Chuyên gia bày cách vực lại những vườn cây thanh trà sau mưa lũ

Thiên Hương – Thu Hằng Thứ hai, ngày 28/12/2020 06:00 AM (GMT+7)
Các trận mưa lũ liên tiếp xảy ra từ tháng 9-11/2020 đã làm gần 600ha bưởi thanh trà tại Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng, thiệt hại ước tính trên 150 tỷ đồng.
Bình luận 0

Để khắc phục hiệu quả những vườn bưởi thanh trà đã hư hại, theo các chuyên gia, trước tiên phải khôi phục lại bộ rễ cho cây, xử lý nguồn bệnh bằng thuốc bảo vệ thực vật và phục hồi bộ rễ; cắt tỉa bớt cành đã bị khô héo, khi bộ tán khôi phục và cây mọc mầm trở lại được thì bón thêm phân bón lá...

Nhiều diện tích bị mất trắng

Những năm gần đây, diện tích trồng cây bưởi thanh trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế tăng nhanh, đạt khoảng 1.100ha. Tuy nhiên, các trận mưa lũ liên tiếp xảy ra từ tháng 9 - 11/2020 đã làm gần 600ha bưởi thanh trà tại Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng, thiệt hại ước tính trên 150 tỷ đồng. 

Trong đó, nhiều diện tích bị mất trắng, tập trung ở Hương Vân (thị xã Hương Trà), Phong Thu (Phong Điền), Thủy Biều (TP.Huế), bên cạnh đó còn có rất nhiều diện tích bưởi bị thiệt hại nặng mà phải mất nhiều thời gian nữa vườn thanh trà mới có thể xanh trở lại.

Khôi phục vườn cây thanh trà sau mưa lũ  - Ảnh 1.

Chuyên gia giải đáp thắc mắc, tư vấn các giải pháp kỹ thuật cho người nông dân. Ảnh: Thu Hằng

Để phát triển cây thanh trà, bưởi lâu dài, bền vững hơn, TS Nguyễn Văn Dũng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ NNPTNT), cho rằng công tác quy hoạch vùng rất quan trọng.

Nhu cầu đặt ra là phát triển năng suất cao, chất lượng tốt nhưng cũng phải tránh cho được vùng ngập lụt thường xuyên. Khi lũ rút, nông dân cần sớm khơi thông nước ứ cho toàn bộ vườn cây, sau đó chăm sóc thúc đẩy bộ rễ phát triển, phòng trừ sâu bệnh…

Tính riêng tại huyện Phong Điền, qua thống kê sơ bộ có tới 300ha thanh trà và bưởi da xanh bị chết khô, rất khó phục hồi. Ngoài cây thanh trà, một số diện tích cây có múi như bưởi, cam, quýt ở những địa phương khác cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Ông Trần Toàn (ở xã Phong Thu, huyện Phong Điền) - địa phương giáp với tỉnh Quảng Trị, cho biết: Nhiều diện tích thanh trà mới trồng 3-4 năm, chuẩn bị được thu hoạch trái bói thì rụng lá rồi chết hết vì bị ngập. Vườn thanh trà nhà tôi 2 năm tuổi giờ không còn sống nổi một cây nào, phải nhổ đi làm củi hết, xót xa lắm. Sau lũ, chúng tôi cũng bấm cành, xới vườn nhưng không ăn thua vì vườn ngập sâu quá, lũ rút mà phù sa còn dính tận đọt cây.

Tại buổi tọa đàm "Kỹ thuật xử lý cây bưởi thanh trà bị ảnh hưởng do bão lũ" do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT Thừa Thiên - Huế tổ chức tại phường Hương Vân (thị xã Hương Trà) mới đây, rất nhiều câu hỏi của người trồng thanh trà đã được gửi đến các chuyên gia, cán bộ quản lý. 

23 câu hỏi của bà con chủ yếu tập trung vào các biện pháp phục hồi, kỹ thuật chăm sóc bưởi thanh trà và định hướng sản xuất thanh trà trong thời gian tới.

Theo TS Chu Anh Tiệp - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, việc khắc phục cây thanh trà sau lũ ở Huế có thể chia thành 2 nhóm: Nhóm vườn cao bị thiệt hại ít do bão lụt thì tiếp tục chăm sóc để cây lấy lại sức sống và năng suất. Nhóm vùng cây thấp trũng, bị chết nhiều thì nên tính toán việc tiếp tục trồng hoặc chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp.

"Có thể nhìn trên bề mặt không sao, nhưng bên dưới rễ bị ẩm ướt, các rễ non mọc ra nếu gặp mưa cũng sẽ bị thối. Do đó, bà con nên xới đất càng sớm càng tốt, để khí độc ở dưới đất thoát ra ngoài. Tạo rãnh thoát nước toàn vườn, sử dụng các thuốc có hoạt chất metalaxyl tưới để giữ bộ rễ cây và bón các loại phân hữu cơ, NPK. Những diện tích ở nơi thấp thì tiến hành kĩ thuật tạo rễ ăn lên trên cao bằng cách đập vào phần vỏ cây, sau khi cây tạo vết sẹo thì tạo tầng rễ kết nối" - TS Tiệp chia sẻ.

Tìm giải pháp ứng phó lâu dài

Chuyên gia bày cách vực lại những vườn cây thanh trà sau mưa lũ  - Ảnh 4.

Bà Phạm Thị Phương Thúy (ở tổ dân phố 1, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà) trồng 80 gốc bưởi da xanh cũng bị thiệt hại vì lũ lụt.

Khôi phục vườn cây thanh trà sau mưa lũ  - Ảnh 3.

Sau lũ, bà Thuý đi tìm mua thuốc, rồi cưa cây, cạo vỏ bôi thuốc cho cây. Ảnh: N.Đ.T

Trước đó, đoàn công tác của Bộ NNPTNT gồm cán bộ Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã có chuyến khảo sát thực địa các vùng trồng thanh trà, hồ tiêu ở một số tỉnh miền Trung. Theo các chuyên gia, do cây thanh trà bị ngâm nước nhiều ngày nên một số diện tích đang bị nhiễm bệnh, đặc biệt những loại vi khuẩn, nấm làm thối rễ và thân cây.

Với những cây bị nhiễm bệnh, TS Chu Anh Tiệp hướng dẫn bà con khắc phục bằng cách tách vỏ thối, bôi thuốc trị nấm, có thể dùng hóng bếp (bồ hóng) hoặc vôi bột đắp vào lỗ hỏng của thân cây nhằm khắc chế vi khuẩn lây lan. Đối với vườn cây bị đổ nghiêng, cần dựng thẳng gốc cây, chống đỡ và cắt toàn bộ cành, lá già chết, phần tán non. Xử lý vôi bột hoặc thuốc sát khuẩn bằng Booc-đô hoặc các thuốc bảo vệ thực vật chứa gốc đồng tại vết cắt…

Về lâu dài, phải tạo rãnh thoát nước cho vườn trồng, rắc vôi bột trị nấm và khử ô nhiễm trong đất. Cùng với việc bón phân hữu cơ thì nên sử dụng các loại phân bón vi sinh, NPK để đẩy nhanh sự phục hồi cho cây. Hạn chế tối đa sử dụng các thuốc hóa học để tránh ảnh hưởng môi trường tự nhiên.

Đối với những vườn cây bị thiệt hại quá nặng, không thể phục hồi thì phải mua cây giống khác trồng thay thế. Để hướng tới sản xuất bền vững, bà con lưu ý đối với bưởi thanh trà, không nên trồng ở những nơi có địa hình trũng thấp, và nên cải tạo vườn ngay từ ban đầu. Trong vườn nên tạo rãnh thoát nước rộng và sâu để tiêu thoát nước kịp thời trong mùa mưa lũ. Ngoài ra, có thể đắp ụ nổi trồng thanh trà ở những nơi trũng, dễ ngập úng.

Các nhà khoa học cũng khuyến cáo người dân không nên mua cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc để đưa vào trồng dặm nhằm tránh nhiễm bệnh ra cả vườn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem