Chuyên gia UNDP: Thiếu nhất quán trong môi trường kinh doanh là một thách thức lớn
Xin ông cho biết đánh giá của mình về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm tới?
Ông Jonathan Pincus: Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19 trong năm 2022, khi tăng trưởng kinh tế vượt 8% và kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục mới. Thế nhưng không may là tốc độ tăng trưởng thương mại thế giới đã chậm lại rõ rệt vào năm 2023 xuống còn dưới 1% so với gần 6% vào năm ngoái. Đây là nguyên nhân chính khiến Việt Nam không thể đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023.
Lạm phát gia tăng ở Mỹ và châu Âu buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến nhu cầu nhập khẩu giảm. Người tiêu dùng cũng thận trọng hơn vì sự bất ổn kinh tế ngày càng tăng ảnh hưởng đến triển vọng việc làm và giá trị khoản đầu tư của họ.
Xuất khẩu giảm đã có tác động dây chuyền đến nhu cầu trong nước, đặc biệt đến thị trường lao động. Một lý do khác là sự suy yếu của thị trường bất động sản, gây ra chủ yếu bởi sự thắt chặt tiền tệ và nhu cầu mua nhà mới giảm.
Sau đại dịch, các hộ gia đình và doanh nghiệp gánh thêm nhiều nợ khiến khả năng vay để mua bất động sản của họ cũng như khả năng cấp tín dụng của ngân hàng giảm. Các nhà phát triển bất động sản, vốn đã nợ nần chồng chất do đại dịch, không thể trả được các khoản vay của mình. Một số công ty đó gặp tình trạng khó khăn tài chính nghiêm trọng vào năm 2023.
Theo ông trong bối cảnh đó, các chính sách của Chính phủ Việt Nam đã đạt được những kết quả thế nào?
Ông Jonathan Pincus: Chính phủ đã thành công trong việc kiềm chế lạm phát dù giá năng lượng và lương thực toàn cầu tăng cao, đồng thời duy trì tỷ giá hối đoái ổn định. Đầu tư công tăng hơn 20%, giúp tiếp sức nhu cầu quốc nội. Hệ thống tài chính tương đối ổn định nhờ hành động kịp thời của NHNN Việt Nam. Dự trữ ngoại hối tăng sau khi sụt giảm trong năm 2022 nhờ thặng dư thương mại và dòng vốn vào, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Triển vọng trong năm tới phụ thuộc vào việc ổn định giá cả ở các nước có thu nhập cao và sự phục hồi về thương mại toàn cầu. Hầu hết các dự báo đều cho thấy lạm phát vẫn ở mức trên 5% ở các nước OECD, mức này sẽ thấp hơn năm 2023 nhưng vẫn quá cao để tạo dư địa cho các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ.
Thưa ông, đây là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ không tăng tốc trong năm 2024?
Ông Jonathan Pincus: Đúng vậy. Sự ổn định giá cả sớm trở lại ở Mỹ và châu Âu sẽ là tin tốt cho kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nếu giá dầu tăng trong năm 2024 hoặc thị trường năng lượng tiếp tục biến động, lãi suất có thể sẽ vẫn ở mức cao.
Các yếu tố khác bao gồm sự bất ổn tiếp diễn ở thị trường bất động sản Trung Quốc và các rủi ro địa chính trị như xung đột ở Ukraine và Trung Đông cũng như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Gói kích thích tài chính lớn hơn của Trung Quốc, nhằm hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản và chính quyền địa phương mắc nợ lớn, sẽ thúc đẩy tăng trưởng ở Trung Quốc và toàn khu vực. Mặc dù hòa bình ở Ukraine và Trung Đông dường như vẫn còn xa vời, nhưng xu hướng đạt các giải pháp thương lượng trong cả hai cuộc xung đột sẽ làm giảm căng thẳng và cải thiện triển vọng kinh tế.
Ông đánh giá ra sao về môi trường kinh doanh Việt Nam?
Ông Jonathan Pincus: Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và là điểm đến chính của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Giá cả tương đối ổn định, người lao động Việt Nam học hỏi nhanh, có trình độ văn hóa và chăm chỉ, đất nước có nền chính trị ổn định và thường được coi là nơi an toàn để sinh sống. Việt Nam thường xuyên đứng đầu bảng xếp hạng môi trường kinh doanh trong khu vực.
Thách thức chính liên quan đến môi trường kinh doanh là sự thiếu nhất quán mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi áp dụng các điều luật và các quy định. Sự phối hợp giữa các cơ quan, và giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương chưa tốt.
Giới doanh nhân thường nhận xét rằng các quy định mới do một cơ quan hoặc bộ ban hành mâu thuẫn với các quy định hiện hành và việc giải quyết các quy định xung đột có thể mất nhiều tháng, thậm chí tính bằng năm. Không có cách nào để có được quyết định nhanh chóng về những quy tắc nào sẽ được thi hành. Các luật và quy định xung đột cũng ảnh hưởng đến các cơ quan Chính phủ. Các quan chức đôi khi chần chừ đưa ra quyết định vì họ không chắc chắn nên tuân theo những quy tắc nào. Điều này làm chậm quá trình phê duyệt đầu tư và có thể để lỡ các dự án tốt.
Ngoài những vấn đề trên, ông có thể cho biết thêm là các doanh nghiệp thường hay phàn nàn về những vấn đề cụ thể gì nữa?
Ông Jonathan Pincus: Ngoài việc thiếu nhất quán trong việc xây dựng luật pháp, các doanh nghiệp còn phàn nàn rằng nhiều quy định không có ý nghĩa. Mặc dù được giới thiệu với mục đích tốt để giải quyết những vấn đề thực tế, nhưng chúng lại mang lại kết quả không mong đợi vì không được xây dựng một cách phù hợp.
Trong nhiều năm qua, đã có nhiều nỗ lực nhằm hợp lý hóa các quy định của Chính phủ, để tăng cường tính nhất quán và giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Tháng 8 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra biện pháp cải cách hành chính nhằm đơn giản hóa hơn 400 thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh. Tổ công tác cải cách hành chính được thành lập do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng.
Một vấn đề thường được nhắc đến nữa là mức độ công bố thông tin doanh nghiệp thấp và sự thiếu minh bạch tài chính trong các công ty Việt Nam. Các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán phải nộp báo cáo hàng năm, nhưng chất lượng và độ tin cậy của các báo cáo này không đồng đều. Các công ty chưa niêm yết hiếm khi công bố báo cáo.
Tiêu chuẩn công bố thông tin kém đã cản trở sự hình thành thị trường tài chính ở Việt Nam, đặc biệt là thị trường thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp. Việc không công bố sở hữu chéo và hoạt động cho vay có liên quan của các ngân hàng thương mại là một nguyên nhân nữa gây bất ổn tài chính.
Xin cảm ơn ông!