Chuyên gia Trần Duy Khanh: Khởi nghiệp Fintech ở nông thôn phải đáp ứng nhiều yếu tố

Khải Phạm Thứ tư, ngày 19/07/2023 06:30 AM (GMT+7)
Đó là lời khuyên của chuyên gia Trần Duy Khanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC từng có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy khởi nghiệp tại Việt Nam.
Bình luận 0

Ngày 18/7/2023, báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt đã tổ chức Hội nghị online: “Thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ tài chính Fintech và ứng dụng ở vùng nông thôn”. Tham dự Hội nghị, ông Trần Duy Khanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC đưa ra những cái nhìn khái quát về bức tranh khởi nghiệp tại Việt Nam.

Thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam

Thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay tương đối sôi động khi Nhà nước có nhiều đề án, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Dẫn chứng điều đó, ông Khanh cho biết, năm 2016 là năm quốc gia khởi nghiệp, từ đấy đến nay ngoài luật doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các văn bản kèm theo thì hiện nay có 4 đề án giao cho các ngành chức năng.

Chuyên gia Trần Duy Khanh: "Các bạn trẻ hãy quay về nông thôn khởi nghiệp" - Ảnh 1.

Chuyên gia Trần Duy Khanh: "Các bạn trẻ hãy quay về nông thôn khởi nghiệp". Ảnh Phạm Hưng.

Đề án 844 - Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Bộ Khoa học & Công nghệ chủ trì, đề án 939 - Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Quyết định 1665 - Hỗ trợ Học sinh, sinh viên khởi nghiệp giao cho Bộ GD&ĐT chủ trì và Quyết định số 987 - Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp được giao cho Trung Ương đoàn Thanh niên chủ trì.

“Là một người đào tạo, tư vấn khởi nghiệp cho rất nhiều trường Đại học, tôi nhận thấy bức tranh tổng thể khởi nghiệp ở Việt Nam đang rất sôi động”, ông Khanh nhận định.

Tuy nhiên theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC, các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay chủ yếu là vừa và nhỏ. Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp/đầu dân của Việt Nam rất cao so với các quốc gia trong khu vực.

Cụ thể, Việt Nam hiện có 857.000 doanh nghiệp, hiện khoảng gần 150 người dân/doanh nghiệp, trong khi các nước phát triển chỉ 12-13 người dân/doanh nghiệp, trung bình các nước Đông Nam Á là 40-50 người dân/doanh nghiệp. Do đó, nhu cầu phát triển doanh nghiệp hiện nay của Việt Nam là vô cùng lớn.

Tham vọng của Việt Nam đến năm 2020 đạt 1 triệu doanh nghiệp, nhưng điều đó đã không thành hiện thực.

Do đó, dư địa dành cho khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất lớn và đặc biệt hiện nay Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp.

Ông Khanh đánh giá cao Hội nghị “Thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ tài chính Fintech và ứng dụng ở vùng nông thôn”, là một phần quan trọng trong phát triển kinh tế.

Nông thôn hiện nay chiếm trên 70% dân số cả nước và khi đất nước khó khăn nhất, Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn được coi là bệ đỡ của nền kinh tế.

Là một người có kinh nghiệp và thường xuyên giảng dạy, truyền cảm hứng cho các chương trình khởi nghiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC khẳng định “Khởi nghiệp rất khó!”.

Chính vì thế, mục tiêu hoàn thành đạt 1 triệu doanh nghiệp ở Việt Nam vì đến nay vẫn chưa hoàn thành. số liệu đã cho thấy, tỷ lệ khởi nghiệp thành công ở Việt Nam đến năm thứ 3 chỉ từ 3-5% doanh nghiệp.

Khởi nghiệp Fintech ở nông thôn phải đáp ứng nhiều yếu tố

Những số liệu Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC cho thấy, việc khởi nghiệp đã khó rồi, nhưng khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech lại càng khó và đó là đặc thù riêng.

Dẫn chứng về sự khó khăn trong khởi nghiệp Fintech, ông Khanh cho rằng, ở các lĩnh vực khác có thể chỉ cần có đam mê, kiến thức, có người tư vấn thì có thể mạnh dạn khởi nghiệp. Tuy nhiên, khởi nghiệp Fintech đã khó rồi, Fintech ở khu vực nông thôn càng khó hơn bởi cần nhiều yếu tố.

Đầu tiên, muốn khởi nghiệp Fintech thành công thì phải có công nghệ, kiến thức về tài chính, tín dụng ngân hàng. Tiếp theo, với Fintech, muốn khởi nghiệp yếu tố kinh nghiệp không thể thiếu và phải thực sự đam mê với lĩnh vực.

Từ những yếu tố trên mới nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp, nhưng thiếu 1 trong số những yếu tố trên thì không thể khởi nghiệp Fintech dù nhu cầu hiện nay rất lớn.

Ông Trần Duy Khanh cho rằng, khởi nghiệp Fintech ở nông thôn phải đáp ứng được 2 vấn đề quan trọng.

Người dùng là những nông dân, kiến thức về các thiết bị thông minh còn hạn chế nên Fintech làm sao phải thực sự dễ sử dụng, thân thiện. Đồng thời, doanh nghiệp Fintech phải dựa vào nhu cầu người dân thực thế ở nông thôn và phải kết hợp được với các tổ chức tín dụng.

“Khởi nghiệp trong Fintech là cầu nối giữa người sử dụng và các tổ chức tín dụng, tài chính. Để làm được nhiệm vụ ấy, cần có cả sự đồng thuận của người sử dụng và sự vào cuộc của tổ chức tín dụng, tài chính”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC khẳng định.

Kết luận phần chia sẻ, ông Trần Duy Khanh cho rằng, mặc dù dư địa khởi nghiệp Fintech nông thôn hiện nay còn rất lớn, nhưng cực kỳ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Khanh cũng đưa ra lời khuyên dành cho các bạn trẻ hãy quay về khu vực nông thôn, nơi có rất nhiều ý tưởng phục vụ cho khởi nghiệp. Đồng thời, có rất nhiều tấm gương điển hình đã khởi nghiệp từ nông thôn.

Hiện nay, không ít người từng là thạc sỹ, tiến sỹ đã quay về nông thôn để nâng tầm sản phẩm, đưa sản phẩm của người nông dân đến gần với người tiêu dùng hơn. Do đó, khi thành phố không còn nhiều dư địa để khởi nghiệp Fintech, các bạn trẻ, doanh nghiệp hãy thử cho mình lối đi riêng. Khó khăn nhiều, nhưng thành công cũng sẵn sàng chào đón những ai dám vượt qua thách thức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem