Chuyển động “thú vị” danh mục cho vay tại Nam A Bank và ngân hàng “lạ” nhất Việt Nam ở thời khắc lịch sử

20/02/2022 11:39 GMT+7
Danh mục cho vay khách hàng của Nam Á Bank có xu hướng bền vững hơn. Nhưng Eximbank - ngân hàng "lạ" nhất Việt Nam của tân Chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú, những con số cho vay đối với lĩnh vực Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt đã được "lộ diện".

Tham vọng của Nam A Bank ở Eximbank - Ngân hàng "lạ" nhất Việt Nam?

Như Dân Việt đã đưa tin, tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) ngày 15/2 vừa qua, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) đã chốt xong danh sách 7 ứng viên trúng cử vào HĐQT nhiệm kỳ VII (2022-2025).

Ngay sau đó, bà Lương Thị Cẩm Tú – 1 trong 7 thành viên trúng cử được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) thay cho ông Yasuhiro Saitoh.

Bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu vào làm thành viên HĐQT của Eximbank vào tháng 4/2018. Tại thời điểm đó, bà Tú đang là Tổng giám đốc của Ngân hàng Nam Á (Nam Á Bank). Bà được cho là đại diện của nhóm cổ đông chủ chốt tại Nam Á Bank tham gia vào HĐQT của Eximbank.

Chuyển động “thú vị” về danh mục cho vay tại Nam Á Bank và ngân hàng “lạ” nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Bà Lương Thị Cẩm Tú từng là Tổng Giám đốc ngân hàng Nam Á trước khi về đầu quân tại Eximbank. Ảnh: T.M.

Thực tế, việc đầu tư vào Eximbank của Nam Á Bank diễn ra vào cuối năm 2014 khi một nhóm nhà đầu tư liên quan đến gia đình Chủ tịch Nam Á Bank mua lại cổ phần của ông Trầm Bê – cựu Phó Chủ tịch Sacombank.

Sau khi mua lại cổ phiếu từ ông Trầm Bê, nhóm này đã có kế hoạch đưa người vào Hội đồng quản trị Eximbank giai đoạn 2015 – 2016 nhưng bất thành. Hai lãnh đạo từ Nam Á Bank khi đó sang Eximbank đã phải quay về. Chỉ đến năm 2018, bà Lương Thị Cẩm Tú mới được bầu vào làm thành viên quản trị cho tới nay.

Báo cáo quản trị năm 2021, bà Lương Thị Cẩm Tú đang sở hữu gần 13,8 triệu cổ phiếu EIB (tương ứng tỷ lệ sở hữu 1,117% vốn).

Chuyển biến cơ cấu khách hàng vay tại Eximbank khi có "người" của Nam A Bank

Năm 2018 – năm đầu tiên bà Lương Thị Cẩm Tú từ Nam Á Bank bước chân vào HĐQT của Eximbank, tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân của nhà băng này chiếm tới 41,6% tổng dư nợ cho vay khách hàng tính đến cuối năm 2018.

Đến năm 2019, mặc dù tỷ lệ này giảm xuống 37%, song vẫn cao hơn nhiều nếu so với năm 2014 - trước khi nhóm cổ đông liên quan Nam Á Bank lộ chiến lược "thâu tóm" Eximbank.

Chuyển động “thú vị” về danh mục cho vay tại Nam Á Bank và ngân hàng “lạ” nhất Việt Nam - Ảnh 2.

Tổng hợp báo cáo tài chính Eximbank.

Đơn cử như năm 2014, dư nợ cho vay dịch vụ cá nhân và công cộng chiếm tỷ trọng 33,7% trong tổng dư nợ cho vay khách hàng của Eximbank. Đến năm 2015, con số này bất ngờ giảm xuống còn 26,2%.

Chuyển động “thú vị” về danh mục cho vay tại Nam Á Bank và ngân hàng “lạ” nhất Việt Nam - Ảnh 3.

Tổng hợp báo cáo tài chính Eximbank.

Từ năm 2020, dư nợ cho vay dịch vụ cá nhân và công cộng không còn xuất hiện tại báo cáo tài chính của Eximbank. nhưng thay vào đó, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực rủi ro như bất động sản đã "đủ lớn" để công khai trên báo cáo tài chính của ngân hàng.

Điều đáng nói, tỷ trọng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản luôn chiếm từ 25 – 30% tổng dư nợ cho vay khách hàng của Eximbank chỉ sau bán buôn bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác.

Chuyển động “thú vị” về danh mục cho vay tại Nam Á Bank và ngân hàng “lạ” nhất Việt Nam - Ảnh 4.

Tổng hợp báo cáo tài chính Eximbank.

Danh mục cho vay Nam A Bank bền vững hơn?

Tháng 4/2018, bà Lương Thị Cẩm Tú – nguyên Tổng giám đốc của Nam A Bank nhận nhiệm vụ mới, vai trò mới - thành viên HĐQT Eximbank.

Kể từ đây, ngược với Eximbank khi dư nợ cho vay khách hàng đang tập trung nhiều tại lĩnh vực rủi ro, cơ cấu cho vay khách hàng tại Nam A Bank lại chuyển biến theo hướng bền vững, giảm thiểu cho vay các nhóm ngành bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tín dụng.

Chuyển động “thú vị” danh mục cho vay tại Nam A Bank và ngân hàng “lạ” nhất Việt Nam ở thời khắc lịch sử - Ảnh 5.

Tỷ trọng cho vay lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong tổng dư nợ cho vay khách hàng của Nam A Bank liên tục giảm mạnh.

Trong đó, tỷ trọng cho vay lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong tổng dư nợ cho vay khách hàng của Nam A Bank giảm từ mức 10,67% xuống chỉ còn 3,13%, và đến cuối tháng 6/2021 tỷ lệ này là 4,5% tổng dư nợ cho vay khách hàng của Nam Á Bank.

Nếu như năm 2018, kinh doanh bất động sản thuộc TOP 5 lĩnh vực có tỷ trọng dư nợ cho vay khách hàng lớn nhất của Nam Á Bank, thì từ năm 2019 cho đến cuối tháng 6/2021, lĩnh vực này đã không còn xuất hiện trong TOP này.

Mối lợi của các cổ đông là "đại gia" bất động sản khi nắm giữ cổ phiếu ngân hàng không phải từ việc tăng giá cổ phiếu, hay khoản cổ tức không mấy hấp dẫn của nhà băng. Rất có thể, lợi ích mà các ông chủ, bà chủ tập đoàn bất động sản kỳ vọng khi "rót tiền" nâng sở hữu tại các ngân hàng hay được "kết nạp" trong dàn lãnh đạo chủ chốt là có thể "bẻ lái" tín dụng đến dự án bất động sản "sân sau".

TS. Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy Ban Giám sát tài chính Quốc gia

Huyền Anh
Cùng chuyên mục