Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy: Mong có 3 “đầu kéo” mạnh cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Minh Huệ (thực hiện) Thứ hai, ngày 30/05/2022 17:46 PM (GMT+7)
“Tôi rất đồng tình với gợi ý của Thủ tướng là người nông dân phải chủ động vươn mình, phát huy lợi thế, bớt tư tưởng trông chờ. Sự đổi mới, sáng tạo cũng phải bắt đầu từ bản thân người nông dân chứ không ai khác” – chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Dân Việt.
Bình luận 0

Đổi mới, sáng tạo phải bắt đầu từ chính người nông dân - trung tâm của nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Là người tham dự hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam diễn ra tại Sơn La ngày 29/5, ông nhận thấy những vấn đề đặt ra trong hội nghị lần này đã tháo gỡ bức xúc và đáp ứng được mong muốn của bà con nông dân hay chưa?

-Trước hết tôi đánh giá rất cao công tác tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm nay. Tôi cũng như nhiều đại biểu khác đều cho rằng, những vấn đề nội dung hội nghị đặt ra vượt hơn cả mong đợi. Trong đó có sự nỗ lực rất lớn của tỉnh Sơn La, Trung ương Hội NDVN, vai trò của các cơ quan báo chí…

Cuộc đối thoại giữa người đứng đầu Chính phủ với bà con nông dân càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra vào thời điểm cả nước đang gượng dậy, bứt phá sau thời gian dài chống chọi với đại dịch Covid-19. 

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy: Mong đợi có 3 “đầu kéo” đủ mạnh cho lĩnh vực tam nông - Ảnh 1.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy. Ảnh: Dân Việt

Tôi cho rằng hội nghị có 2 điều đáng chú ý. Thứ nhất, hội nghị năm nay có nhiều cái mới, chứng tỏ từ hội nghị lần thứ 3 đến nay, xã hội của chúng ta thay đổi rất nhiều. Nông nghiệp có nhiều bước phát triển mới, dù dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn song vẫn đảm bảo tăng trưởng, đạt mức 2,98%, cao hơn GDP chung của cả nước. 

Người nông dân có nhiều đổi mới hơn trong sản xuất kinh doanh, và điều người ta mong đợi hơn ở Chính phủ là sự thay đổi về cơ chế chính sách hỗ trợ, ngóng chờ các giải pháp đánh thức lợi thế của nông nghiệp thế nào?

Có một điều tôi cho rằng, những câu hỏi đặt ra ở hội nghị cần sâu hơn nữa, ví dụ vấn đề hạn chế trong và sau thu hoạch. Ở miền núi hiện nay, khâu thu hoạch còn rất nhiều trở ngại, đường sá từ nơi sản xuất về khu dân sinh, trung tâm thương mại hay ra chợ còn nhiều khó khăn. Đa phần bà con vẫn phải dùng xe máy, xe ba gác để vận chuyển; trái cây chủ yếu đóng vào bao tải, cho vào sọt, dẫn đến bị dập nát, hư hỏng nhiều. Rõ ràng các yếu tố giao thông nội đồng là những vấn đề cần được đặt ra.

Đối với nội dung trong cuộc đối thoại, có 2 câu hỏi tôi rất tâm đắc. Một là vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn mà chuyên gia Nguyễn Lân Hùng đặt ra. Chúng ta đang cần một chính sách đào tạo nghề mang tính đột phá, đây là đòi hỏi thực tiễn phù hợp với nhu cầu của nông dân hiện nay, để góp phần hình thành lực lượng nông dân chuyên nghiệp. 

Nếu nói gạo ngon ở đâu, thực phẩm ngon ở đâu thì rõ ràng miền núi rất nhiều đặc sản ngon, nhưng lâu nay bà con chưa áp dụng nhiều kỹ thuật vào khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Tôi cho rằng, câu trả lời của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã trả lời rất thỏa đáng.

Câu hỏi thứ 2 của bạn trẻ Chảo Thị Yến ở huyện Bát Xát (Lào Cai), tôi thấy rất thời sự. Đó là làm thế nào để kéo tầng lớp thanh niên trẻ về nông thôn khởi nghiệp, làm du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, nhằm giảm tình trạng lao động phải di cư ra thành thị… 

Qua các câu hỏi, tôi thấy quan điểm, cách nhìn nhận của người nông dân đã có sự thay đổi, lớn lên nhiều so với các hội nghị lần trước.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy: Mong đợi có 3 “đầu kéo” đủ mạnh cho lĩnh vực tam nông - Ảnh 3.

Nông dân Chảo Thị Yến ở xã Nậm Chạc, Bát Xát (Lào Cai) đặt câu hỏi với Thủ tướng tại hội nghị. Ảnh: T.L

Trong 9 vấn đề Thủ tướng gợi ý tại Hội nghị, ông tâm đắc với điều gì nhất?

-Tôi rất đồng tình với gợi ý người nông dân phải chủ động vươn mình lên. Đó là điều quan trọng nhất, phải có sự thay đổi từ bên trong người nông dân thì mới phát huy lợi thế, bớt tư tưởng trông chờ. Sự đổi mới, sáng tạo cũng phải bắt đầu từ bản thân người nông dân chứ không ai khác.

Đúng như lời Thủ tướng nói, quan trọng nhất là phát huy nội lực, mà ở đây nội lực chính là con người.

Như vậy, theo ông người nông dân bây giờ cần phải trang bị những gì để có thể phát huy nội lực, tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với hội nhập cũng như chủ động thích ứng với những khó khăn thách thức hiện nay?

-Theo tôi, người nông dân phải trang bị ít nhất 3 vấn đề. Thứ nhất, phải nắm được khoa học kỹ thuật, ứng dụng nó vào sản phẩm nông nghiệp mà mình đã lựa chọn. Đối với bà con, lựa chọn sản phẩm chính là lựa chọn quy trình, công nghệ cho sản phẩm đó. 

Khi đã chọn được sản phẩm/hướng đi, bà con sẽ xác định được điểm mấu chốt cần đầu tư cho vòng đời sản phẩm đó và sẽ đi đến con đường làm giàu bền vững.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy: Mong đợi có 3 “đầu kéo” đủ mạnh cho lĩnh vực tam nông - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu tại huyện Mai Sơn (Sơn La).

Thứ 2, phải hiểu về chuỗi giá trị và thực hành hạch toán. Nếu biết về chuỗi giá trị mà không biết hạch toán, không lựa chọn được công đoạn nào tạo ra giá trị, lợi nhuận cao nhất, gắn với đối tượng người tiêu dùng lớn nhất, thì sẽ không phát huy được giá trị sản phẩm, không cạnh tranh được khi ra thị trường.

Thứ 3 chính là sự gắn kết với cộng đồng. Nhiều trang trại, HTX có sản phẩm độc đáo, nhưng không hòa quyện được với cộng đồng, người giàu không giúp được người nghèo, người giỏi kỹ thuật không chia sẻ với người yếu kỹ năng thì không phát huy được giá trị xã hội. Ngược lại, nếu trang trại, HTX đó biết gắn kết giá trị cộng đồng, thì sản phẩm, thương hiệu sẽ ngày càng vươn xa.

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân cả nước, là một chuyên gia có nhiều gắn bó với bà con nông dân, ông có mong đợi gì ở nhiệm kỳ này của Thủ tướng?

-Tôi trông đợi 3 vấn đề. Nếu xác định nông nghiệp là 1 lợi thế, thì cỗ xe tăng trưởng của nhiệm kỳ này đối với lĩnh vực tam nông phải dựa trên 3 "con ngựa", hay 3 "đầu kéo" đủ mạnh.

Thứ nhất, đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải tăng lên. 5 năm sau phải cao gấp 2 lần so với 5 năm trước. Chỉ có đầu tư đủ mạnh thì nông nghiệp mới chuyển mình thật sự.

Thứ hai, khoa học kỹ thuật phải là then chốt, chú trọng hơn cho đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Hiện nay chúng ta mới đầu tư khoảng 0,25% GDP của nông nghiệp cho khoa học kỹ thuật, trong khi để đảm bảo phát huy hiệu quả thì mức đầu tư phải đạt 0,86% GDP của nông nghiệp. Đơn cử, hiện nay chúng ta mới đáp ứng được 5% vaccine trong nước, còn lại toàn phải đi nhập khẩu nước ngoài. Gần 90% máy kéo 4 bánh vẫn phải nhập khẩu.

Thứ ba, để nông nghiệp phát triển bền vững thì dứt khoát phải gắn với bảo vệ môi trường, trong đó, sức khỏe của đất phải được đề cao hàng đầu. Hiện nay nhiều nơi bà con vẫn bón phân quá lãng phí, làm đất bị nhiễm độc, dẫn đến cây trồng kém năng suất, chi phí sản xuất tăng lên…

Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem