Việt Nam chính thức "đặt cược" vào "một sân chơi tài chính tầm cỡ quốc tế"
Chốt thành lập Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP.HCM và TP Đà Nẵng
Sáng 27/6, Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết thành lập Trung tâm Tài chính Quốc tế (TTTCQT; IFSCs) ở TP.HCM và Đà Nẵng.
Nghị quyết nêu rõ, trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP.HCM và TP. Đà Nẵng được xây dựng trên cơ sở thống nhất về hoạt động, quản lý, giám sát; có định hướng phát triển sản phẩm riêng biệt, phát huy thế mạnh của từng thành phố; đảm bảo sự công bằng, tương hỗ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu, nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu, gắn với động lực tăng trưởng kinh tế.
Nghị quyết cũng quy định các chính sách đặc thù phát triển trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam, tập trung vào ngoại hối, hoạt động ngân hàng, ưu đãi thuế, phát triển thị trường vốn, tài chính, đất đai, lao động, việc làm…, cũng như chính sách thử nghiệm có kiểm soát dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ (fintech) và đổi mới sáng tạo, phát triển các loại thị trường, sàn giao dịch hàng hóa.

Theo đó, dự án đầu tư trong trung tâm tài chính quốc tế thuộc lĩnh vực ưu tiên được giao, cho thuê đất tối đa 70 năm, dự án thuộc lĩnh vực khác thời hạn sử dụng đất không quá 50 năm. Nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, người có trình độ chuyên môn cao làm việc tại trung tâm tài chính quốc tế, bao gồm người Việt Nam và người nước ngoài, được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công có được từ thực hiện công việc của trung tâm tài chính quốc tế đến hết năm 2030.
Người nước ngoài là nhà đầu tư quan trọng, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, nhà quản lý cấp cao làm việc lâu dài tại cơ quan, tổ chức có trụ sở tại trung tâm tài chính quốc tế được xem xét cấp thẻ thường trú, được hưởng chính sách thuận lợi về thủ tục cấp thẻ thường trú so với quy định chung.
Cá nhân có khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, quyền góp vốn vào thành viên của trung tâm tài chính quốc tế cũng được miễn thuế thu nhập cá nhân đến hết năm 2030.
Dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực ưu tiên được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa 4 năm và giảm 50% thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Với dự án không thuộc lĩnh vực ưu tiên, mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 15% trong 15 năm, miễn thuế tối đa 2 năm và giảm 50% thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo…
Các sản phẩm được cung cấp trong trung tâm tài chính quốc tế gồm thành lập sàn, nền tảng giao dịch hàng hóa và phái sinh hàng hóa; giao dịch tín chỉ carbon; sản phẩm văn hóa, nghệ thuật; kim loại quý hiếm, sản phẩm tài chính xanh…
Ngoài ra, cơ chế giải quyết tranh chấp trong đầu tư kinh doanh cũng là vấn đề then chốt khi xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Theo đó, các bên được sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp theo luật Việt Nam. Ngoài ra, các bên có thể giải quyết tranh chấp tại trọng tài nước ngoài, quốc tế; trung tâm trọng tài quốc tế thuộc trung tâm tài chính quốc tế; trọng tài Việt Nam và tòa án nước ngoài, Việt Nam.
Trung tâm tài chính quốc tế: Chính sách vượt trội đi kèm cơ chế kiểm soát rủi ro
Báo cáo Quốc hội trước khi các đại biểu bấm nút thông qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết về trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam có tính đột phá, cạnh tranh. Trong đó chính sách thuế, đất đai, hạ tầng nhân lực, bảo hiểm vượt trội so với một số trung tâm tài chính quốc tế khác.
Bên cạnh đó, một số chính sách tiệm cận thông lệ quốc tế như mô hình quản lý, ngôn ngữ, xuất nhập cảnh, kế toán, lao động, fintech và sandbox. Một số chính sách khác có lộ trình mở cửa có kiểm soát, điều chỉnh, như chính sách về ngoại hối hay giải quyết tranh chấp.
Hiện, thống kê cho thấy, trên thế giới có 119 trung tâm tài chính quốc tế, trong đó chỉ có 20 trung tâm thành công (NewYork, London, Hồng Kông, Singapore…). Việc Việt Nam đi sau được giới phân tích đánh giá sẽ có những thuận lợi và cả thách thức.

Về thuận lợi, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của các quốc gia đi trước để xây dựng cơ chế có lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam. Nghị quyết trình Quốc hội có 14 nhóm chính sách nổi trội để bảo đảm cho Việt Nam cạnh tranh được với các trung tâm tài chính trên thế giới, trong đó có nhiều nhóm chính sách vượt trội, có những nhóm chính sách tương đồng.
Đơn cử, trung tâm tài chính quốc tế cho phép triển khai sandbox fintech, hợp tác công - tư (PPP); chính sách tiếp cận quốc tế về kế toán, lao động, quản lý, ngôn ngữ, dự án đầu tư trong TTTCQT thuộc lĩnh vực ưu tiên được giao, cho thuê đất tối đa 70 năm; lĩnh vực khác thời hạn sử dụng đất không quá 50 năm;...
Tuy nhiên, mô hình trung tâm tài chính quốc tế là chuyện chưa từng có ở Việt Nam, dẫn tới nhiều vấn đề phát sinh có thể nằm ngoài khung luật hiện tại và tiềm ẩn những rủi ro không nhỏ như có thể bị lợi dụng để rửa tiền qua sàn giao dịch, hợp thức hóa dòng tiền bất hợp pháp; nguy cơ đầu cơ, thổi giá, tạo bong bóng tài sản; rủi ro đầu tư rồi rút vốn trong thời gian ngắn...
Theo đó, một số chuyên gia cho rằng, ban đầu, cần xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ, minh bạch và theo chuẩn quốc tế, để kiểm soát các giao dịch, hạn chế rủi ro; yêu cầu các dự án đầu tư dài hạn, ít nhất là 10-15 năm.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định: “Cơ chế và quy định về Fintech tại Việt Nam đang dần hoàn thiện, hướng tới tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, đồng thời bảo đảm an toàn và ổn định cho thị trường. Kinh tế số Việt Nam vì thế không chỉ hướng đến việc thu hút đầu tư quốc tế mà còn là phép thử năng lực đổi mới của cả hệ sinh thái tài chính trong nước”.
Trong quá trình xây dựng các Nghị định sắp tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin, cơ quan này sẽ tiếp tục rà soát, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét và sửa đổi chính sách thuế cho phù hợp với chiến lược cải cách thuế đến năm 2030 và thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển trung tâm tài chính, Việt Nam sẽ xây dựng chính sách thuế đảm bảo cạnh tranh với khu vực, nhưng cũng không muốn trở thành một "thiên đường về thuế" để thu hút các định chế tài chính.
“Tất cả các trung tâm tài chính quốc tế đều rất tránh việc xây dựng một "thiên đường về thuế" để thu hút các định chế tài chính về nước mình. Chúng tôi cũng làm tương tự", bà Ngọc nói.
Chậm nhất là năm 2034 đề xuất ban hành luật về trung tâm tài chính
Tại Nghị quyết về trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, Quốc hội yêu cầu Chính phủ sơ kết và báo cáo Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết sau 5 năm thực hiện. Chậm nhất ngày 30/3/2034, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết và đề xuất ban hành luật về trung tâm tài chính.
SSI bắt tay hai công ty tài sản số và Amazon xây dựng hạ tầng tài chính số
Trong bối cảnh thuận lợi khi Chính phủ Việt Nam thể hiện rõ định hướng hỗ trợ đổi mới công nghệ thông qua hàng loạt chính sách và văn bản pháp lý quan trọng, hồi giữa tháng 6/2025, các công ty thành viên thuộc Công ty CP Chứng khoán SSI gồm Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSI Asset Management - SSIAM), Investment Platform SSI Digital Ventures do SSIAM quản lý, Công ty Cổ phần Công nghệ số SSI Digital (SSID) cùng với hai công ty tài sản số Tether, U2U Network và Amazon Web Services (AWS) đã ký kết hợp tác nhằm thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái hạ tầng tài chính số, Blockchain và điện toán đám mây tại Việt Nam.
Lễ ký kết cũng đánh dấu lần đầu tiên tại Việt Nam có sự hợp tác giữa các bên bao gồm các tổ chức tài chính và công nghệ chuỗi khối nội địa, nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây toàn cầu, cùng hướng đến một mục tiêu chung: tạo ra cơ sở hạ tầng kỹ thuật số linh hoạt, an toàn và có thể mở rộng cho toàn xã hội.
Đề cập đến việc xây dựng khung pháp lý phù hợp, nhằm quản lý rủi ro, tăng nguồn thu ngân sách và thu hút đầu tư, theo đại diện Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản số tại Việt Nam là cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và kiểm soát các rủi ro tiềm ẩn. Một hệ thống quy định rõ ràng sẽ giúp nhà nước thu thuế từ các giao dịch tiền mã hóa, tăng nguồn thu cho ngân sách. Đồng thời, các quy định pháp lý sẽ giúp kiểm soát hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố, ngăn chặn các hành vi gian lận trong thị trường tài sản số.