CNN: Trump thất bại trong thương chiến Mỹ Trung

27/10/2020 11:44 GMT+7
1 tuần trước Ngày bầu cử Mỹ, tờ CNN đăng bài phân tích cho thấy Tổng thống Trump đã không giành phần thắng trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung như ông tuyên bố lâu nay.
CNN: Trump thất bại trong thương chiến Mỹ Trung - Ảnh 1.

CNN: Trump thất bại trong thương chiến Mỹ Trung

Theo tờ CNN, ông Trump đã châm ngòi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc để khắc phục những hành vi thương mại không lành mạnh của Bắc Kinh. Nhưng cho đến nay, khi sắp kết thúc nhiệm kỳ 4 năm tại Nhà Trắng, Trump không có nhiều điều để nói về thành tựu của chính sách cứng rắn này.

Trump từng cam kết giảm thâm hụt thương mại của nước Mỹ, nhưng dưới thời Trump, chỉ số này hồi tháng 8 đã tăng lên mức 67 tỷ USD, cao nhất trong 14 năm qua. Trump muốn thúc đẩy Trung Quốc tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ, đặc biệt là nông sản. Nhưng Bắc Kinh không thực hiện được cam kết mà chính quyền Tổng thống Mỹ kỳ vọng.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng không dồn Trung Quốc vào thế khó như Trump nhận định. Kim ngạch thương mại của Trung Quốc tăng vọt khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhanh chóng kiểm soát được đại dịch ngay từ tháng 3 và thúc đẩy mở cửa trở lại. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đạt tới 31 tỷ USD trong tháng 9 qua, dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy. Tăng trưởng GDP quốc gia này trong quý III đạt 4,9%, đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên toàn cầu có triển vọng tăng trưởng trong năm 2020. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 1,9% trong năm nay, tức lạc quan hơn nhiều so với mức giảm tốc đáng kể của Mỹ và Châu Âu.

CNN: Trump thất bại trong thương chiến Mỹ Trung - Ảnh 3.

Kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng GDP 4,9% trong quý III

Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang cũng không thể ngăn cản các doanh nghiệp Mỹ mở rộng kinh doanh tại thị trường Trung Quốc. Vốn FDI của Mỹ vào thị trường tỷ dân đã tăng 6% trong 6 tháng đầu năm 2020. Bên cạnh đó, Trung Quốc vừa huy động được 6 tỷ USD trong một đợt phát hành trái phiếu quốc tế nhằm mục tiêu trực tiếp vào nhà đầu tư Mỹ.

Về phía Mỹ, thay vì được hưởng lợi từ thương chiến, nhiều bằng chứng chỉ ra đã có một số khu vực kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là người nông dân. Trump bắt đầu năm 2020 với thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1, điều mà Trump ca ngợi là một thành công lớn, “mang lại một viễn cảnh kinh tế công bằng và lành mạnh cho công nhân, nông dân và hộ gia đình Mỹ”. Theo thỏa thuận này, Trung Quốc đồng ý tăng cường nhập khẩu 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ Mỹ trong 2 năm tiếp theo, trong đó nông sản chiếm phần lớn tỷ trọng. Nhưng đó là trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát tấn công nền kinh tế toàn cầu.

Theo phân tích từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho đến tháng 8/2020, Trung Quốc mới chỉ mua được chưa đầy 50% số lượng hàng hóa dịch vụ như đã cam kết trong thỏa thuận giai đoạn 1. Trong khi các quan chức Nhà Trắng vẫn tỏ ra tương đối lạc quan, thì các nhà phân tích chỉ ra việc thực hiện thỏa thuận này dường như đã bị trì hoãn vô thời hạn.

“Thất bại của Trump đã quá rõ. Bạn có thể thấy rằng ông ấy không đạt được tiến bộ nào trong việc giải quyết những xung đột Mỹ - Trung cốt lõi, vốn là cơ sở khiến chính quyền Trump mạnh tay ngay từ thời điểm đầu thương chiến” - nhận định của William Reinsch, chuyên gia thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

Ông Reinsch chỉ ra rằng bất chấp những nỗ lực của Trump, mâu thuẫn cốt lõi giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới liên quan đến thực trạng đánh cắp công nghệ, trợ cấp nhà nước… vẫn còn đó. “Tất cả những yếu tố cốt lõi này đều đã được chuyển sang giai đoạn 2 của đàm phán thương mại, giai đoạn mà đến nay vẫn chưa bắt đầu, hoặc sẽ chẳng bao giờ bắt đầu”.

Nhận định về quan hệ Mỹ - Trung trong tương lai, các nhà phân tích JP Morgan cho rằng xung đột giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn có nguy cơ leo thang trên nhiều lĩnh vực từ thương mại, công nghệ cho đến tài chính bất chấp Trump có đắc cử Tổng thống Mỹ thêm một nhiệm kỳ nữa hay không.


NTTD
Cùng chuyên mục