Chuyện ít biết về tòa nhà 61 Trần Phú (quận Ba Đình) - nơi đang bị phá dỡ

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến Thứ năm, ngày 07/04/2022 06:00 AM (GMT+7)
Nhà máy thiết bị Bưu điện (tòa nhà 61 Trần Phú) là công trình có kiến trúc công nghiệp duy nhất từ khoảng 100 năm trước còn lại cho đến đầu năm 2022 ở Hà Nội, trước khi bị đập bỏ.
Bình luận 0

LTS: Mới đây, việc phá dỡ tòa nhà 61 Trần Phú được xây dựng từ thời Pháp thuộc (cách đây hơn 100 năm) ở đoạn giao phố Trần Phú - Lê Trực - Hùng Vương - Nguyễn Thái Học, khiến nhiều người yêu di sản của Hà Nội tiếc nuối.

Thông tin mới nhất, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố, các sở, ngành của thành phố theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công công trình 61 Trần Phú.

Với mong muốn cũng cấp cho độc giả thêm góc nhìn về giá trị lịch sử của công trình này, Báo điện tử Dân Việt xin giới thiệu bài viết của nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến.

Tác giả Nguyễn Ngọc Tiến được biết đến là một trong những người viết nhiều nhất về Hà Nội. Ông có nhiều tác phẩm, khảo cứu về lịch sử, văn hóa của Thủ đô.

Lịch sử tòa nhà 61 Trần Phú

Năm 1884, chính quyền Pháp lập Bưu cục Hà Nội để đáp ứng thông tin liên lạc cho bộ máy cai trị của họ. Cũng trong năm này họ đã lập bưu cục ở các tỉnh Nam Định, Bắc Ninh, Hưng Yên, Sơn Tây và Ninh Bình. Hoạt động ban đầu của các bưu cục chủ yếu bưu chính. 

Cuối năm này, chính quyền Pháp cho xây dựng đường dây liên lạc hữu tuyến Hà Nội - Sài Gòn dài gần 2000 km và hoàn thành sau 4 năm thi công.

Chuyện ít biết về tòa nhà Pháp cổ 100 tuổi ở quận Ba Đình đang bị phá dỡ - Ảnh 2.

Chiến sĩ tự vệ Nhà máy Thiết bị bưu điện đang khẩn trương tu sửa nắp hầm tháng 5/1972 . Ảnh tư liệu: TTXVN

Năm 1889, chính quyền Pháp xây dựng công trình điện thoại ở Hà Nội trên vị trí vốn trước đó là chùa Báo Ân nhìn ra Hồ Gươm. Cuối năm này, đường dây liên lạc hữu tuyến đã thông suốt với Vinh, Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn. 

Song song với việc xây dựng Trung tâm điện thoại Hà Nội, chính quyền Pháp đã xây dựng Cơ xưởng bưu điện Hà Nội tại Voie 209 (đường 209, nay là phố Lê Phụng Hiểu). Diện tích xưởng nhỏ hẹp có hai dãy nhà cấp bốn lợp tôn. 

Nhiệm vụ của xưởng là sửa chữa, bảo trì thiết bị, máy móc cho các cơ sở điện thoại miền Bắc và Vinh. Đồng thời xưởng cũng chữa điện thoại hư hỏng cho khách hàng tư nhân và các cơ quan hành chính của chính phủ thuộc địa.

Thập niên 20, việc liên lạc vô tuyến giữa Đông Dương và nước Pháp không chỉ dừng ở các công việc hành chính mà còn đáp ứng nhu cầu thương mại, tài chính. Khi thiết bị trục trặc không có cơ sở sửa chữa sẽ gây ra gián đoạn thông tin vì thế ngày 21/5/1924 Toàn quyền Đông Dương Martial Henri Merlin đã ký quyết định xây dựng cơ xưởng mới đặt tại lô đất khá rộng, giáp 4 phố gồm: Félix Faure (nay là phố Trần Phú), Brière de I'Ile (nay là đường Hùng Vương), Rue Général Lebloie (nay là Lê Trực) và Duvillier (nay là Nguyễn Thái Học). 

Thời vua Minh Mạng, lô đất thuộc thôn Thanh Ninh, Tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận tỉnh Hà Nội nhưng được lấy để lập đồn Hữu Quân. Đồn nằm sát bên con hào của thành Hà Nội, có nhiệm vụ bảo vệ cửa Tây Nam.

Chuyện ít biết về tòa nhà Pháp cổ 100 tuổi ở quận Ba Đình đang bị phá dỡ - Ảnh 3.

Công trình nằm trên khu "đất vàng" của quận Ba Đình có diện tích hơn 9.000 m2, cách Quảng trường Ba Đình, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Sân vận Hàng Đẫy, Bệnh viện Xanh Pôn, nhiều đại sứ quán... khoảng dưới 1 km. Ảnh: Phạm Hưng.

Việc đặt cơ sở sửa chữa ở đây nằm trong quy hoạch vì chính quyền thuộc địa sẽ xây dựng Trung tâm điện báo Đông Dương bên cạnh phủ toàn quyền. Cơ sở này ngoài nhiệm vụ sửa chữa bảo dưỡng còn có nhiệm vụ quan trọng khác là đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cho Trung tâm điện báo. Cơ xưởng bưu điện xây dựng năm 1925, hoàn thành năm 1927 có cổng chính ở phố Félix Faure. 

Bao quanh xưởng là dãy nhà hai tầng được thiết kế nhẹ nhõm, thanh thoát khiến người đi đường không hề biết đây là cơ xưởng. Nó hòa nhập với không gian xung quanh là những ngôi nhà cao không quá hai tầng tạo ra một khu vực thư thái, yên ả. 

Không gian ấy tồn tại cho đến khi đổi mới. Bên trong bốn dãy nhà là xưởng. Nó được thiết kế thích dụng có khoang lấy ánh sáng trời để tiết kiệm điện năng.

Chuyện ít biết về tòa nhà Pháp cổ 100 tuổi ở quận Ba Đình đang bị phá dỡ - Ảnh 4.

Trên bức tường của dãy nhà phía mặt đường phố Nguyễn Thái Học - Lê Trực có một bức phù điêu hình ảnh dân quân tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Phạm Hưng.

Năm 1954, Pháp rút khỏi Đông Dương theo hiệp định Genève, chính phủ tiếp quản và giao cho Tổng cục Bưu điện quản lý. Cơ xưởng bưu điện được đổi thành Cơ sở bưu điện Trung ương với hai nhiệm vụ, sửa chữa và tận dụng nguyên liệu còn lại để sản xuất phương tiện liên lạc hữu tuyến, vô tuyến hỗ trợ cho khôi phục và phát triển bưu điện ở miền Bắc. 

Nguồn gốc bức phù điêu ở tòa nhà 61 Trần Phú

Trong thời kỳ không quân Mỹ đánh phá miền Bắc, ngày 19/5/1967, một chiếc máy bay F-111 bị bắn cháy đã rơi ở phố Lê Trực. Để ghi nhớ chiến công này, Hà Nội đã cho đắp bức phù điêu trên tường của dãy nhà góc phố Lê Trực - Nguyễn Thái Học.

Thực dân Pháp đô hộ Việt Nam là nỗi đau của dân tộc nhưng ở góc khác, một cách công bằng, người Pháp cũng xây dựng nhiều công trình có giá trị về kiến trúc. Những công trình này đã tạo ra nét riêng so với các đô thị trong khu vực Đông Nam Á. 

Ngày nay, khu vực số 61 Trần Phú rộng hơn 9.000 m2 là trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện (Postef). 

Được biết, Postef dự định xây dựng khu đất này thành Trung tâm Công nghệ cao và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D). Tuy nhiên, sau đó Postef quyết định góp vốn với đối tác phát triển bất động sản, chuyển đổi thành dự án đầu tư xây dựng công trình đa chức năng Postef.

Việc doanh nghiệp lại phá tiếp một công trình có giá trị kiến trúc khiến nhiều người tiếc nuối. Một công trình mới sững sững chắn ở phía Nam quảng trường Ba Đình liệu có ổn về phong thủy?



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem