Có 2 tỷ đồng nên mua vàng hay đất lúc này?
“Tôi vừa ‘đánh rơi’ 400 triệu đồng, mất toi 2 năm lương”, chị Hoài Thu (43 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) kể về việc đem 40 lượng vàng đi chốt lời ở giá 48 triệu đồng/lượng hồi giữa tháng 5, đến nay giá kim loại quý đã tăng lên mức 58,7 triệu đồng/lượng.
Chị Thu đang gửi tiết kiệm ngắn hạn 2 tỷ đồng thu về từ bán vàng, lãi suất khoảng 4%/năm. Giá vàng tăng sốc thời gian qua khiến chị Thu tiếc nuối và do dự việc rút tiền khỏi ngân hàng để tái đầu tư vào vàng.
Anh Hùng (chồng chị Thu) cho rằng giá vàng đang đạt đỉnh, mua vào lúc này đối mặt với nhiều rủi ro. Anh Hùng đề xuất đầu tư vào bất động sản ven đô, chú ý tập trung vào khu vực huyện Đan Phượng, Hoài Đức và quận Hà Đông.
Gần 2 tuần qua, vợ chồng chị Thu thường xuyên tranh luận xem dùng 2 tỷ mua vàng hay mua đất, hay tiếp tục gửi tiết kiệm ngân hàng. Tuy nhiên, họ vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng.
“1 tỷ mua vàng, 1 tỷ gửi tiết kiệm hoặc đầu tư bất động sản”
Trao đổi với Zing, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nếu có 2 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, nhà đầu tư nên để 1 tỷ mua vàng, 1 tỷ còn lại gửi tiết kiệm hoặc đầu tư bất động sản. Nếu đã có tiền gửi tiết kiệm rồi thì 1 tỷ mua vàng, 1 tỷ đầu tư bất động sản.
Với 1 tỷ mua vàng, ông nhìn nhận khả năng cao giá vàng thế giới sẽ vượt xa mức 2.000 USD/ounce, vàng trong nước sẽ phá mốc 60 triệu đồng/lượng trong vòng 3 tháng tới. Trong xu hướng giá vàng tăng như thế, mua vàng là một kênh đầu tư đáng lưu ý.
Tuy nhiên, rủi ro vẫn là rất lớn. “Hồi cuối tháng 2, giá vàng tăng lên mức 49 triệu đồng/lượng (ngày 25/2 - PV) rồi lao dốc xuống 45,8 triệu đồng/lượng chỉ 4 ngày sau đó. Vì vậy, phải tính tới việc giá vàng giảm sâu”, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói.
Vị chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đặt trường hợp giá vàng hiện tại từ 58 triệu đồng/lượng giảm xuống 45 triệu đồng/lượng, nhà đầu tư phải tính toán được mức thiệt hại là bao nhiêu. Nếu dám chấp nhận mức rủi ro đó thì nên mua vàng bởi theo ông, xác suất vàng tăng giá là 70%, giảm giá là 30%.
Với 1 tỷ còn lại, “chắc ăn nhất” là gửi ngân hàng. Tuy nhiên, lãi suất hiện tại ở mức thấp (khoảng 7%/năm/kỳ hạn gửi 12 tháng). Do đó, có thể cân nhắc đầu tư vào bất động sản, nhưng tốt nhất là mua để ở, sử dụng. “Thị trường bất động sản đang bị tác động bởi dịch bệnh thành ra giá rẻ, nên mua vào. Còn nếu muốn mua đi bán lại thì có thể dùng 1 tỷ đồng đi hùn vốn với người khác”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Trong dài hạn, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng giá vàng sẽ luôn tăng và đặc biệt lên cao vào thời điểm tình hình thế giới khủng hoảng. Khi dịch bệnh bùng phát ngày càng nghiêm trọng, giá vàng và giá bất động sản sẽ đi ngược chiều nhau, giá vàng tăng còn giá bất động sản giảm. Kịch bản kiểm soát được dịch bệnh, có thể đảo chiều, tức là giá vàng sẽ đi xuống, giá bất động sản tăng lên.
Hiện tại, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế, giá vàng được các nhà đầu tư quan tâm hơn nhiều so với bất động sản. Đến khi kiểm soát tốt dịch bệnh thì nên cân nhắc đầu tư vào bất động sản và giảm thiểu đầu tư vào vàng.
Đối với những dự đoán của giới phân tích trong vòng 5 năm tới, ông Hiếu nhận định nếu giá vàng thế giới lên 3.000 USD/ounce đã là rất cao, 4.000 USD/ounce là mức có thể đạt được nhưng xác suất thấp hơn, còn 5.000 USD/ounce thì tỷ lệ rất thấp.
Theo ông, giá kim loại quý càng cao thể hiện sức tàn phá của dịch bệnh lên nền kinh tế toàn cầu càng khốc liệt. Trường hợp vàng thế giới có thể cán mốc 5.000 USD/ounce trong vòng 5 năm tới, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu vẫn khuyên nhà đầu tư không nên bỏ nhiều hơn 50% tiền của mình vào vàng.
Mua vàng lúc này là mua trong bất ổn?
Thay vào đó, nên phân bổ rủi ro vì “bỏ tất cả trứng vào 1 rổ sẽ rất nguy hiểm”. “Giả sử trong vòng 5 năm tới giá vàng lên mức 5.000 USD/ounce, thì cũng có thể có những cơ hội đầu tư đảm bảo hơn, an toàn hơn, hiệu quả hơn”, ông Hiếu nói.
Trong khi đó, tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, cho rằng nếu nhà đầu tư có 2 tỷ đồng tiền nhàn rỗi trong tay nên gửi ngân hàng lấy lãi 5-7% trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm để quan sát, tìm cơ hội. Ông nói nếu không sẵn sàng chấp nhận rủi ro thì không nên mua vàng lúc này, còn từ nay đến tháng 6/2021 không phải là triển vọng cho bất động sản.
Với vàng, ông Hiển phân tích người dân chỉ tăng tái phân bổ tiết kiệm vào vàng khi lo ngại tiền Việt mất giá và thường mua khi giá vàng ổn định. Còn hiện tại, giá vàng đạt 2.019,4 USD/ounce (phiên giao dịch ngày 4/8), vượt đỉnh năm 2011. Trong vòng 1 năm qua, giá vàng tăng thẳng đứng, theo kinh nghiệm quá khứ thì khi mua ở đỉnh, dư địa tăng không còn nhiều, trong khi việc giá vàng quay đầu hoàn toàn có thể xảy xa.
Theo ông Hiển, trong vòng 4 tháng tới giá vàng vẫn neo ở mức cao như hiện nay hoặc có thể tăng thêm. Sau đó, nhiều khả năng sẽ giảm. Như vậy, mua vàng lúc này là ở giá cao. “Mua vàng lúc này không phải để tìm kiếm sự an toàn mà là mua trong bất ổn, bởi vàng có khả năng tăng hoặc giảm giá mạnh”, TS Đinh Thế Hiển nói với Zing.
Về dài hạn, lịch sử cho thấy giá vàng không thể lên mãi và 2.000 USD/ounce được xem là mức rất cao. “Vàng là công cụ phòng ngừa rủi ro, kinh tế bất ổn đẩy giá vàng lên còn khi ổn định thì giá vàng quay đầu giảm. Cho dù dịch Covid-19 còn, kinh tế vẫn phải tự đứng dậy đi lên”, ông Hiển nói. Ông nhận định giá vàng không thể tăng lên mức quá cao trong một vài năm tới.
Đối với bất động sản, vị chuyên gia cho rằng nếu chưa có sản phẩm bất động sản nào mình thực sự thích, đã theo dõi, tìm kiếm, săn lùng thì giai đoạn này không nên mua. Ông Hiển dự đoán giá bất động sản từ nay đến cuối năm, thậm chí đến quý I/2021 khó tăng, nhiều khu vực có khả năng giảm.
Lý giải về nhận định trên, ông Hiển cho biết giai đoạn 2015-2019, giá bất động sản tại Việt Nam đã tăng nóng, trong khi không tài sản đầu tư nào cứ tăng mãi được. Do vậy, khi tăng đến một mức nào đó, giá bất động sản sẽ đi ngang hoặc quay đầu, gây ra suy thoái.
“Ở Việt Nam có thể không gặp suy thoái nhưng đóng băng bất động sản sẽ có. Bên cạnh việc giá bất động sản đã tăng quá cao trước đó, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến từ nay đến tháng 6/2021 không phải là triển vọng cho bất động sản”, ông Hiển nói. Về dài hạn, ông Hiển cho rằng mua bất động sản vẫn tốt. Nếu qua năm 2021, kinh tế ổn định trở lại, có thể dùng 2 tỷ đầu tư vào bất động sản.
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhìn nhận việc nhà đầu tư phân bổ 2 tỷ đồng như thế nào phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro của mỗi cá nhân.
“Người nào thích mạo hiểm, rủi ro có thể mua vàng, chứng khoán. Người cẩn trọng, an toàn thì gửi tiết kiệm nhưng lãi suất thấp, rủi ro khi đồng tiền mất giá; có kế hoạch đầu tư lâu dài mà không cần tiền lãi hàng năm thì mua bất động sản”, ông Thế Anh nói.