Trump 'hứa suông' với nước Mỹ?

26/10/2020 15:10 GMT+7
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) mới đây vừa có bài phân tích về Tổng thống Trump và lời hứa mang đến việc làm cho thị trường lao động Mỹ trong 4 năm ngồi trên ghế chủ nhân Nhà Trắng.
Báo Trung: Trump 'hứa suông' với nước Mỹ - Ảnh 1.

SCMP chỉ ra rằng Trump chưa thực hiện được lời hứa đưa công việc trở lại thị trường lao động Mỹ trong suốt 4 năm ngồi tại Nhà Trắng

Tháng 8/2016, trong chiến dịch vận động tranh cử vào Nhà Trắng, Trump tuyên bố tại bang Michigan: “Chúng ta đã mất 1/7 công việc trong lĩnh vực sản xuất kể từ khi Bill Clinton đưa Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới”. Ông Trump khi đó cam kết sẽ đưa ra hàng loạt “biện pháp mạnh mẽ để chống lại nguy cơ Trung Quốc thao túng tiền tệ, ví dụ như trừng phạt thuế quan để chống lại hành động gian lận thương mại và trợ cấp không lành mạnh”.

Và rồi Trump chiến thắng ứng viên Hillary Clinton của Đảng Dân chủ, chính thức trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Khi chính quyền Trump áp đặt thuế quan trừng phạt với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào năm 2019, công chúng Mỹ đã kỳ vọng đây là cú hích đưa việc làm quay trở lại thị trường lao động Mỹ. Nhưng theo tờ SCMP, kỳ vọng này đã không trở thành hiện thực.

Ap lực thuế quan khiến chi phí sản xuất gia tăng, thúc đẩy các nhà sản xuất nước ngoài tại Trung Quốc cân nhắc phương án dịch chuyển dây chuyền sang nhiều thị trường lân cận. Nike, Crocs, Roomba và GoPro đã mở rộng hoạt động sang Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh và Mexico. Dell, Sony, Nintendo và HP cũng cân nhắc những phương án như vậy. Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết trong một cuộc khảo sát gần đây rằng khoảng 41% công ty Mỹ đã hoặc đang cân nhắc chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc. Nhưng rất ít doanh nghiệp quay trở lại quê nhà Mỹ như lời kêu gọi của Trump.

Daniel Ikenson, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Thương mại tại Viện Cato nhận định: “Thuế quan trừng phạt của Trump đã gửi đến các doanh nghiệp Mỹ một thông điệp về việc trở lại quê hương. Nhưng rất ít doanh nghiệp tuân theo lời kêu gọi như vậy… Chi phí sản xuất tại Mỹ thực sự quá đắt đỏ”.

Khi Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận giai đoạn 1, trong đó Bắc Kinh đồng ý tăng cường nhập khẩu 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ Mỹ trong 2 năm, Trump tuyên bố Mỹ đã “chiến thắng” cuộc chiến tranh thương mại. Nhưng cho đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có đủ khả năng thực hiện một cam kết “xa vời” như vậy, nhất là sau khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế toàn cầu.

Theo Công ty tư vấn A.T., các nhà sản xuất đang nhắm đến nhiều thị trường lân cận Trung Quốc như một địa điểm sản xuất hoặc cung cấp tiềm năng, nhưng rất ít doanh nghiệp cân nhắc đến Mỹ. “Không có dấu hiệu nào cho thấy các nhà sản xuất Mỹ sẽ trở lại quê hương, Trên thực tế, họ đang gặp khó khăn vì chính sách của Trump… Họ chắc chắn sẽ chọn sản xuất ở những nền kinh tế có nguồn lao động dồi dào, giá rẻ”.

Tờ SCMP chỉ ra rằng có một điều không thể phủ nhận là dưới nhiệm kỳ của Trump, số việc làm trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã tăng 400.000 lên 12,8 triệu việc làm. Tuy nhiên, theo tờ báo này, số liệu thống kê về lao động nói chung cho thấy sự gia tăng việc làm trong lĩnh vực sản xuất đang làm giảm tốc độ tăng trưởng việc làm nói chung trong nền kinh tế Mỹ. 

Steve Lamar, Phó chủ tịch điều hành Hiệp hội Giày dép & Trang phục Mỹ AAFA cho hay: “Những gì Trump đã làm không giúp đưa việc làm trong lĩnh vực sản xuất quay trở lại. Bằng việc tăng thuế hàng dệt may nhập khẩu từ nước ngoài, ông ấy đã đẩy chi phí sản xuất ở Mỹ trở nên đắt đỏ hơn… Có thể thấy một số quốc gia được hưởng lợi từ động thái tăng thuế của Trump như Đông Nam Á và một số khu vực của Châu Phi. Nhưng thật không may, Mỹ không nằm trong số đó”.

Báo Trung: Trump 'hứa suông' với nước Mỹ - Ảnh 3.

Theo ông Steve Lamar, Mỹ không được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thuế quan Mỹ - Trung mà Trump châm ngòi

Doanh nghiệp Mỹ không muốn sản xuất tại Mỹ

Sản xuất từng là xương sống của nền kinh tế Mỹ. Những gã khổng lồ như IBM, Ford và General Motors là những siêu sao trong ngành sản xuất và đại diện cho sức sống kinh tế lớn nhất hành tinh. Trong những năm 1970, lĩnh vực sản xuất đóng góp hơn 1/4 tổng sản phẩm quốc nội của đất nước. Hiện nay, nó chỉ chiếm khoảng 12%, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ. Chỉ riêng trong giai đoạn 2000-2009, nước Mỹ đã mất 5 triệu công việc trong ngành sản xuất do lĩnh vực tự động hóa phát triển mạnh và nguồn lao động dồi dào giá rẻ từ nước ngoài.

Một số chuyên gia đồng tình rằng mang việc làm trở lại Mỹ như chính sách của Trump là một hướng đi sáng. Nhưng nhiều người không cho là vậy. “Chúng ta đã phát triển vượt bậc và sẽ không có chuyện đưa công việc sản xuất trở lại Mỹ. Chúng tôi không muốn làm như vậy. Nó sẽ không giúp tạo thêm sự thịnh vượng cho nước Mỹ” - trích lời ông Richard Kestenbaum, nhà phân tích từ Triangle Capital, một công ty đầu tư có trụ sở tại New York

“Các khâu sản xuất được thực hiện ở các thị trường như Trung Quốc cho phép chúng tôi tập trung vào những công việc mang lại giá trị cao hơn như thiết kế, kiểm soát chất lượng...:” - nhận định của ông Steve Lamar từ  AAFA.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục