ trong 4 ngày, sản phẩm nông sản Việt Nam đã có mặt ở những nước châu Âu" - ông Bảo nói.

Tại điểm cầu Hà Tĩnh, ông Nguyễn Văn Trí - Giám đốc TTKN tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, tại tỉnh này, bưởi Phúc Trạch là sản phẩm được thực hiện chuyển đổi số đầu tiên. Trong chưa đầy 1 tháng, Tổ công tác đã số hóa trên diện tích 990ha.

Để chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công, các chuyên gia cho rằng, các chính sách được ban hành cần phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính thực tiễn cao nhằm huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0. 

Qua đó, chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất để tạo ra một luồng sinh khí mới.

"Đặc biệt, đầu tư vào tư duy cho người dân là quan trọng nhất. Nếu có tư duy tốt, có các chương trình phát triển tư duy trực tiếp cho người dân, cứ cho 1 triệu người mà có khoảng 10.000 người áp dụng tư duy chuyển đổi số thì cũng thay đổi cả triệu người. Quan trọng hơn cả là cần sự kết hợp của cả chính sách và trình độ dân trí để chuyển đổi số thành công trong nông nghiệp" - ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem